Giấc mơ dưới chân núi Ngọc Linh đã thành hiện thực

Thứ năm, 29/06/2017 10:29

(Cadn.com.vn) - Đêm 10-6 vừa qua, dưới chân núi Ngọc Linh, H. Nam Trà My, Quảng Nam, lần đầu tiên diễn ra Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh, chủ đề  "Huyền thoại Ngọc Linh" trong chuỗi hoạt động đa dạng, phong phú, mới lạ của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017. Những câu chuyện về Ngọc Linh luôn đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc, níu kéo và tò mò. Với Ngọc Linh lâu nay người ta thường nói đến một ngọn núi cao mấy nghìn mét so với mặt biển và loài sâm mang tên ngọn núi đó. Nhưng quả thật, ngoại trừ những người làm khoa học, còn lại tất thảy người Trà My chẳng ai biết giá trị kinh tế của sâm như thế nào. Thế rồi một ngày duyên nợ, cái tên Ngọc Linh bỗng nhiên quyến rũ lạ thường và trong ngày hội này, hình ảnh nổi bật nhất, dễ thấy nhất trên khắp các ngả đường xứ Quảng, đặc biệt theo dọc con đường quốc gia 40B dài cả trăm cây số ngược về Nam Trà My là rất nhiều biểu ngữ giăng ngang, thả dọc muôn màu lung linh giữa màu xanh huyền thoại để quảng bá cho lễ hội... Trong cơn mưa rừng chiều, xuống sớm, mây đen kéo dày nhưng không thể ngăn được dòng người, dòng xe từ các tỉnh bạn, huyện bạn và đồng bào các dân tộc Nam Trà My đổ về trung tâm huyện lỵ Takpor. Đúng 16 giờ cùng ngày, biểu tượng Sâm Ngọc Linh được đoàn cờ hoa của Nam Trà My rước về từ chân núi Ngọc Linh, diễu hành qua các ngả đường thị tứ Takpor, trân trọng đặt tại trung tâm lễ hội. Ngày hội Sâm Ngọc Linh còn có điểm nhấn từ Hội chợ Sâm với trên 50 sản phẩm về sâm  bắt mắt, ấn tượng được chế tác từ Sâm Ngọc Linh với các tên gọi đầy sức hấp dẫn gắn với cơ sở sản xuất như Công ty cổ phần Thương mại - Dược - Sâm ở An Xuân, TP Tam Kỳ, Công ty TNHH Sâm Trà Linh ở Nam Trà My, Công ty Sâm Sâm, Công ty Cổ phần Danaco... Giá của mỗi sản phẩm từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Tổng số tiền doanh thu được từ mấy ngày lễ hội bày bán tại hội chợ sâm hơn 12 tỷ đồng.

Biểu tượng sâm Ngọc Linh trưng bày tại lễ hội sâm ở Nam Trà My.

Trong mạch nguồn của lễ hội, báo Nhân dân sáng kiến phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam mở hội thảo với chủ đề Giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh hay nói cách khác là bàn giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia. Tất cả những kinh nghiệm, trải nghiệm có cơ sở khoa học được trình bày có tình có lý, có phản biện có đồng tình, làm sáng ra biết bao điều làm được và chưa được trong thời gian qua. Từ một truyền thuyết huyễn hoặc với hình ảnh cây thuốc nam có thật trong vườn chỉ sử dụng chữa bệnh dân gian thời tiền sử của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây xứ Quảng, xứ Kon cho đến khi trở thành cây dược liệu giá trị được tính bằng tiền tỷ, nghiễm nhiên xếp vào vị trí cao nhất trong danh sách cây dược liệu trên thế giới cùng với sâm Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc... Sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, Quảng Nam góp phần làm rạng danh đất Quảng, chí ít cũng được thế giới biết đến qua Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017. Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Nam thì với sâm Ngọc Linh, giải pháp trước mắt không phải năng suất mà là sức sống của nó, sự lan tỏa của nó, nhân giống nó ra sao. Đây là vấn đề đang mắc và khó. Vì vậy hợp tác quốc tế để tìm thêm giải pháp bảo tồn và phát triển là không thể thiếu. Con số 19.000 ha sâm là một giấc mơ mang tên Ngọc Linh. Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Công Luận, hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô - Cần Thơ, nguyên giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP Hồ Chí Minh tin tưởng vào sự phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ông nói, lòng tin là yếu tố hết sức cần thiết. Còn đồng bào là còn sâm. Không nôn nóng. Triều Tiên phải mất 5000 năm, trong đó có 100 năm ở dưới tán rừng. Ông nhớ lại thời năm 1978, cách đây 39 năm, được tặng sâm, nhưng không biết dùng; Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt đề cập đến một đời sâm được trồng và chăm sóc dưới tán rừng tự nhiên hoặc dưới mái che. Bên cạnh đó ông không khỏi lo lắng, cảnh báo khi hiện tại đã và đang có giống sâm Trung Quốc trong vườn sâm Việt Nam. Ông đề nghị nên xây dựng cơ sở sản xuất phân bón riêng cho sâm. Khi nghe tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt cảnh báo về chất lượng sâm Việt Nam có nguy cơ bị lẫn lộn giữa thật và giả hoặc bị lai tạp  hóa hay nói cách khác là sâm Việt lai ngoại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận, người có 39 năm đi theo sâm trao đổi thêm rằng trước năm 2010, sau khi kiểm định một củ sâm thì tự tin, dứt khoát ghi vào hồ sơ là sâm Ngọc Linh. Sau 2010, kiểm định xong thì không dám ghi là sâm Ngọc Linh mà ghi là có chất sâm Ngọc Linh. Sở dĩ có sự băn khoăn đó là thực tế đã có củ sâm đầu nam dán vào thân bắc. Nghĩa là đầu sâm đích thị là sâm Ngọc Linh nhưng thân thì không biết sâm gì. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty cổ phần Danaco, Trưởng văn phòng đại diện tại Quảng Nam, có địa chỉ ở xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ và bà Trương Thị Vương Lan, kỹ sư, làm việc ở công ty Sâm Sâm ở xã Trà Linh, cùng chung một đề nghị chủ trương chính sách cần ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chứ không như hiện nay theo Nghị định 210 của chính phủ mỗi doanh nghiệp phải có 50 ha sâm thì mới được ưu đãi là không thuyết phục, doanh nghiệp chúng tôi không thể làm được.

Bộ tem sâm Ngọc Linh.             Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

Tiếng nói của ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam trở nên có sức hút khi ông không chữ nghĩa vòng vèo mà nói thẳng vào những gì đã và đang là thực trạng cũng như đặt ra suốt buổi hội thảo rằng "nói chi thì nói con người là yếu tố hàng đầu. Nhưng con người ở đây là ai. Là dân làng. Tôi nghĩ là phải bảo tồn trước. Chắc. Còn phát triển thì chầm chậm. Tới đâu chắc tới đó. Phải có sản phẩm mỹ phẩm từ sâm. Đó mới là thị trường. Quảng Nam luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp". Tất cả mọi hoạt động liên quan đến Sâm Ngọc Linh đều hướng tới con đường hội nhập. Chỉ có hội nhập mới đem lại giàu có cho quốc gia. Nhưng trước mắt là cứu nghèo cho đồng bào các dân tộc ở Nam Trà My - Quảng Nam và Đăk Tô - Kon Tum.

HUỲNH TRƯƠNG PHÁT