Giữa Hoàng Sa cùng “chiến mã” KN762 (4)

Thứ năm, 19/06/2014 10:09

* KỲ cuối: TÀU LÀ GIA ĐÌNH, BIÊN ĐỘI LÀ TỔ DÂN PHỐ

(Cadn.com.vn) - Giữa Hoàng Sa, mỗi biên đội tàu thực thi pháp luật là một tổ dân phố, mỗi con tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển là một gia đình, mỗi tàu cá của ngư dân là một cột mốc chủ quyền. Nguyên chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ nói rằng, với những chuyến đi về thường xuyên, với biên chế hành chính như vậy, đây là lúc đất liền gần với Hoàng Sa hơn bao giờ hết. Mà đã gần gũi máu thịt thì không bao giờ có thể tách rời.

Cứ 5 giờ sáng, chuông gióng lên dứt khoát kèm theo thông báo lanh lảnh từ cabin "toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu". Một ngày mới bắt đầu khi ánh mặt trời mới nhú lên như đầu quả trứng từ phía đường chân trời. Mọi chế độ sinh hoạt trên KN762 cũng như tất cả các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển khác là gia phong, nó ăn vào nếp sống của những người coi tàu là nhà, biển cả là quê hương. Dù được ưu ái thì tôi vẫn cố gắng để trở thành một thành viên trong ngôi nhà này. Sau chương trình sinh hoạt, giao ban, thông báo tình hình, ai cũng có việc để làm mặc dù có vẻ như ở trên tàu thời gian dư dả hơn những môi trường khác. Hai bộ phận phải răm rắp không có một phút nghỉ ngơi là phòng điều khiển và trực quan sát.

Mọi diễn biến từ giàn khoan, hải giám, hải cảnh, hộ vệ tên lửa… đều phải được cập nhật từng phút. Người ta nói mắt người đi biển như hải đăng cũng đúng. Khi tôi phải vừa giữ thăng bằng vừa quan sát cũng khó phát hiện được những con tàu của Trung Quốc ở phía xa thì một kiểm ngư viên bình thường cũng có thể đọc vanh vách cả số hiệu của nó, và nó đang có những ý định di chuyển như thế nào. Phía bếp, bộ phận hậu cần tỉ mẩn cho từng bữa ăn của toàn thể anh em, phòng câu lạc bộ có người đọc báo, boong tàu có người "làm vườn", chăn nuôi, trên nóc có từng tốp kiểm tra, gia cố lại những vị trí hỏng hóc do tàu Trung Quốc phá hoại. Chuyện "vườn - ao - chuồng" là một câu chuyện thú vị trên mỗi con tàu, cần một thời gian khác để kể tỉ mỉ, nhưng đây là một minh chứng mà anh em nói vui là "của nhà trồng được cho nhiệm vụ trường kỳ".

Điều quan trọng nhất để làm nên gia phong của mỗi ngôi nhà giữa Hoàng Sa mà tôi cảm nhận được chính là sự gắn bó khăng khít của các thành viên, dù họ đến từ nhiều miền quê trên cả nước. Một người đau ốm, cả tàu quan tâm, một người có chuyện vui, tất cả san sẻ như chính niềm vui của mình. Thuyền phó Trần Thành Sang kể, sau khi trở về đất liền từ chuyến đi đầu tiên, anh em đã bàn nhau thay phiên làm nhiệm vụ của anh Võ Văn Thạch để anh về quê giúp vợ những ngày chị Trần Thị Mỹ Lệ sắp sinh. Anh Thạch rất cảm động vì chuyện này nhưng suy nghĩ lại, so với nhiệm vụ của tàu ở Hoàng Sa, việc sinh nở của vợ đành phải nhờ lại gia đình, người thân. Anh quyết định lên đường chuyến thứ hai với anh em sau khi gọi điện về động viên vợ và gửi gắm người thân.

Gia đình KN-762 giữa Hoàng Sa

Ngày 1-6, cán bộ Kiểm ngư Lê Vũ Tuân và thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn ngồi lại với nhau để tổ chức chương trình tặng quà cho con em các kiểm ngư viên nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. Họ đọc vanh vách họ tên, năm sinh của các cháu và chuẩn bị từng phần quà chu đáo. Bất ngờ, cả tàu tập trung lại và mời tôi lên nhận quà, 2 suất cho 2 đứa con. Với tôi, đây là món quà quá ý nghĩa, đến nỗi tôi không nói được gì vào lúc đó. Chỉ biết rằng, mình đã vinh dự được đi Hoàng Sa, và vinh dự được trở thành một thành viên trong gia đình KN762, và là thành viên của tổ dân phố do KN628 làm tổ trưởng. "Dù đều là đàn ông, nhiều người còn chưa lập gia đình, song cứ đến những ngày lễ như 8-3, 20-10, 1-6… chúng tôi đều có quà, rồi cũng anh em tặng cho nhau nhưng ai cũng trân trọng vì đó là món quà cho mẹ, cho vợ, cho con - những người đã ủng hộ và hy sinh nhiều thứ vì công việc của chúng tôi. Kể cả chuyện hiếu hỉ, đau ốm của người nhà, chúng tôi cũng cùng nhau chia sẻ kịp thời", thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn tâm sự.

Gần như mỗi ngày một biên đội tàu thực thi pháp luật Việt Nam có một đội hình cơ động khác nhau. Mỗi tàu thường cách nhau khoảng 5 liên (0,5 hải lý), tiến lùi hay giữ vị trí đều răm rắp. Có khi hình chữ S, có khi như chòm đại hùng tinh, có khi như hình con thoi. Những lúc biển êm, không có lệnh cơ động, ở tàu này có thể nhìn thấy kiểm ngư viên ở tàu kia đang đứng thế trung bình tấn cắt tóc cho nhau. Vẫy tay chào cũng rõ mồn một. Khi theo lệnh, tiếp lương thực, báo chí hoặc chuyển quân, người của 761, 2013, 797, biên đội trưởng 628 có thể đứng ở mạn tàu, bắt tay hoặc dành cho nhau những cái ôm thân thiết.

Cảnh tượng này khiến tôi nghĩ ngay đến không gian của một tổ dân phố, ấm áp và rất gắn bó. Điều đó còn được thể hiện trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. Trong những ngày làm nhiệm vụ, tiến sâu để tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan, rất nhiều lần các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư bị bao vây, tấn công uy hiếp. Lúc đó, trách nhiệm của từng "gia đình" trong "tổ dân phố" lại càng phải được nâng cao. Chính các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã nhiều phen bất ngờ khi các tàu Việt Nam quyết đoán xông vào phá vòng vây để hỗ trợ các tàu bị bắn súng nước, phun vòi rồng mất khả năng cơ động.

Tàu KN-762 và KN-628 cập mạn trao đổi tình hình
giống như "Giao ban các tổ dân phố" giữa Hoàng Sa.

Ngang nhiên quấy nhiễu vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tàu Trung Quốc còn hung hãn gây sự, uy hiếp, tấn công tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Không những thế, tàu quân sự của nước này còn có những biểu hiện đe dọa sử dụng vũ lực trên vùng biển mà theo quy định của luật pháp quốc tế là họ không có quyền, không được phép. Đã tháng rưỡi rồi, để bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép tại Hoàng Sa kia, hàng trăm tàu của nước này luôn muốn lấy thịt đè người, nhưng không hề nao núng, từng con tàu, từng biên đội tàu chấp pháp Việt Nam vẫn kiên quyết giữ vững từng tấc biển và ngoan cường trước mọi thử thách. "Tàu là nhà, biển cả là quê hương", câu nói đó là mệnh lệnh trái tim.        

* Vĩ thanh: Chúng tôi chuyển quân để về đất liền trên tàu Cảnh sát biển 2016, con tàu bị tàu hải cảnh Trung Quốc húc 4 nhát chí tử vào mạn phải khi đang cắt mặt để chặn hướng uy hiếp của nó đối với một tàu Kiểm ngư khác của Việt Nam. Tàu về lại có tàu ra, đi qua nhau, chúng tôi chào nhau bằng những hồi còi rúc lên giữa Hoàng Sa thân yêu. Gặp mỗi tàu cá, bà con ngư dân bước ra mạn vẫy tay chào. Rắn rỏi, hiên ngang, dù ai cũng biết chuyện kiếm con cá con mực giờ đây khó khăn hơn trước. Vì sự quấy nhiễu của những đội tàu đến từ phương Bắc, đến biển của đất nước mình vừa ăn cướp vừa la làng.

Phóng sự: Công Khanh