Góa phụ bị “săn đuổi”
(Cadn.com.vn) - Rét mướt đổ lên rẻo cao Đakrông (Quảng Trị) không cản được bước chân chúng tôi tìm đến bản Pra Tầng (xã Đakrông, H. Đakrông) vào chiều 19-1 để tìm gặp nhân chứng của tục “nối dây” nghiệt ngã.
Người chúng tôi đang tìm là chị Hồ Thị Móm (1974), người Vân Kiều, hiện là y sĩ Trạm Y tế xã Đakrông. Khá dè dặt trải lòng về thân phận với những nỗi niềm khó nói, nhưng bằng sự mộc mạc, chúng tôi cảm nhận rõ sóng gió đã tràn qua đời chị. Được sinh ra ở vùng cao Hướng Tân, H. Hướng Hóa, từ lúc mới chào đời chị đã có khuyết tật bẩm sinh ở chân, nhưng điều đó không thể cản sự hiếu học trong chị. Tập tễnh cắt đồi, qua suối để đến lớp mỗi ngày, chị luôn mơ một ngày được học nghề y về bản chữa bệnh cứu người. Đúng như tâm nguyện, học xong cấp 3, chị học trung cấp y tại Huế.
Ngôi nhà sàn của gia đình chị Móm. |
Tuổi thanh xuân rạng rỡ đã kéo chị đến với tình yêu của anh chàng Vân Kiều ở bản Pra Tầng, xã Đakrông. Lúc đó, anh cũng đang học tại Hà Nội. Nhưng sau đó việc học trắc trở, anh trở lại bản. Tình yêu cô gái trường y vẫn chân thành, nồng thắm và họ cưới nhau khi chị bước vào tuổi 20. May mắn cho chị khi được về công tác tại xã Đakrông, thêm điều kiện để chăm sóc gia đình. Những năm đầu, hạnh phúc đong đầy khi chị lần lượt sinh con gái và trai. Thế nhưng, khi sinh đứa con thứ 2 chưa được mấy tháng thì chồng chị có dấu hiệu bất thường. Bắt đầu là những hành động kỳ quặc rồi đến chướng tính. Dồn dập sau đó là những cơn thịnh nộ vô cớ trút xuống chị, những trận đòn nhừ tử, đồ đạc gia đình vỡ nát. Chồng chị được xác định tâm thần phân liệt. Chị cay đắng, cơ cực một mình chăm con, vừa lo cho chồng. Mặc dù được chăm sóc chữa chạy, không để anh bỏ sót ngày thuốc nào nhưng bệnh tình của chồng chị không thuyên giảm. Năm 2014, thêm một tin quái ác ập xuống khi chồng chị mắc bệnh ung thư phổi. Gia cảnh trở nên khốn đốn nhưng tình yêu, lòng nhân hậu đã giúp chị có thêm sức mạnh, cùng chồng chống chọi qua từng ngày đau đớn bệnh tật.
Một ngày tháng 4-2015, chồng chị trút hơi thở cuối. Nỗi đau mất mát tưởng sẽ làm góa phụ hiền hậu gục ngã, thế nhưng nhìn 2 đứa con tội nghiệp (đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi), chị gượng dậy. Nhưng bàng hoàng hơn khi 7 ngày sau tang lễ là cuộc họp gia đình, định đoạt số phận góa phụ theo phong tục tập quán của người Vân Kiều. “Tôi là người Vân Kiều, tôi biết đến tục “nối dây” này, cũng đã có lo sợ trong lòng nhưng do quá nhiều chuyện đau đớn nên tôi quên đi, cho đến hôm đó...” - chị Móm nhớ lại. 2 phương án đưa ra buộc chị phải lựa chọn: Hoặc ở lại bản phải thực hiện tục “nối dây”, là làm vợ một ai đó trong dòng tộc bên chồng, bất kể người đó có gia đình hay chưa, già hay trẻ, vai vế cao thấp thế nào; hoặc là về lại nhà mẹ đẻ nhưng phải để lại con cái, nhà cửa, tài sản. Đây không phải là ý kiến của riêng ai, họ chỉ làm theo luật tục của bản. Và hủ tục lạc hậu ấy bắt đầu “săn đuổi” chị.
Chị Móm kể lại hành trình vượt qua nghịch cảnh. |
“Ban đầu họ chỉ định tôi “nối dây” với em họ, là người đã có gia đình. Tôi không đồng ý với bất kỳ phương án nào đưa ra, không “nối dây”, cũng không thể xa con, tôi cũng không có lý do gì để xa rời ngôi nhà của vợ chồng tôi. Chính người em họ cũng bày tỏ không đồng ý, vì chú ấy muốn một lòng một dạ thương yêu chăm lo vợ con của mình” - chị Móm kể. “Sau đó họ chỉ vào nhiều người khác buộc tôi phải chọn một người. Tôi hiểu mọi người lo lắng, không ai dám đi ngược lại phong tục tập quán có từ đời xưa nhưng đó là điều tôi không thể. Không chỉ trái với lương tâm mà đi ngược luật pháp. Tôi muốn ở trong ngôi nhà của mình, lo lắng cho con mình. Đó là chính đáng” - chị bày tỏ.
Không chỉ nói bằng tâm nguyện mà thuyết phục bằng lý lẽ, quy định pháp luật, chị đã khiến nhiều người đồng tình quan điểm. Nhưng có một người vẫn không từ bỏ và thể hiện rõ quyết tâm buộc chị “nối dây”, lấy ông ấy. Người này săn chờ, đeo bám từ nhà đến nơi làm việc, thậm chí đe dọa chị. Chị phải tìm vợ người này để mong sự sẻ chia, thông cảm và can thiệp giúp. Nhưng chẳng ai có thể thuyết phục được. “Ông ấy bảo đó là tục lệ có từ lâu đời, suy nghĩ này cũng ăn sâu trong nhận thức của nhiều người”. Sự quấy phá của người đàn ông kia đã khiến chị hoang mang, hoảng sợ không còn tâm trí. Gia đình tiếp tục họp lần hai, chị vẫn không lung lay, không thực hiện tục “nối dây”. Chị càng cứng rắn bao nhiêu thì người đàn ông săn đuổi chị càng không thôi từ bỏ, buộc chị nhiều lần phải báo chính quyền và lực lượng CAX can thiệp. Ông Trần Văn Chạy - Chủ tịch UBND xã Đakrông xác nhận có sự việc này.
Bác sĩ Lê Quang Hưng - Trưởng Trạm y tế xã Đakrông cho biết, chị Móm là cán bộ tận tụy, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi chị rơi vào hoàn cảnh khó khăn ấy, Trạm cũng họp bàn để tìm cách tháo gỡ, nhưng trên hết là động viên chị đấu tranh tới cùng, vượt qua nghịch cảnh. Chị như được tiếp thêm sức mạnh. “Hơn 2 tháng sau tiếp tục diễn ra phiên họp gia đình lần thứ ba và lần này có chính quyền, CAX tham dự. Tại cuộc họp, có người buộc tôi phải đền tiền nếu không làm theo luật tục” - chị nhớ lại. “Nếu bắt con đền thì hãy trả lại nhan sắc và tuổi trẻ cho con” - chị cương quyết. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích, chị đã thoát khỏi những ràng buộc do hủ tục đặt ra. “Kể từ đó đến nay, sự bình yên trở lại với mẹ con tôi. Bà con cũng không ai xa lánh” - chị cho biết.
Mọi người cảm phục sự bản lĩnh, quyết tâm của nữ y sĩ, còn chúng tôi, bắt đầu câu chuyện về chị là sóng gió, bi kịch tưởng nhấn chìm đời chị nhưng khép lại là sự chan chứa bình yên, mở ra bao hy vọng vào tương lai. Phải xóa bỏ những luật tục cổ hủ, lạc hậu, trái với sự phát triển chung, trái với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Và, để không còn những góa phụ bị “săn đuổi”, câu “chuyện lạ” này sẽ còn được kể tiếp...
Bảo Hà