Báo chí động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta
Một trong những lời động viên, khích lệ lớn lao nhất chính là các thư, bài viết của Bác Hồ. Báo Nhân dân số 163, ra ngày 1-2-1954, đăng thư của Bác Hồ gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ vùng địch tạm chiếm. Bác kêu gọi cán bộ và chiến sĩ phải tiêu diệt thật nhiều giặc để giữ nước, giữ làng; thanh niên nam nữ thì cùng đồng bào quyết không đi lính cho giặc, hăng hái tham gia du kích và bộ đội; ra sức vận động ngụy binh quay về với Tổ quốc...
Thư gửi dịp Tết Giáp Ngọ năm 1954, Bác viết: “Bác chờ tin thắng trận các chú gửi về làm quà tết cho Bác. Bác chuẩn bị sẵn giải thưởng cho đơn vị và cá nhân có nhiều chiến công…” (Báo Quân đội nhân dân số 120 xuất bản tại mặt trận, ngày 1-2-1954). Cũng trong số báo này, Tổng Bí thư Trường Chinh gửi thư đến cán bộ, chiến sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán. Một tháng sau, Bác Hồ lại gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ: “Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới…” (Báo Quân đội nhân dân số 131, ngày 14-3-1954). Ngay trong số ra sau đó, Báo Quân đội nhân dân xuất bản ngay tại mặt trận số ra ngày 18-3-1954 tiếp tục đăng điện của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Ngày 8-5-1954, sau thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch, Bác Hồ đã gửi thư khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc. Bác viết: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình...”. Bức thư này được đăng trên Báo Nhân dân số 187, ra ngày 22-5-1954.
Những bức thư đó kịp thời đến ngay mặt trận trong lúc chiến sự đang ác liệt có tác dụng động viên tinh thần chiến sĩ ta hăng hái xung phong tiến lên tiêu diệt quân thù.
Báo chí biểu dương các điển hình chiến đấu, lao động...
Đây là loại bài xuất hiện rất thường xuyên trên các báo. Đặc biệt với Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận, do bám sát tình hình chiến sự, gắn chặt chẽ với các đơn vị nên các gương điển hình thường được miêu tả sinh động, thuyết phục. Báo số 119 ra ngày 26-1-1954 biểu dương dân công Nguyễn Thị Xuân, trên đường đi công tác bất ngờ tiểu đội của chị bị trúng bom nổ chậm, nhiều người bị đất đá vùi, bản thân chị bị lăn xuống vực sâu nhưng tìm cách leo lên khỏi vực và cố gắng đào đất đá để giải cứu 7 người trong đoàn... Báo số 120 ra ngày 1-2-1954 biểu dương đồng chí Nông Văn Thùy dũng cảm, khéo léo cùng đồng đội và đồng bào vận động 130 tên lính ngụy ra hàng, thu nhiều súng… Báo số 122 ra ngày 11-2-1954 biểu dương 3 anh nuôi Thổ, Cồ và Long chấp hành nghiêm chính sách đối với thương binh, không nhận rau của một trạm quân y mà trèo đèo lội suối vào rừng để tìm được 3 gánh rau để phục vụ đơn vị... Báo số 123 ra ngày 18-2-1954 có bài của nhà văn Nguyễn Đình Thi biểu dương tiểu đội trưởng Vương có nhiều sáng kiến và biết cách động viên đồng đội để đào đất vượt mức... Những tấm gương này thường được viết ngắn gọn, sinh động, thuyết phục mà vẫn giữ được tính bí mật.
Báo chí làm công tác tư tưởng
Báo Nhân dân số 149 ra ngày 21-11-1953 có đăng bài “Anh hùng” giả và anh hùng thật của C.B. (tức Bác Hồ), phê bình một hiện tượng không lành mạnh trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Bài viết phê phán: “Khi có chút ít thành tích thì họ liền ra mặt “anh hùng”. (...) Họ tự cao tự đại, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không cầu tiến bộ nữa. Tiếp đến, việc to họ không làm được, việc nhỏ họ không muốn làm. Rồi họ than phiền “Đại tài, tiểu dụng”, quần chúng quên “ơn” họ, đoàn thể quên “công” họ...”.
Báo Quân đội nhân dân số 124 ra ngày 22-2-1954 đã nghiêm khắc phê bình đơn vị X “mất 42 cuốc xẻng, 400 viên đạn (riêng đại đội trưởng mất 150 viên), 2 hòm đạn để mốc xanh, mất 1 gói thuốc nổ và 12 quả lựu đạn”. Báo Quân đội nhân dân số 141 ra ngày 11-4-1954 có bài “Không chịu sống lúi sùi” (luộm thuộm), đó là việc chấn chỉnh, củng cố công sự ngủ, giải quyết nước ăn nước rửa, tổng vệ sinh hầm..., nhờ vậy mà “đời sống trong công sự dần dần trở lại bình thường dễ chịu”.
Những hình thức sinh hoạt tư tưởng, phê bình này có tác dụng thiết thực trong việc chỉnh đốn tác phong, nâng cao nhận thức, vừa bảo đảm chấp hành nghiêm kỷ luật chiến đấu vừa đảm bảo nâng cao điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ…
Báo chí tham gia công tác địch vận
Ở mảng nội dung này, một mặt, báo chí phản ánh phong trào đấu tranh chống cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam, mặt khác thể hiện tình cảnh khốn cùng của quân đội Pháp, tạo điều kiện để quân dân ta tiến lên. Trong bài viết Thanh niên Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam, đăng trên Báo Nhân dân số 144, ra ngày 26-10-1953, Bác Hồ đã viết: “Chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp theo đuổi ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa (...). Vì vậy địch nhất định thua, ta nhất định thắng”. Báo Nhân dân số 147, ra ngày 11-11-1953 tiếp tục đăng thư của Hồ Chí Minh gửi thanh niên Pháp. Thư có đoạn: “Chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta”.
Báo Quân đội nhân dân xuất bản ngay tại mặt trận số 127 ra ngày 3-3-1954 có bài “Điện Biên Phủ, một trại lính quái gở của Chiến Kỳ”, ghi lại lời khai của 3 tên lính Pháp bị quân ta bắt được. Bài viết mô tả tình trạng thiếu đói, bệnh tật và bị ức hiếp của lính Pháp thật thê thảm, như phải giành ăn, tình trạng bị sĩ quan chèn ép, lợi dụng... Báo số 133 ra ngày 18-3-1954 ghi lời kể của một tên quan ba, phản ánh tình trạng thảm não của bọn lính Pháp tại Điện Biên Phủ...
Những câu chuyện “người thật việc thật” này lọt đến bọn lính Pháp và lính ngụy, không chỉ làm dao động hàng ngũ của địch mà còn tác động đến việc rã ngũ, quy hàng, đồng thời khích lệ tinh thần quân dân ta về một thắng lợi tất yếu.
*
Báo chí cách mạng đã phối hợp phục vụ đắc lực cho thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những nhà báo cũng là chiến sĩ, cũng xông pha trận mạc, chấp nhận gian khổ, hy sinh. Những tờ báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn là tiếng kèn xung trận, là sự biểu dương, chia sẻ thiết thực, là góp ý sửa chữa chân tình, là món ăn tinh thần bổ ích, là công cụ để làm công tác địch vận... Báo chí kháng chiến nói chung và báo chí trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật hoạtđộng báo chí cách mạng!
NGUYỄN MINH HẢI
Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.