Độc tố nơi 4 nạn nhân tử vong vẫn còn phát tán
(Cadn.com.vn) - Sau khi nhiều phương án tiếp cận tàu sắt bị nạn Onnekas One để đảm bảo an toàn tính mạng, đến cuối giờ chiều 19-6, các cơ quan chức năng của CSHS CA tỉnh TT-Huế, VKSND tỉnh, lực lượng công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh, BĐBP tỉnh, Chi cục Bảo vệ TNMT và Đoàn công tác Phân viện bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường thuộc Tổng LĐLĐ đóng tại TP Đà Nẵng cùng chính quyền địa phương mới tiếp cận với tàu sắt Malaysia gặp nạn Onnekas One- nơi mà 4 lao động tham gia trục vớt bị tử nạn do ngạt khí.
Trước khi tiến hành lấy mẫu nước, mẫu khí để xét nghiệm, lực lượng cứu nạn đã tiến hành làm thí nghiệm bằng cách thả 2 con vịt, một con vào khoang balas nơi có 4 nạn nhân tử vong và 1 khoang khác thì ngay lập tức con vịt trong khoang balas bị chết. Như vậy, có nghĩa rằng, độc tố ở trong khoang balas vẫn đang tiếp tục phát tán. Ngay sau đó, các chuyên viên đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu khí trong khoang tàu để đưa về xét nghiệm. Ngoài ra, lực lượng này còn đo tốc độ phạm vi ảnh hưởng môi trường của hiện trường vụ tai nạn. Qua đánh giá sơ bộ ban đầu, trong khoang có rất nhiều khí Sunfua Hydro. Với lượng khí trên, không thể tiếp tục trục vớt và muốn trục vớt thì phải xử lý lượng khí mới có khả năng an toàn.
![]() |
Lực lượng chức năng nỗ lực tiếp cận tàu gặp nạn. |
Sau khi xác định, khí độc ở trong khoang- nơi thi thể anh Võ Văn Thuận (thi thể cuối cùng trong số 4 thi thể) vẫn còn mắc kẹt, lực lượng công binh và các thợ lặn mang các bảo hộ lao động, dụng cụ phòng độc vào khoang tàu để tìm kiếm thi thể nạn nhân. Sau nhiều giờ nỗ lực, đến cuối giờ chiều, thi thể anh Thuận được tìm thấy và đưa ra khỏi khoang tàu. Tối cùng ngày, thi thể anh Thuận được đưa lên Cảng Thuận An ở thị trấn Thuận An (H. Phú Vang) để khám nghiệm tử thi.
Số lao động tử vong có HĐLĐ hay không?
Thượng tá Lê Văn Phương- Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh TT-Huế cho biết, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục phong tỏa hiện trường, yêu cầu các lao động không được tiếp cận con tàu Onnekas One; đồng thời BĐBP phối hợp chặt chẽ với lực lượng CA có phương án bảo vệ con tàu và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “hôi của”. Bởi theo Thượng tá Phương, dù con tàu bị gãy đôi nhưng hiện tài sản trong tàu có giá trị rất lớn. Ngoài ra, trong khi chờ kết quả mẫu xét nghiệm, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không được đến khu vực tàu đang đậu đỗ cũng như địa phận xung quanh. Hiện, cơ quan điều tra đang đình chỉ hoạt động đối với Cty TNHH Trục vớt và chờ kết luận của cơ quan CA.
Như vậy, 3 trong số 4 thi thể tử vong do ngạt khí ở trong khoang tàu khi tham gia trục vớt là: Văn Công Thang, Phan Văn Mạnh, Phan Văn Hiệp đều trú ở miền Tây rạng sáng 19-6 đã được các đồng nghiệp đưa về nhà. Dự kiến, thi thể của anh Thuận hôm nay (20-6) cũng được đưa về quê để lo mai táng. Lao động tham gia trục vớt phụ trách mảng sà lan cho biết, hầu hết các lao động tham gia trục vớt tàu sắt Malaysia chủ yếu là lao động thời vụ, ngoài tiền ăn, họ sẽ được Cty trả lương trung bình từ 4,5- 6 triệu đồng/lao động. Theo anh Hải, nhiều lao động mà Cty TNHH Trục vớt thuê làm, sau khi chứng kiến cảnh các đồng nghiệp chết thảm, họ hoang mang, lo sợ nên nhiều người bỏ về quê.
![]() |
Thi thể nạn nhân cuối cùng. |
Còn ông Từ Minh- Giám đốc Cty TNHH Trục vớt lại cho rằng, trong số lao động tham gia trục vớt tàu Onnekas One đều có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, hiện ông vẫn chưa cung cấp giấy tờ HĐLĐ cho cơ quan điều tra. Ông Minh cho rằng, trước khi tiến hành trục vớt con tàu này, ông đã dặn tất cả lao động không được vào khoang tàu vì khu vực này rất nguy hiểm; nhưng không hiểu vì sao, trưa 18-6, 4 lao động lại tự ý vào khoang tàu khi chưa có sự cho phép thì đã xảy ra hậu quả thương tâm.
Được biết, tàu sắt Onnekas One của Malaysia trên đường được lai dắt đi sửa chữa, khi đến địa phận bờ biển TT-Huế thì tàu lai dắt bị nạn, tàu sắt Onnekas One cũng bị gãy đôi. Sau khi xác định được vị trí tàu bị gãy, chủ tàu Onnekas One đã ký hợp đồng với Cty TNHH Một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (có trụ sở tại Quận 7, TPHCM) tiến hành trục vớt. Sau đó, Cty này thuê lại Cty TNHH Trục vớt đóng tại thị trấn Bến Lức (H. Bến Lức, Long An) để trục vớt, đưa con tàu trên vào bờ với giá 10 tỷ đồng. Cty TNHH Trục vớt tiến hành trục vớt con tàu trên vào trung tuần tháng 5-2013.
Hải Lan
Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.