Thấy gì ở “Ranh giới”?

Thứ ba, 14/09/2021 09:50

Một tuần nay, phim tài liệu “Ranh giới” (50 phút, VTV1, phát sóng ngày 8-9- 2021) đã tạo nên địa chấn, ám ảnh. Bộ phim dẫn dắt người xem nếm trải từ sự tàn khốc, mệt mỏi, đau đớn tột cùng; rồi đến niềm tin thăng hoa bên bờ tuyệt vọng.

Bộ phim như muốn buộc tất cả chúng ta phải nhìn thẳng vào gương mặt tử thần COVID-19. Khán giả như được “bước vào” tầng 4, khu K1, Bệnh viện Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh, nơi điều trị các sản phụ nhiễm COVID – 19, và chứng kiến tất cả những gì diễn ra ở nơi tàn khốc này. Đội ngũ y bác sĩ, những người đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, giành giật từng hơi thở cho sản phụ hồi sinh; giằng lấy từng mạng sống từ tay thần chết. Để rồi khi, thần chết thắng thế, họ bất lực ngửa mặt lên trời, thất thần với đôi mắt mở to. Đó là cái nhìn ám ảnh, xuyên thẳng vào thực tại bi thương, cũng là cái nhìn quyết tuyên chiến đến cùng.

Suốt ngày bó mình trong bộ đồ bảo hộ đến nẫu da, nẫu thịt; ăn vội, ngủ cũng vội, vật vạ nơi mép bàn, hành lang bệnh viện… Tự hỏi lòng rằng nếu là con, là cháu, là người thân của mình, liệu lòng có xót xa?!

Họ bỏ quên thân mình, bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con, bỏ cái, bỏ cả ông bà, cha mẹ đến đây, ngoài công tác chuyên môn còn tự tay bón từng thìa cháo, đưa nước, thay bỉm… cho bệnh nhân. Đã rất lâu, rất lâu họ chưa được trở về nhà nhưng lại luôn miệng động viên người bệnh: “Ăn đi! Sắp khoẻ rồi. Sắp được về nhà rồi”. Một bệnh viện mà có đến 125 y bác sĩ nhiễm Covid-19. Nhiễm bệnh rồi, nằm trên giường bệnh lại chỉ đau đáu một nỗi lo sợ: lo không cống hiến được nhiều hơn nữa; sợ không được phục vụ lâu dài. Trân quý vô cùng những người xông pha tuyến đầu, làm tấm lá chắn để Nhân dân an tâm lùi lại phía sau.

Cuộc chiến của chúng ta diễn ra ở một chiến trường rộng lớn hơn rất nhiều. Trên tuyến đầu, còn rất nhiều lực lượng khác. Các chiến sĩ lực lượng vũ trang, xưa chỉ biết đến nghiệp vụ, trấn áp tội phạm; biết hành quân, thao trường tập luyện… nay còn biết đi chợ, lượng mắm, đếm hành, chia rau, sớt thịt cho bà con. Hình ảnh cán bộ chiến sĩ đứng chốt giữa trưa trời nắng gắt, “người khô nhưng áo không khô” mãi là tượng đài khắc sâu trong lòng dân. Hay trong cơn bão dịch, lại dồn dập mắt bão thiên nhiên nhăm nhe dòm ngó, chiến sĩ mình xông xáo tận Hòa Bắc để vác lúa hộ dân... Những nghĩa cử ấy chúng ta không bao giờ quên và không được phép quên.

Càng thương ban điều hành tổ dân phố, mùa dịch này sáng đêm đếm đếm, chia chia, săn sóc từng bữa ăn của các hộ dân, lăn lộn mặt trận cơ sở cũng một chữ vì dân.

Nhìn những cống hiến, hy sinh không thể nào đong đếm được, bất giác, tôi nghĩ đến những người, theo cách nào đó, đã khiến cuộc chiến vốn dĩ gian nan càng trở nên khốc liệt, khó khăn hơn: Chỉ một chút thiệt hơn đã lớn tiếng lu loa trên mạng xã hội; đi xét nghiệm Covid-19, chút việc con con mà nhiều người nhụt chí, cáu bẳn rằng “xét nghiệm chi, xét hoài xét mãi”...

Khi chúng ta không chịu đựng được 3 - 4 giây, hãy nghĩ về những người phục vụ. Họ đã 2 - 3 tháng chưa về nhà; con sinh chưa tròn ngày cũng đành bấm bụng chịu nhớ, chịu thương. Khi chính sách thắt chặt, cuồng chân là buông lời ca thán; khi tiêm vaccine còn kén chọn, khen chê hãy xem bộ phim “Ranh giới” mà ngẫm nghĩ; hãy nhìn vào thực tại ở Bệnh viện Hùng Vương để dẹp bỏ những sân si. Nếu không thể làm gì hỗ trợ tuyến đầu, thì cũng biết cách chấp hành hướng dẫn phòng chống dịch. Xin đừng tạo thêm áp lực cho những người đang xả thân mình vì bình yên của đất nước. Hãy thương lấy! Các chiến sĩ ấy đã quá mệt rồi!

Hãy nghe, hãy nhìn để biết sợ, biết giữ cho mình, cho người, cho xã hội. Rằng Covid chẳng chừa một ai. Rằng 7 ngày, 10 ngày hay lâu hơn nữa, cái giá vẫn rẻ hơn nhiều so với tính mạng con người. Hãy nhìn để biết rằng, còn thở được là còn hạnh phúc. Đừng để đến khi phải tập thở, đến khi phải đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết mới biết trân trọng thì liệu có quá muộn màng?

Nụ cười em bé được sinh từ “cửa tử” trong phim tài liệu thật khớp với câu văn đậm chất triết: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. “Ranh giới” ở đây không chỉ là ranh giới giữa sự sống và cái chết mà còn là ranh giới giữa mỏi mệt và nỗ lực vì sứ mệnh thiêng liêng của đội ngũ y bác sĩ; giữa sự sợ hãi và cố gắng vượt qua bệnh tật của bệnh nhân. Tôi vững tin rằng, khi bước qua ranh giới ấy, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, cuộc sống sẽ tiếp diễn, đất nước lại hồi sinh. Với tinh thần “Còn da lông mọc, còn chồi lên cây” chúng ta sẽ khởi động lại cuộc sống, mạnh mẽ hơn.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP