Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng học sinh Mầm non miền núi Quảng Ngãi
Thực đơn bữa trưa tại Trường Mầm non Trà Thanh (xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng) được thay đổi hàng ngày và thực hiện theo cách tính khẩu phần dinh dưỡng của phương pháp truyền thống nhưng vẫn đảm bảo đúng và phù hợp với khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi. Cô Lê Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Trà Thanh là xã miền núi. Đa số các em đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Đầu năm học hàng năm, Trường đều tổ chức khám sức khỏe, cân, đo chiều cao cho các em, qua đó, phát hiện nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, nhưng chưa được phụ huynh quan tâm, chăm sóc đúng cách. Để giúp các cháu bổ sung dinh dưỡng, Ban Giám hiệu nhà trường đã bàn giải pháp góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng.
Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Thanh nhấn mạnh, đầu năm học 2022 - 2023, trường phát hiện có 41 trẻ suy dinh dưỡng. Nhờ được chăm sóc đúng cách, ăn uống đầy đủ, đến cuối năm học, chỉ còn 25 trẻ suy dinh dưỡng. Để có được kết quả này, nhà trường đã phải thay đổi thực đơn, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các cô phụ trách lớp luôn kiểm tra, động viên và bón cho các cháu ăn đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, nhiều cháu đến trường nhưng chưa được ăn sáng. Trong khi đó, trường không có chế độ hỗ trợ bữa ăn này cho các em. Các cô giáo đã dùng tiền cá nhân để mua mì tôm, cháo gói cho các cháu.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 8/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục Mầm non. Theo đó, mỗi tháng, học sinh cấp học Mẫu giáo (5 tuổi) khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 160 nghìn đồng cho bữa ăn trưa.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tại nhiều Trường Mầm non, phụ huynh còn đóng góp thêm để bữa ăn trưa của trẻ được đầy đủ, cải thiện hơn. Tại Trường Mầm non Trà Hiệp (huyện Trà Bồng), mỗi tháng phụ huynh đóng thêm 110 nghìn đồng/cháu. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trường đã giảm đáng kể.
Đầu năm học 2022 - 2023, số trẻ suy dinh dưỡng là 34%, thấp còi là 35%. Đến đầu tháng 4/2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi đều chỉ còn 17%. Cô Nguyễn Thị Thanh Thùy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Hiệp cho hay: “Tính cả số tiền phụ huynh đóng và tiền được hỗ trợ theo Nghị định, mỗi ngày các cháu có 12 nghìn đồng. Số tiền này được sử dụng để mua gạo, thực phẩm, gas, gia vị để nấu bữa trưa và bữa xế. Nhờ đó, bữa ăn của các cháu được đảm bảo cả về chất và lượng”.
Bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với 5 huyện miền núi của tỉnh, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 93%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân bình quân 5 huyện (trẻ dưới 5 tuổi) trên 20% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trên 30%. Ngành Giáo dục Mầm non đã tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi trường, cán bộ, giáo viên còn vận động, kêu gọi các tổ chức, nhà tài trợ, nhà hảo tâm, hỗ trợ kinh phí để mua thực phẩm hoặc sữa nhằm tăng dinh dưỡng cho các cháu.
Các trường thường xuyên tuyên truyền, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ với phụ huynh và cộng đồng thông qua các hình thức như: Họp phụ huynh, tuyên truyền qua hệ thống truyền thông loa phát thanh thôn, xóm; tuyên truyền thông qua các góc tuyên truyền của trường, lớp, qua hệ thống mạng internet (như nhóm Zalo, Facebook) để các phụ huynh thay đổi cách chăm sóc, cải thiện bữa ăn tại nhà cho các con. Việc chú trọng bữa ăn trưa bán trú cho trẻ Mầm non đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là giải pháp cần thiết, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở khu vực miền núi.
Đinh Hương