Guyana sẽ trở thành quốc gia giàu nhất thế giới?

Thứ sáu, 10/05/2019 11:44

Quốc gia nghèo thứ hai ở Nam Mỹ đang chuẩn bị cho một sự bùng nổ dầu mỏ, có thể đưa đất nước lên đầu danh sách các nước giàu có của lục địa - và thậm chí còn hơn thế nữa. Nhưng liệu Guyana có thể tránh được cái gọi là lời nguyền dầu mỏ và đảm bảo, sự giàu có mới này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân Guyana hay không?

Tại một buổi lễ ở ở thủ đô Georgetown, vào tháng 11-2018, Đại sứ Mỹ tại Guyana, Perry Holloway đã nói: "Đến năm 2020, GDP sẽ tăng từ 300% đến 1.000%. Đây là con số khổng lồ. Các bạn sẽ là quốc gia giàu nhất ở bán cầu và có khả năng là quốc gia giàu nhất thế giới". Nghe có vẻ xa vời, nhưng với dân số khoảng 750.000 người, tính theo đầu người, sự giàu có của Guyana sẽ tăng vọt. ExxonMobil, nhà khai thác dầu mỏ chính ở Guyana, cho biết họ đã phát hiện ra lượng dầu trị giá hơn 5,5 tỷ thùng dưới vùng biển của nước này ở Đại Tây Dương.

Việc phát hiện trữ lượng dầu khổng lồ ở Guyana có thể thay đổi tương lai của quốc gia này.           Ảnh: BBC

"Lời nguyền dầu mỏ"

Tương lai này chắc chắn sẽ được chào đón. Bởi Guyana, thuộc địa cũ của Anh, quốc gia nói tiếng Anh duy nhất ở Nam Mỹ, có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao. Nhưng những gì từng xảy ra trong quá khứ là lời cảnh báo cho Guyana. Việc phát hiện ra lượng dầu lớn ở các quốc gia đang phát triển khác đã làm trầm trọng thêm nạn tham nhũng hiện có, dẫn đến sự phung phí và đánh cắp dầu mỏ. Điều này từng được biết đến như là "lời nguyền dầu mỏ".

Ở Guyana, tham nhũng đang lan tràn, ông Thomas Thomas, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế nhận định. Ông nói rằng "rất lo lắng" về lời nguyền dầu mỏ. Cuộc khủng hoảng chính trị trong những tháng gần đây được một số người coi là dấu hiệu sớm của lời nguyền này. Sau khi liên minh cầm quyền để thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 12-2018, thay vì tổ chức các cuộc bầu cử, họ thách thức việc bỏ phiếu bằng cách nộp đơn kiện lên tòa án. Điều đó đã dẫn đến các cuộc biểu tình. "Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là chính phủ tôn trọng hiến pháp", một người biểu tình bên ngoài dinh tổng thống, cho biết. "Họ chỉ muốn duy trì quyền lực và kiểm soát tiền từ dầu mỏ", bà nói thêm.

Cuộc chiến pháp lý vẫn đang tiếp tục và tuần này Tòa án Công lý Caribbean đang xét xử phúc thẩm vụ kiện.

Đặt cược vào giáo dục

"Chúng tôi đã nhìn thấy những kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác. Họ giàu có về dầu mỏ nhưng lại hiện đang tồi tệ hơn do dầu mỏ", Vincent Adams, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Guyana, người đã làm việc trong 3 thập kỷ tại Bộ Năng lượng Mỹ, cho biết. Đối với ông Adams, cần có chìa khóa để tránh cái bẫy đó: "Giáo dục là nền tảng. Đó là khoản đầu tư tốt nhất mà đất nước này hoặc bất kỳ quốc gia nào có thể thực hiện", ông nhận định.

Ông Adams đang lãnh đạo dự án tân trang "Khoa kỹ thuật dầu mỏ" tại Đại học Guyana, trường đại học lớn nhất đất nước. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho thanh niên Guyana tiếp cận ngành công nghiệp mới sinh lợi này không hề đơn giản. "Thật không may cho chúng tôi, hiện tại chúng tôi không có phòng thí nghiệm kỹ thuật dầu khí", Elena Trim, trưởng khoa cho biết. Việc thu hút tài năng học tập những chuyên môn có liên quan cũng là một thách thức.  Tuy nhiên, ngay cả ở giai đoạn đầu này, ngành công nghiệp dầu mỏ của Guyana đã và đang tiếp nhận các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật khác dầu mỏ. 2 năm trước, 10 sinh viên mới tốt nhiệp đã được nhận việc. Năm ngoái, một Cty đã tiếp nhận 20 người nữa.

Và còn đó nhiều hoài nghi. Ở Sophia, một trong những khu dân cư nghèo nhất của Georgetown, mọi người không mấy lạc quan triển vọng về dầu mỏ. Nhiều ngôi nhà và lán trại tự xây của người dân chỉ mới được tiếp cận điện và nước sinh hoạt gần đây. "Rất nhiều tiêu cực đã xảy ra ở Guinea, rồi Nigeria, cũng như Venezuela. Vì vậy, mọi người rất nhạy cảm và không quá chắc chắn về tương lai mà ngành dầu mỏ mang lại", một chuyên gia cho biết.

AN BÌNH