Hai tháng chiến sự Ukraine "căng như dây đàn"

Thứ hai, 25/04/2022 21:50
Ngày 24-4 đánh dấu 2 tháng Nga mở chiến dịch quân sự với mục tiêu là phá hủy các cơ sở quân sự bằng vũ khí chính xác để "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.
Đoàn xe quân sự của lực lượng dân quân thân Nga di chuyển tại Mariupol, Donbass hôm 21-4. Ảnh: Reuters
Đoàn xe quân sự của lực lượng dân quân thân Nga di chuyển tại Mariupol, Donbass hôm 21-4. Ảnh: Reuters

Sau khoảng một tháng giao tranh quyết liệt trên nhiều khu vực, Nga thông báo khép lại giai đoạn một của chiến dịch. Giờ đây, khi chiến sự sắp bước sang ngày thứ 60, Nga đang tiến hành giai đoạn 2 của chiến sự, khi tập trung vào khu vực Donbass, Đông Ukraine.

Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, chiến dịch ở Donbass có vai trò "rất quan trọng trong toàn bộ chiến dịch quân sự của Nga". Giờ đây, câu hỏi được đặt ra là liệu trong giai đoạn 2 của chiến dịch, Nga có đạt được những kết quả tốt hơn giai đoạn một hay không, và liệu Ukraine có đủ quân và vũ khí để cản trở Nga, hoặc giành lại quyền kiểm soát những khu vực Moscow đang nắm giữ hay không? Và đâu mới là giải pháp tốt nhất để khép lại chiến sự giữa 2 nước?

Cục diện thay đổi đáng kể

Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine thay đổi đáng kể trong 2 tháng qua, với quy mô chiến trường thu hẹp, nhưng mức độ khốc liệt có nguy cơ gia tăng.

Tròn 2 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chiến sự đang bước vào giai đoạn mới, khi Nga tập trung lực lượng nhằm xuyên thủng phòng tuyến đối phương ở các tỉnh Donetsk, Lugansk và Kharkov. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 19-4 cho hay "đây là thời khắc vô cùng quan trọng đối với toàn bộ chiến dịch" ở Ukraine. Quy mô chiến trường được thu hẹp, nhưng cục diện và tương quan vượt ngoài mọi dự đoán ban đầu của giới phân tích quốc phòng cùng các quan chức phương Tây.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24-2, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định thủ đô của Ukraine có nguy cơ thất thủ trong vòng 72 giờ. Quân đội Nga áp sát Kiev ngày 25-2 với nhiều mũi tiến công khắp phía biên giới bắc Ukraine, gồm đổ bộ bằng lính dù cùng bộ binh từ hai hướng Belarus và Belgorod. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ Kiev đã cầm chân quân đội Nga suốt 36 ngày. Đến cuối tháng 3, Nga tuyên bố hoàn thành giai đoạn một chiến dịch và bắt đầu rút lực lượng khỏi trận địa quanh Kiev và miền bắc Ukraine.

Đợt tiến công ở Donbass được phát động vài ngày sau khi đại tướng Alexander Dvornikov, 61 tuổi, được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy giai đoạn hai của "chiến dịch quân sự đặc biệt. Giới quan sát cho rằng quyết định bổ nhiệm tướng Dvornikov cho thấy Moscow muốn tận dụng những am hiểu của ông trong nửa thập kỷ qua về tiềm lực đối phương và điều kiện tác chiến ở Ukraine. Cánh quân từ bán đảo Crimea cũng thu được kết quả đáng kể nhất so với hai trục phía bắc và phía đông trong hai tháng qua về diện tích lãnh thổ kiểm soát.

Tướng Rustam Minnekaev, quyền tư lệnh Quân khu Trung tâm quân đội Nga, ngày 22-4 nêu mục tiêu của giai đoạn hai chiến dịch quân sự là nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass và khu vực miền nam Ukraine. Nếu hoàn thành được hai mục tiêu này, Nga sẽ lập được hành lang trên bộ từ Donbass tới Crimea, đồng thời mở được con đường dẫn tới vùng ly khai Transnistria ở Moldova.

Nga nối lại cuộc tấn công vào Odessa

Giới chức Ukraine ngày 24-4 cho biết, Nga đã nối lại các đợt tấn công nhằm vào thành phố cảng Odessa ở miền Nam và không kích nhà máy Azovstal - pháo đài cuối cùng của lực lượng Ukraine ở thành phố Mariupol.

Guardian dẫn lời ông Anton Gerashchenko, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết, Nga đã khai hỏa ít nhất 6 tên lửa vào thành phố cảng Odessa. Quan chức này cho biết thêm, ít nhất một tên lửa đã rơi gần khu dân cư, trong khi hệ thống phòng không Ukraine đã phá hủy 2 tên lửa. Một quan chức khác của Ukraine nói rằng, vụ tấn công đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, 18 người bị thương. Moscow chưa bình luận về thông tin trên. Odessa là một trong những thành phố cảng chiến lược nằm ở ven bờ Biển Đen, miền Nam Ukraine và bị coi là một mục tiêu quan trọng với Nga khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trước đó, ngày 21-4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã "giải phóng" Mariupol, ngoại trừ khu vực nhà máy Azovstal vẫn còn khoảng 2.000 quân nhân Ukraine cố thủ bên trong. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu quân đội ngừng tấn công Azovstal, nhưng tiếp tục siết chặt bao vây tới mức "một con ruồi cũng không thể lọt qua".

Lực lượng phòng thủ của Ukraine ở Azovstal đến nay đã nhiều lần phớt lờ "tối hậu thư" của Nga, từ chối hạ vũ khí, tuyên bố "chiến đấu đến cùng" để bảo vệ Mariupol. Tuy vậy, theo nhiều nguồn tin, binh sĩ Ukraine cố thủ ở Azovstal đã lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế bởi họ đang phải đối mặt với tình cảnh vô cùng khó khăn, cạn kiệt lương thực và đạn dược do bị bao vây nhiều tuần qua.

KHẢ ANH