Iran có thể thay Nga cung cấp dầu khí cho Châu Âu?
Kế hoạch B của Nga
Xuất khẩu dầu của Nga phải đối mặt với lệnh cấm vận gần như hoàn toàn từ các nước Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 12 năm ngoái, nhưng nếu một thỏa thuận hạt nhân quốc tế được ký kết với Iran, điều đó sẽ cung cấp cho Nga một Kế hoạch B đúng lúc.
Trang Politico dẫn nhận định của các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, Nga có kế hoạch sử dụng Iran như một cửa sau để lách các lệnh trừng phạt quốc tế. Tehran có thể cung cấp cho Moscow một tuyến đường dự phòng để bán dầu thô, loại hàng hóa bị trừng phạt cũng là nguồn cung cấp tài chính chủ lực của Điện Kremlin.
Theo cái mà các thương nhân gọi là thỏa thuận “hoán đổi”, Iran có thể nhập dầu thô của Nga tới bờ biển Caspian ở phía bắc nước này, rồi sau đó thay mặt Nga bán một lượng dầu thô tương đương bằng các tàu chở dầu qua ngả Vịnh Persian. Iran sẽ lọc dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu nội địa đang khan hiếm, trong khi nhờ có thỏa thuận hạt nhân, dầu Iran xuất khẩu ở miền nam đất nước sẽ được miễn trừ các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Iran cũng có thể sử dụng đội tàu chở dầu của mình ngay khi được giải phóng khỏi các lệnh trừng phạt, để tải dầu thô của Nga ở các cảng bên ngoài biển Caspian.
Moscow đã cử các nhóm quan chức tài chính và thương mại cũng như các giám đốc điều hành của Gazprom và các công ty khác đến Tehran vào tháng 7 nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin để tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước. Trong những tuần gần đây, Iran cũng đã cử hai phái đoàn chính thức tới Moscow tập trung vào lĩnh vực năng lượng và tài chính. Trong số các quan chức cấp cao tham dự có Giám đốc Ngân hàng trung ương Iran Ali Saleh Abadi, Thứ trưởng Kinh tế Ali Fekri và người đứng đầu ủy ban kinh tế của Quốc hội Iran, Mohammad Reza Pour Ebrahimi. Các nhà ngoại giao Iran đã dành vài ngày để gặp gỡ những người đồng cấp và giới điều hành khu vực tư nhân.
Ông Ali Akbar Velayati, Cố vấn chính sách đối ngoại của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, đã công khai cho biết việc hoán đổi dầu nằm trong danh sách ưu tiên. Hãng thông tấn Fars dẫn lời ông nói: “Chúng tôi nhận dầu từ Nga và Kazakhstan qua Biển Caspian để tiêu thụ trong nước và sau đó chúng tôi giao dầu với số lượng tương tự cho khách hàng của họ ở miền nam”.
Ông Hedayatullah Khademi - CEO của tập đoàn North Oil Drilling Company ở Iran, cho rằng bất kể việc phương Tây tẩy chay nguồn nhiên liệu Nga, Iran có thể giúp Moscow bán khí đốt sang Châu Âu nhờ các hợp đồng hoán đổi. "Nếu thu hút sự tham gia của các chuyên gia có năng lực, chúng tôi có thể cùng với Nga bắt đầu một số giai đoạn phát triển thực địa và nhanh chóng tiến tới giai đoạn xuất khẩu. Ngoài ra, Iran có thể mua khí đốt từ chính Nga, sau đó xuất khẩu sang Châu Âu. Vì thế, dự báo của tôi như sau: Nếu tích cực hợp tác với Nga, chỉ sau 5 năm chúng tôi sẽ có thể chiếm phần lớn thị trường năng lượng thế giới", ông Khademi kết luận.
Thỏa thuận hạt nhân - con át chủ bài
Iran có thể bù đắp phần nào cho sự khan hiếm trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhưng để được như vậy, yêu cầu cần thiết là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran. Điều này phụ thuộc vào việc liệu thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) – mà theo đó Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ trừng phạt - có được khôi phục hay không.
Nhiều nhà ngoại giao tham gia vào quá trình đàm phán cho biết thỏa thuận đã có khả năng sẽ đạt được. Hôm 23-8, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết hầu hết các nước đang tham gia tiến trình đàm phán với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đều nói họ nhất trí với đề xuất mới nhất của EU. Sau khi EU gửi bản đề xuất cho cả Tehran và Washington vào cuối tháng 7, tuần trước Iran đã phản hồi. Ông Borrell cho biết Iran đã yêu cầu một số điều chỉnh với đề xuất của EU. Trước đó một ngày, ông đánh giá phản hồi của Tehran là "hợp lý" và một vòng đàm phán mới có thể được tổ chức sớm nhất là trong tuần này.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa có câu trả lời. Cuối ngày 22-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington sẽ đưa ra phản hồi ngay sau khi các tham vấn nội bộ hoàn tất. Thời gian qua, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã phản đối nội dung các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ từng lên tiếng phủ nhận thông tin Mỹ đang trao cho Iran "các nhượng bộ" lớn. Ngoài ra, Israel đang lên tiếng phản đối mạnh nhất đối với thỏa thuận hạt nhân và đây là nguyên nhân đáng kể khiến Mỹ chưa có câu trả lời rõ ràng về thỏa thuận. Thủ tướng Israel Yair Lapid đã cảnh báo Mỹ và Pháp rằng việc níu kéo thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là dấu hiệu cho thấy "sự yếu đuối". Tuy nhiên, bà Kelsey Davenport, giám đốc chính sách không phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, nhận định JCPOA vẫn là lựa chọn tốt nhất cho cả Tehran và Washington, nhưng các cuộc đàm phán không thể cứ kéo dài mãi mãi.
Italy kêu gọi EU đưa ra mức giá trần với khí đốt nhập khẩu từ Nga Phát biểu tại một hội nghị diễn ra ở thị trấn Rimini ngày 24-8, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng, các nước thành viên EU cần đưa ra mức giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm giảm bớt gánh nặng tăng giá đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình. Theo Thủ tướng Draghi, Chính phủ Italy đã gây sức ép mạnh mẽ với EU về việc đưa ra mức trần giá khí đốt nhập khẩu của Nga. Một số quốc gia tiếp tục phản đối đề xuất trên do lo ngại Moscow có thể tạm dừng việc cung ứng. Ông cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận vấn đề này trong cuộc họp tiếp theo. Ủy ban châu Âu cho biết trong tháng này đã đánh giá khẩn cấp các khả năng để đưa ra mức trần khí đốt. Dự kiến, EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 10 tới. Trong khi đó, giới chức Cộng hòa Czech - nước đang giữ chức Chủ tịch EU luân phiên, cho biết nước này đang cân nhắc tổ chức hội nghị thượng đỉnh năng lượng khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá điện leo thang, trong đó có việc đưa ra mức giá trần. Hiện EU đang phải đối mặt với giá năng lượng lên mức cao kỷ lục, khiến nhiều chính phủ phải tìm cách hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. A.B |
AN BÌNH
Dòng sự kiện:Cuộc xung đột Nga-Ukraine
Loại mìn Mỹ gửi cho Ukraine: Nguy hiểm đến mức 150 nước cấm dùng
Sau ATACMS, Ukraine dùng Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga
Nga phản ứng về vụ Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS
Ông Putin cảnh báo đanh thép về khả năng Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa
Ông Trump tuyên bố sẽ nỗ lực mạnh chấm dứt xung đột Nga – Ukraine