Khủng hoảng Vùng Vịnh leo thang

Thứ tư, 07/06/2017 12:09

(Cadn.com.vn) - Từ 6 giờ ngày 6-6, Ai Cập đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay từ Qatar trong động thái cho thấy khủng hoảng ở Vùng Vịnh chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong khi đó, Saudi Arabia và Bahrain dự kiến cũng có động thái tương tự Ai Cập.

Trong bối cảnh khủng hoảng Vùng Vịnh vẫn leo thang, Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani ngày 6-6 hoãn bài phát biểu trước toàn dân về động thái cô lập ngoại giao đột ngột từ các quốc gia Arab để Kuwait có thời gian và cơ hội để hòa giải.

Ngoại trưởng Qatar cho biết, Kuwait đang cố gắng làm trung gian hòa giải khủng hoảng Vùng Vịnh. Trả lời phỏng vấn với mạng tin tức vệ tinh Al-Jazeera có trụ sở ở Doha, vị ngoại trưởng nêu rõ Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Sabah điện đàm và đề nghị Tiểu vương Qatar Al-Thani hoãn đưa ra bài phát biểu về cuộc khủng hoảng này để mang lại cơ hội cho những nỗ lực xoa dịu căng thẳng.

Hình ảnh theo dõi của trang mạng FlightRadar24 cho thấy đường bay hạn chế của hãng hàng không Qatar Airways vào sáng 6-6. Ảnh: BBC

Hậu quả của việc cô lập

Căng thẳng ngoại giao tại Vùng Vịnh bùng nổ sau khi một loạt quốc gia khu vực gồm Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain thông báo cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen và Libya cũng đưa ra quyết định tương tự.

Nguyên nhân mà các nước đưa ra là do Doha bảo trợ khủng bố. Giới phân tích cho rằng, quyết định của một số quốc gia Arab có thể là khởi đầu của việc cô lập khu vực đối với Doha. Cựu trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập Hussein Hariedy bình luận rằng, các biện pháp này được đưa ra sau khi tất cả những nỗ lực hòa giải tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới Arab - Mỹ diễn ra trong tháng trước bị thất bại. “Rõ ràng, Qatar không muốn thay đổi chính sách, dẫn tới việc các nước Vùng Vịnh phải cắt mọi quan hệ với Doha”, một chuyên gia nhận định.

Những biện pháp này sẽ không chỉ tăng cường cô lập đối với chính quyền Qatar, mà cũng có tác động mạnh tới người dân nước này vì Qatar nhập khẩu hầu hết thực phẩm từ Saudi Arabia, quốc gia duy nhất có chung biên giới với Doha. Trong dấu hiệu cho thấy những hậu quả tiềm tàng đối với nền kinh tế Qatar - quốc gia giàu tài nguyên khí đốt - một số ngân hàng trong khu vực bắt đầu giảm dần các giao dịch kinh doanh với Qatar. Ngành hàng không cũng chịu ảnh hưởng lớn. Từ 6 giờ ngày 6-6, Ai Cập cũng đã đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay từ Qatar. Trong khi đó, Saudi Arabia và Bahrain dự kiến cũng có động thái tương tự Ai Cập.

Qatar không trả đũa

Những động thái này chứng kiến tình trạng rạn nứt quan hệ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa một số quốc gia hùng mạnh nhất thế giới Arab.

Rõ ràng, hiện tại, quả bóng đang được đẩy về phía Qatar. Các nước Vùng Vịnh và Ai Cập đang chờ đợi phản ứng và các biện pháp trả đũa của Doha, nhằm có cơ sở để đưa ra các quyết định tiếp theo. Tuy nhiên, Qatar quyết định không trả đũa. Tiểu vương Qatar Al-Thani điện đàm qua đêm với người đồng cấp Kuwait, quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vẫn duy trì mối quan hệ với Qatar, và quyết định hoãn bài phát biểu toàn quốc về cuộc khủng hoảng này. Doha cũng quyết định không trả đũa trước những động thái của các nước láng giềng. Quyết định của Doha được đưa ra sau khi Quốc vương Kuwait kêu gọi Qatar kiềm chế.

Kuwait đang đóng vai trò trung gian hòa giải căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia Vùng Vịnh. Mỹ cũng tuyên bố nỗ lực góp phần xoa dịu căng thẳng ở khu vực này. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ: “Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên liên quan đến tiến trình này, với tất cả các nước liên quan”. Đại diện Nhà Trắng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tiếp tục xoa dịu căng thẳng”. Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quan hệ tốt đẹp với Qatar cũng như một số quốc gia Vùng Vịnh láng giềng của Doha - cũng đang nỗ lực cho chiến dịch hòa giải này.

Khả Anh