Làm báo thời “thế giới phẳng”: Khó hay dễ?

Thứ hai, 20/06/2022 09:57
Từ thao tác nghiệp vụ chỉ có cuốn sổ tay, cây bút rồi ghi ghi chép chép, oách lắm mới có máy ghi âm, hoặc máy chụp hình đến nay, nhà báo đã được công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều lắm. Như thế, mọi việc ắt dễ dàng, thuận lợi hơn chứ?
Đồ nghề…
Xưa rồi diễm...

Nghĩ lại thấy buồn cười

Từ thao tác nghiệp vụ chỉ có cuốn sổ tay, cây bút rồi ghi ghi chép chép, oách lắm mới có máy ghi âm, hoặc máy chụp hình; đến nay, nhà báo đã được công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều lắm. Như thế, mọi việc ắt dễ dàng, thuận lợi hơn chứ? Không đâu, tôi nghĩ càng gay go hơn đối với nhà báo, phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trước. Khó khăn nhất ở chỗ, vai trò nhà báo không còn là sự “độc quyền” thông tin, nhận định thông tin mà họ đang gặp phải một lực lượng cạnh tranh khốc liệt: bạn đọc.

“Xưa rồi diễm”...

Trước đây, nhà báo được xã hội trọng vọng, tôn sùng vì họ chính là người cung cấp, thậm chí “ban phát” thông tin, do đó, đối tượng được đề cập đến lẫn bạn đọc được/ bị “định hướng” theo quan điểm của nhà báo. Nay thế nào? Đừng hòng. Giữa họ và bạn đọc đã, đang và sẽ luôn là cuộc chạy đua về thông tin. Có thể nói sự việc này diễn ra bền bỉ là một tất yếu khi mà qua công nghệ thông tin, tất cả đều “bình đẳng” và đều có quyền chủ động khi muốn truyền tải bất kỳ thông tin nào đó.

Thời tôi mới chân ướt chân ráo vào nghề, được tòa soạn phân công viết văn hóa văn nghệ, đến nay, tôi nhớ đến cách quản lý giữa phóng viên với trưởng ban vẫn là quyển sổ “Báo cáo tuần”. Anh/chị theo dõi lãnh vực nào, từ điện ảnh, sân khấu, thế giới sách… đến văn nghệ quần chúng thì cuối tuần phải báo cáo tình hình có gì sẽ diễn ra. Căn cứ vào đó, trưởng ban sẽ phân công và chỉ định đề tài thực hiện cho số tới.

Muốn có đề tài thời sự, nắm bắt thời sự thì phóng viên phải đi, phải la cà cùng văn nghệ sĩ, phải xuống tận các cơ sở văn hóa, chứ không thể, nói như thơ Chế Lan Viên là “Đóng cửa phòng văn hì hục viết” bằng trí tưởng tượng. Có như thế, báo mình mới không “thua” báo bạn, không bỏ sót thông tin. Nay, không cần phải như thế đâu, đã có nhiều cách thu thập thông tin mới, dù anh chị nhà báo không bước chân ra khỏi cửa. Rõ ràng, nay thuận lợi hơn nhiều.

Đồ nghề…

Nhà báo thời đó oách xà lách ghê gớm, một vở diễn, một bộ phim có thể “thắng hoặc thua” còn tùy thuộc vào cách nhận định, đánh giá của nhà báo nữa. Nay thì không thể, vì rằng, bạn đọc thời buổi này có nhiều cách tiếp cận với tác phẩm đó, chứ không chỉ một kênh từ báo chí “chính thống”. Do đó, nhà báo không thể “múa gậy vườn hoang” như trước. Mà, phải cẩn trọng hơn, chu đáo hơn bởi sự soi xét của bạn đọc đã có mặt “trên từng cây số”. Tức là nhà báo nhận định thế nào thì tùy nhưng bạn đọc cũng có cái nhìn riêng của họ bởi công nghệ cho phép họ tiếp cận sự vật/ sự việc một cách cụ thể, chứ không chỉ từ nhà báo, qua lăng kính của nhà báo. Nếu nhận định, ca ngợi, phê phán trùng hợp nhau, ắt bài báo đó đã “gãi đúng chỗ ngứa” của người đọc, bằng không cũng chỉ là viên sỏi ném vu vơ xuống dòng sông, không tạo nên âm thanh nào cả.

Nói một cách sòng phẳng, anh/chị là nhà báo được Nhà nước thừa nhận, thông qua thẻ hành nghề thì lực lượng bạn đọc, dù không được như thế nhưng khi tham gia cung cấp thông tin cũng là “nhà báo” đó thôi. Nếu không thay đổi suy nghĩ này, cứ nghĩ mình là nhà báo “thứ thiệt”, độc quyền ban phát thông tin, còn họ bất quá cũng chỉ là những người mon men bước vào lãnh vực này, tiếng nói của họ không đáng kể thì nhầm chết.

Chính vì cái sự nhầm đáng tiếc đó, nên ở đâu thì tôi không rõ, chứ qua thực tế, tôi rất rõ về cách “tác nghiệp báo chí” của không ít anh em viết văn hóa văn nghệ đã tuyệt đối trung thành, bền bỉ thực hiện theo công thức: “copy & past”. Không gì ngao ngán hơn, bẽ bàng hơn và não nề hơn khi trên mặt báo đã xuất hiện những thông tin chỉ sao chép từ “thông cáo báo chí”, vô thưởng vô phạt, “ăn theo nói leo”, không có chính kiến cá nhân.

Chính điều này đã khiến bạn đọc dần dà không còn quan tâm đến tờ báo mà họ phải bỏ tiền ra mua. Bù lại, hoặc tự họ sẽ trình bày suy nghĩ trên trang cá nhân facebook; hoặc họ tìm đọc từ trang cá nhân của người khác mà họ tin cậy. Hơn nữa, ta phải thừa nhận, không phải bất kỳ nhà báo nào dù chuyên viết về lãnh vực nào đó nhưng do không cập nhật kiến thức, không tự học, không nâng cao nhận thức nhiều hơn nữa nên đã không bằng bạn đọc - vốn là chuyên môn của họ v.v…

Một thử thách “sống còn” của báo chí, trong đó có lãnh vực văn hóa văn còn chính là yếu tố này.

Tồn tại hay không tồn tại?

Đối với báo chí nói chung, chưa bao giờ câu nói: “Tobe, or not tobe” của nhân vật hoàng tử Hamlet trong bi kịch của William Shakespeare lại vang vọng đau đáu đến thế. Thay đổi thế nào để tồn tại? Hiện nay, có một cụm từ đã trở nên phổ biến là “chuyển đổi số”, điều này đã trở thành tâm huyết của anh em báo chí. Các chuyên gia hàng đầu về báo chí đã bàn bạc “nát nước” rồi, tôi không dám có thêm ý kiến gì nữa, chỉ dám “dựa cột mà nghe”.

Nếu được phát biểu, tôi trộm nghĩ rằng, một ý thức bất biến xưa nay, từ thuở báo chí mới ra đời thì yếu tố nhanh nhạy và chính xác vẫn là điều tâm niệm không quên. Tuy nhiên, trong sự chuyển đổi này, tôi nghĩ vẫn nên cố gắng duy trì… cách suy nghĩ về báo chí theo lối truyền thống. Nghe thế, ắt có tiếng cười mỉa mai rộ lên. Cứ cho thế. Bởi tôi nghĩ, báo chí “chính thống” vẫn còn “đất sống” là ở chỗ hiện nay, thông tin trên mạng xã hội, facebook, Twitter… do phải nhanh nhạy kịp thời công bố thông tin, phải nhanh chóng đến từng giây từng phút nên hầu hết chỉ là thông tin căn bản, dù cần thiết nhưng vẫn chưa có sự bình luận, nhận định thấu đáo về sự kiện đó; hơn nữa, do công nghệ cho phép nên những kẻ vô lương tâm đã có những thao tác kỹ thuật nhằm tạo ra tin giả, câu view… không đúng bản chất hoặc “có ít xít ra nhiều” khiến bạn đọc hoài nghi.

Chính vì “kẽ hở” này nên báo chí “chính thống” còn có “đất sống” là vậy.

Muốn như thế, trong quá trình từng bước theo lộ trình “chuyển đổi số”, không còn cách nào khác bản thân nhà báo phải tự học nhiều hơn nữa, bằng mọi cách nâng cao kiến thức, sự am tường về lĩnh vực mà mình đang được phân công theo dõi nhằm phục vụ bạn đọc. Thí dụ, một nhà báo chuyên viết về nhận định sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, sách… không thể có kiến thức bằng người trong nghề, nhưng họ vẫn có thể bàn luận, nhận định về sự việc/ sự vụ đó nếu họ có trình độ nhất định. Như đã nói, “đối thủ” của họ chính là bạn đọc thì thời buổi này, họ không thể “hoàn thành nhiệm vụ” khi chỉ phản ánh, đưa tin mà còn phải là một nhà bình luận nữa.

Trước đây, lớp nhà báo thế hệ “truyền thống” trước cũng đã tự “nâng mình lên” bằng cách tự học, thiết nghĩ nhà báo trẻ hiện nay cũng thế, chứ không chỉ bằng mọi giá chạy theo sự nhanh nhạy của thông tin. Nhanh nhạy là đúng nhưng rồi, sau sự kiện đó nếu có thêm bài báo phân tích thấu đáo, chu đáo thì bạn đọc vẫn cần. Bạn đọc vẫn cần những cây bút đã tạo ra “thương hiệu” thuộc lãnh vực đó. Theo tôi, hiện nay, báo chí nước nhà đang thiếu những tên tuổi tạo ra dấu ấn cỡ như Hữu Thọ (bình luận chính trị xã hội), Chánh Trinh (bóng đá), Tư Trời Biển, Kỳ Lâm, Ba Thợ Tiện (bàn chuyện đời), Trần Trọng Thức (kinh tế) v.v… Mà, hỡi ôi, tôi đã thấy trên mạng xã hội lại có khá nhiều người đã có ý thức tạo ra “thương hiệu” đó rồi.

Và, cho phép tôi rất chủ quan rằng, một trong những thao tác cần thiết của nhà báo chuyên nghiệp thời “chuyển đổi số” vẫn còn là duy trì cách làm việc theo lối “truyền thống”: công tác tư liệu. Nhiều người cho rằng, chỉ cần một cú “clik chuột” thì thông tin hằng hà sa số, nhiều như cát trên sa mạc hiện ra trước mắt, tha hồ chọn thì hà cớ gì phải làm cái việc tủn mủn, nhọc công ấy? Không đâu.

Xin nêu một thí dụ, tại sao dù ai đó không phải nhà báo nhưng hễ thông tin đưa ra thì tạo được sự quan tâm từ bạn đọc? Đơn giản chỉ vì thông tin đó “độc” và “lạ” lần đầu công bố, chứ không phải lấy từ trên mạng. Nhà báo cũng sẽ như thế, nếu anh chị có ý thức làm công tác tư liệu từ lúc mới vào nghề cho đến hết đời làm báo: Ấy chính là kho tàng, là tài sản, là tư liệu riêng không “đụng hàng” với bất kỳ ai mà nhà báo đang sở hữu.

Bàn về câu chuyện làm báo bao giờ cũng là câu chuyện dài. Khó có thể đạt đến sự đồng thuận của tất cả mọi người. Thế nhưng, dù thế nào, tôi vẫn giữ quan điểm dù thay đổi như thế nào về “chuyển đổi số” đi nữa, vẫn còn đó, bao giờ cũng còn đó bài học rất cũ, rất xưa: Thưa nhà báo, anh chị đứng ở đâu, bằng tâm thế gì khi cung cấp thông tin cho bạn đọc? Tùy thuộc vào câu trả lời, ta sẽ tự biết trong lộ trình “chuyển đố số” mình sẽ theo kịp, thích ứng hay sẽ bị đào thải…

LÊ MINH QUỐC