Lật lại hồ sơ: Băng cướp bịt mặt gieo rắc nỗi kinh hoàng (4)

Thứ sáu, 19/06/2015 11:00

* Kỳ cuối: Đền tội

(Cadn.com.vn) - Dấu vết để lại tại hiện trường gần cầu Cánh Tiên cho thấy đây đích xác là băng cướp mà lâu nay BCA truy tìm, phục kích. Chưa bao giờ không khí phá án hồ hởi, khẩn trương như lúc này. Xác định băng cướp này có khoảng 10 tên, vì vậy để “hốt trọn ổ” thì tên cướp bị bắn trọng thương là điểm mấu chốt, quan trọng nhất để phá án. Một mặt, BCA đề nghị bệnh viện dồn hết tâm lực để cứu chữa, mặt khác huy động hàng chục CBCS túc trực ba vòng tại bệnh viện 24/24 giờ để bảo vệ. Kết hợp với công tác điều tra trước đây, BCA khẳng định “băng cướp bịt mặt” đã đến lúc bị lật tẩy...

Lãnh đạo và CBCS tham gia chuyên án gặp mặt, ôn lại kỷ niệm phá án.

Khi tên cướp đã dần bình phục, công tác xét hỏi bắt đầu được thực hiện ngay tại bệnh viện. Điều tra viên (ĐTV) Huỳnh Đức Cường là người đầu tiên tiếp cận, khai thác thông tin từ đối tượng. Đoán biết đối tượng sẽ ngoan cố, chối tội nhưng điều khiến cho đồng chí Cường không khỏi bất ngờ là tên cướp lại “cứng đầu”, gian dối như vậy. Khi hỏi quê quán, tên tuổi, hắn chỉ khai gọn lỏn: “Tên: Hồ Đình Dũng, nơi đăng ký HKTT: không, chỗ ở: lang thang”; lý lịch bản thân: “Bụi đời từ nhỏ, sống bám tại Bến xe miền Đông”; lý do bị bắt: “Ra Đà Nẵng cùng anh Hùng (gọi là Hùng bắc) đến Bến xe Đà Nẵng khoảng 9 giờ ngày 5-5-1994, khoảng 3 giờ chiều thì vào Thăng Bình, ăn chơi rồi tối đó dùng đá ném lên xe thì… bị bắt!”.

Công tác điều tra, thu thập thông tin trước đó đã cơ bản nắm rõ hành tung, phương thức, thủ đoạn hoạt động và có thể điểm mặt một số tên trong băng cướp, vì vậy, khi đối tượng tỏ ra ngoan cố, ĐTV Huỳnh Đức Cường quyết định đánh bài ngửa. Anh đột nhiên hỏi: “Anh biết Đỗ Thái Bình là tên của ai không?”. Nghe đến tên mình, tuy gương mặt không biến sắc nhưng đối tượng vẫn thoáng chút giật mình, điều này thì không thể qua được mắt của ĐTV đầy kinh nghiệm: “Khai thật đi!”. Cuối cùng y cũng phải nói thật: “Đỗ Thái Bình là tên của tôi!”. “Vì sao anh lại khai gian dối, nói mình tên Dũng?”. Bị hỏi dồn, Bình lắp bắp: “Vì tôi đã từng trốn trại Gia Trung (Trại giam của Bộ Nội vụ - nay là Bộ CA, đóng tại Gia Lai), sợ bị phát hiện nên khai gian dối…”.

Đại tá Huỳnh Đức Cường kể lại chuyên án  “kinh điển”
mà mình tham gia khám phá.

Chân dung của Đỗ Thái Bình sau nhiều lần hỏi cung đã được BCA “phác họa” khá đầy đủ, chi tiết. Theo đó, Đỗ Thái Bình (tức Bình con, 1968, trú thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, H. Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Nhà có 4 chị em, bố mất sớm, mẹ một mình gồng gánh, làm nông nuôi con ăn học. Giữa năm 1985, Đỗ Thái Bình ngán ngẩm trước cuộc sống nghèo khổ, bản tính vốn thích ăn chơi đua đòi nên y đã bỏ nhà đi bụi. Để có tiền sống qua ngày, nhiều lần y thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, đến năm 1986 thì bị bắt trong một lần trộm xe đạp và phải đi cải tạo tại Kim Sơn - Bình Định với thời gian 3 năm.

Hết hạn cải tạo, Bình lại chứng nào tật nấy khi tham gia cùng một số băng trộm cướp trên QL1A tại địa phận tỉnh Bình Định và Phú Yên. Ngày 4-10-1990, Bình bị CA tỉnh Bình Định bắt và sau đó nhận bản án tù chung thân kể từ ngày 6-12-1991, thụ án tại Trại giam Gia Trung. Thi hành án chưa được bao lâu thì ngày 28-4-1993, lấy cớ bị bệnh nên không đi lao động cùng các phạm nhân trong trại, khoảng 12 giờ cùng ngày, Bình trốn trại và đón xe về Quy Nhơn. Về Quy Nhơn được 2 ngày thì Bình gặp lại Hồ Thanh Sơn, một “chiến hữu” trong băng nhóm trộm cướp trước đây. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, Sơn rủ Bình ra Đà Nẵng tìm Nguyễn Ngọc Sang và cả ba tên lập thành băng chuyên cướp giật tài sản trên QL1A từ đấy.

Theo Bình khai nhận thì trước khi thực hiện các vụ cướp, bọn chúng thường chọn những đêm trời tối, không mưa và thường hẹn nhau tụ tập ở một số quán cà-phê quen thuộc ở Đà Nẵng. Cả băng có 9-10 tên nhưng mỗi lần đi “làm ăn” thì chỉ đi từ 2-6 tên, số còn lại nếu ai bận việc thì ở nhà hoặc có thể lập riêng nhóm “đánh quả lẻ”. Nếu địa điểm ra tay ở QN - ĐN thì từ cuối buổi chiều, bọn chúng sẽ đạp xe từ Đà Nẵng vào, trên đường đi sẽ chọn điểm ẩn nấp; còn nếu chọn địa bàn ngoài tỉnh QN - ĐN thì bọn chúng sẽ bắt xe khách, đem theo xe đạp để “hành nghề”. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, đến 1-2 giờ sáng sẽ đạp xe đi dọc đường, khi phát hiện xe nào dừng nghỉ là lập tức hành động.

Sau một thời gian, sợ lực lượng CA tuần tra phát hiện, chúng không đi lang thang nữa mà đến một điểm đã định sẵn từ trước 22 giờ và nằm ngủ ở những cánh đồng, khu lăng mộ gần đường, chân cầu… chờ cơ hội thực hiện. Theo lời khai của Đỗ Thái Bình với CQĐT thì trước khi đi “làm ăn”, bọn chúng thường phân công nhiệm vụ cụ thể: Khi ném đá vào xe, nếu xe nào dừng lại thì Bình cầm súng khống chế cửa ca-bin bên trái, sau đó thò tay tắt máy rút lấy chìa khóa, đuổi lái xe đi và trả lại chìa khóa nếu cướp được tài sản (xử lý tùy theo trường hợp cụ thể)”. Nếu nạn nhân manh động chống trả thì Bình sẽ nổ súng đe dọa, trường hợp “xấu nhất” thì có thể bắn chết để “bịt đầu mối”.

Cũng theo Đỗ Thái Bình, sau khi nhập bọn cho đến khi bị bắt, y đã tham gia khoảng 20 vụ cướp, tuy nhiên thống kê của CQĐT cho thấy y tham gia nhiều hơn thế. Trước đó băng cướp này do tên Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu, tuy nhiên sau khi Sang chết (bị CA tỉnh Tiền Giang tiêu diệt vào rạng sáng 23-11-1993 khi đang cùng đồng bọn thực hiện các vụ cướp tại đây) thì Đỗ Thái Bình được tôn lên làm “đại ca”… Từ lời khai của Bình, công tác mở rộng án được tiến hành. BCA lần lượt “lật mặt” và đưa các đối tượng trong băng cướp ra ánh sáng.

Phiên tòa xử băng cướp Đỗ Thái Bình (ảnh nhỏ) và đồng bọn thu hút sự quan tâm
của đông đảo người dân.

Ngày 24-10-1994, TAND tỉnh QN-ĐN mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xét xử Đỗ Thái Bình và đồng bọn đã thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của đông đảo dư luận và nhân dân. Với những hành vi gây án đặc biệt nghiêm trọng của mình như: cướp TSXHCN, cướp TSCD, cướp giật TSCD, trộm cắp TSCD, trốn khỏi trại giam… và “giết người”, các tên trong băng cướp đã phải nhận những bản án thích đáng với 4 án tử hình (chưa kể 1 tên bị bắn chết). Đỗ Thái Bình ngoài mức án tử hình về tội “Cướp TSCD” thì còn phải nhận thêm mức án 49 năm tù cho các tội danh khác và án tù chung thân về tội “Cướp TSXHCN”, tổng hình phạt là “tử hình”. Các tên Nguyễn Nhung (tức Minh), Nguyễn Thanh Phương, Hồ Thanh Sơn đều phải nhận tổng hình phạt cho các tội danh gây ra với mức án “tử hình”. Ngoài ra, các tên Trần Xuân Ba nhận mức án tù chung thân; Võ Thanh Sơn 30 năm tù; Võ Văn Bình 30 năm tù; Phan Ngọc Mới 15 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Hà 4 năm tù; Đặng Thị Phương 3 năm tù…

Sau khi CA QN-ĐN xuất sắc phá Chuyên án “Đỗ Thái Bình và đồng bọn trộm cướp trên QL1A” các tỉnh từ QN-ĐN đến Tiền Giang, tập thể BCA và cá nhân đại úy Huỳnh Đức Cường đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; thiếu tá Phan Như Thạch - Trưởng Phòng CSĐT được Thủ tướng tặng Bằng khen và một số đồng chí khác được Bộ Nội vụ, UBND tỉnh QN-ĐN, các ban, ngành tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Rất nhiều CBCS từng tham gia phá án được đi báo cáo điển hình tại các hội nghị của Bộ Nội vụ, các ban, ngành, các hội nghị điển hình tiên tiến, thanh niên tiêu biểu toàn quốc…

Doãn Nguyên Hưng