“Mồi lửa” ở biển Đông

Thứ năm, 29/10/2015 08:31

(Cadn.com.vn) - Giới chuyên gia dự báo về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Trung nhưng cho rằng, khả năng bùng nổ đụng độ quân sự ở mức thảm họa là khó xảy ra.

Mỹ thường xuyên sử dụng tàu chiến tuần tra tại các vùng biển quốc tế theo đúng luật pháp. Đợt tuần tra lần này, tại khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông, cũng vậy.

Theo luật pháp quốc tế, rõ ràng Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào đối với chủ quyền tại các vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không nghĩ như vậy bởi Bắc Kinh luôn vô lý cho rằng, hầu hết biển Đông là thuộc chủ quyền lãnh hải của họ. Căng thẳng vì thế nổi lên, đẩy biển Đông vào những nguy cơ khó lường.

Người dân và các nghị sĩ Mỹ ủng hộ hoạt động tuần tra của tàu chiến USS Lassen ở biển Đông. Ảnh: CBS

TRUNG QUỐC “CẢNH BÁO” MỸ

Trong khi cộng đồng quốc tế vỗ tay hoan nghênh hoạt động tuần tra này của Mỹ, Trung Quốc lại “dậy sóng” chỉ trích. Hải quân Trung Quốc hôm 28-10 đã lên tiếng cảnh báo Mỹ về “sự cố” ở biển Đông sau khi tuyên bố đã giám sát, theo dõi và phát các cảnh báo đến tàu USS Lassen khi tàu này ở biển Đông. Trong khi đó, cư dân mạng và giới truyền thông Trung Quốc cũng có những tuyên bố rất khiêu khích.

Theo Reuters, trong các bài báo ra ngày 28-10, giới truyền thông Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích Mỹ, trong khi cư dân mạng bình luận công kích Lầu Năm Góc, yêu cầu chính phủ phải có phản ứng cứng rắn hơn. Nhiều “anh hùng bàn phím” thậm chí lớn tiếng yêu cầu chính phủ phải đáp trả mạnh mẽ hơn thay vì chỉ lên án suông. Thậm chí một bài báo “vẽ” ra 2 phương án hành động cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA): một là điều tàu theo sát tàu Mỹ và xua đuổi ra khỏi khu vực cấm và hai là điều tàu đâm chìm tàu chiến Mỹ nếu tiếp tục đi vào vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, giải pháp thứ hai khó có khả năng xảy ra. Bởi trên thực tế, dù lớn tiếng chỉ trích Mỹ, giới truyền thông Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng hơn khi kêu gọi chính quyền Bắc Kinh giữ cái đầu lạnh trong việc giải quyết vấn đề biển Đông. Ngay cả tờ Global Times - vốn nổi tiếng với giọng điệu chủ nghĩa dân tộc - cũng kêu gọi kiềm chế.

NHIỀU CÂU HỎI ĐẶT RA

Thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng mà Mỹ muốn chuyển tải trong hoạt động lần này là nhằm chứng minh quyền hoạt động hợp pháp của Hải quân Mỹ trong khu vực vùng biển quốc tế, cũng như phủ nhận yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Chuyên gia Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cho rằng, các hoạt động của Mỹ là nhắm đúng mục đích này chứ không phải muốn đòi hỏi chủ quyền ở đây hoặc muốn đẩy Bắc Kinh vào tình thế đối đầu. “Washington buộc phải làm rõ các yêu sách vô lý của Bắc Kinh. Chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông thật ra rất mơ hồ”, ông nói.

Nhưng có hai câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại chọn tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đến tuần tra ở biển Đông và chọn bãi đá Subi và Vành Khăn để thị uy?. Theo ông Poling, luật hàng hải quốc tế quy định không thể đòi chủ quyền ở phạm vi lãnh hải 12 hải lý đối với các đảo nhân tạo, và Hải quân Mỹ chọn điều tàu khu trục gần bãi đá Subi và Vành Khăn là vì lý do này. Trước khi được cải tạo, cả Subi và Vành Khăn là hai rạn san hô thuộc diện nửa chìm nửa nổi. “Vì vậy, nếu Bắc Kinh phản đối tàu chiến của Washington đang ở trong lãnh hải của họ, Mỹ có thể phản ứng bằng cách nói rằng, không có một vùng lãnh hải xác định cho một hòn đảo nhân tạo”, ông Poling nói.

Về câu hỏi thứ hai, tờ Diplomat cho rằng, Mỹ chọn USS Lassen vì tàu này đang có mặt tại vùng Đông Nam Á, với một thủy thủ đoàn có kinh nghiệm “tương tác” với tàu Hải quân Trung Quốc.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO?

Giới chuyên gia quân sự đang dự báo một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, nguy cơ đối đầu quân sự trực diện giữa lực lượng hải quân hai nước sẽ không xảy ra trong bối cảnh hiện nay vì cả hai còn ràng buộc nhiều lợi ích. Trong tuyên bố được cho là “trấn an” Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, mối quan hệ với Trung Quốc có tầm quan trọng sống còn và Washington muốn chứng kiến mối quan hệ này phát triển bất chấp những khác biệt về vấn đề biển Đông.

Nhưng nhiều người lo sợ, việc Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra sẽ tạo cớ để Trung Quốc biện minh cho các hoạt động công khai quân sự đối với dự án xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông. “Chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại biển Đông nhưng chậm hơn và không quá trắng trợn”, tờ CS Monitor dẫn lời một chuyên gia nhận định.

Mặc dù vậy, động thái của Mỹ giúp trấn an các đồng minh Châu Á đang lo lắng trước những hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở biển Đông, đồng thời tái khẳng định cam kết lâu dài của Nhà Trắng đối với tự do hàng hải và đảm bảo hòa bình, ổn định tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Khả Anh