Moscow - Bình Nhưỡng: Từ lạnh nhạt đến đối tác

Thứ tư, 25/02/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Quan hệ Nga - Triều trở nên gần gũi trong năm qua, nhưng có thể sớm gặp nhiều rào cản.

Kế hoạch “làm sâu sắc” quan hệ

Vài tuần trước, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, Moscow và Bình Nhưỡng lên kế hoạch “làm sâu sắc thêm mối quan hệ và trao đổi chính trị, kinh tế và quân sự” trong năm nay. Năm ngoái, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao Triều Tiên thăm Nga.

Các chuyến thăm quan trọng nhất xảy ra vào tháng 11, khi ông Choe Ryong-hae, nhân vật quyền lực thứ hai tại Triều Tiên và là một phụ tá thân cận của lãnh đạo Kim Jong-un, dành một tuần ở Nga. Ông chuyển bức thư cá nhân của ông Kim đến ông Putin đề nghị các khoản viện trợ mới và hỗ trợ ngoại giao.

Và trong thời gian tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi ông Kim tuyên bố chấp nhận lời mời của ông chủ Điện Kremlin đến thăm Moscow vào tháng 5 tới. Nếu ông Kim đến Nga, động thái này sẽ đánh dấu hợp tác ngày càng tăng giữa hai chính phủ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp đón ông Choe Ryong-hae trong chuyến thăm Moscow vào tháng 11-2014. Ảnh: Yonhap

Lợi ích nhiều mặt

Sáng kiến ngoại giao mới nhất của Nga là mời ông Kim Jong-un đến Moscow tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng đánh dấu kỷ niệm 70 năm sự thất bại của Đức trong Thế chiến II. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov, điều này sẽ thúc đẩy “hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như Đông Bắc Á”, và “sẽ là sự tiếp nối logic cuộc đối thoại chính trị Nga-Triều gần đây cũng như sẽ góp phần thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa các bên trong lĩnh vực kinh tế”.

Bằng cách mời ông Kim tới Moscow, Nga cũng chứng minh Moscow vẫn giữ được ảnh hưởng ngoại giao đáng kể bất chấp các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Thông qua cam kết với Bình Nhưỡng, Moscow cũng gia tăng sức mạnh đòn bẩy với Tokyo, khi Bộ Ngoại giao Nga và Nhật phát động cuộc đối thoại sâu rộng về vấn đề Triều Tiên.

Động thái gần đây của Moscow nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên không phải quá bất ngờ. Ngay cả trước khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea, chính phủ Moscow đã và đang phấn đấu để làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với Châu Á bằng cách vận chuyển năng lượng nhiều hơn về phía đông, tham gia các tổ chức khu vực và khuyến khích các nhà đầu tư Châu Á vào Nga.

Chính sách của Moscow đối với vấn đề Triều Tiên vẫn nhất quán trong suốt 2 thập kỷ qua. Các nhà hoạch định chính sách của Nga đang mong muốn bình thường hóa tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên vì lợi ích riêng nhằm thực hiện các tham vọng kinh tế. Mục tiêu của Moscow bao gồm tránh cuộc chiến tranh lớn trên bán đảo Triều Tiên; ngăn chặn hành động khiêu khích của Triều Tiên đối với các quốc gia khác nhằm có được vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo; loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên thông qua các biện pháp khuyến khích tích cực chứ không phải là trừng phạt..

Các kế hoạch

Triều Tiên có nhiều khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, nhưng giá trị lớn nhất về Triều Tiên là vị trí then chốt của nó giữa Nga và Đông Á.

Moscow muốn Triều Tiên là nước trung chuyển năng lượng và xuất khẩu hàng hóa đến Hàn Quốc và các nước Châu Á-Thái Bình Dương khác. Nga muốn xây dựng đường ống dẫn năng lượng giữa Nga và Hàn trên lãnh thổ Triều Tiên. Họ cũng thảo luận về việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Hàn Quốc và liên kết với hệ thống đường sắt xuyên Siberia của Nga.

Các tuyến đường sắt mới này sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa giữa Châu Âu và Hàn Quốc nhanh hơn gấp 3 lần tuyến đường qua kênh đào Suez. Nga cũng tìm cách sử dụng các cảng biển của Triều Tiên. Ngoài những lợi ích kinh tế, các dự án này sẽ đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, sự “lạnh nhạt” của Triều Tiên đối với cộng đồng quốc tế khiến tiến độ của các dự án xuyên quốc gia chậm lại nghiêm trọng.

Để khởi động các dự án này, trong nửa đầu năm 2014, Quốc hội Nga phê duyệt thỏa thuận xóa 90% khoản nợ 10,94 tỷ USD của Triều Tiên. Nga đồng ý cho phép Bình Nhưỡng trả khoản nợ còn lại (1,09 tỷ USD) trong 20 năm tới, và sử dụng các khoản thanh toán này cho các dự án cơ sở hạ tầng kinh tế song phương. Hơn nữa, các Cty liên doanh Nga-Triều phát triển cảng Rajin, hiện đại hóa bến tàu và xây dựng tuyến đường sắt 34 dặm nối nơi này với biên giới Nga. Dự án này nhằm phát triển một trung tâm trung chuyển cho Đông Bắc Á.

Triển vọng hợp tác quân sự Nga-Triều chưa rõ ràng. Tháng 10-2014, Phó Tổng tham mưu Quân đội Triều Tiên No Kwang-choi đến Moscow gặp người đồng cấp Nga. Bình Nhưỡng đặc biệt mong muốn có được máy bay chiến đấu mới của Moscow để thay thế các đội bay đã quá cũ kỹ thời Liên Xô.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện tất cả các kế hoạch này sẽ vẫn là thách thức. Theo số liệu mới nhất, thương mại Nga - Triều vẫn ở mức thấp. Ngược lại, phụ thuộc thương mại của Triều Tiên vào Trung Quốc đạt mức kỷ lục, với hơn 90% hàng hóa xuất khẩu Triều Tiên đến Trung Quốc trong năm 2013.

An Bình (Theo Diplomat)