Một lần đến Lũng Cú

Thứ ba, 24/07/2018 16:30

Trải qua chặng đường dài từ TP Hà Giang đến thị trấn Đồng Văn với những dãy núi đá cao sừng sững dựng đứng, chúng tôi đặt chân đến núi Rồng  ở đỉnh chóp Lũng Cú cực Bắc. Trên đỉnh núi Rồng, cột cờ Lũng Cú cao vút trên bầu trời xanh thẳm. Lá quốc kỳ bọc gió tung bay kiêu hãnh. Lúc này, mọi cảm giác mệt mỏi, căng thẳng khi vừa qua những đoạn cua tay áo trên suốt chặng đường gần 200km bỗng  dưng tan biến. Hơn 30 người trong chuyến đi này đều là những đối tượng thuộc diện chính sách, người có công được UBND Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng tổ chức nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay. Tất cả đều lần đầu tiên được đến với địa danh lịch sử này. Dẫu không ít người trong số họ tuổi đều đã “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn háo hức dù biết sẽ phải trải qua chặng đường dài không ít gian nan.

Du khách đến tham quan cột cờ Lũng Cú.

Khi dừng chân ở trạm đầu tiên, anh Nghiều Văn Út, dân tộc Nùng, hướng dẫn viên du lịch giới thiệu sơ lược về cột cờ Lũng Cú trên đỉnh Núi Rồng. Theo đó, đường lên cột cờ quốc gia Lũng Cú được xây dựng với tổng số 839 bậc thang, chia làm 3 chặng. Chặng đầu tiên gồm 425 bậc, kéo dài từ chân núi lên vị trí nhà chờ. Chặng thứ hai 279 bậc từ  nhà chờ đến chân cột cờ và chặng cuối cùng 135 bậc nằm trong lòng cột cờ. Cột cờ Lũng Cú được khởi công ngày 8-3-2010, hoàn thành đúng ngày Quốc khánh 2-9-2010. Trên độ cao 1.700m so với mặt nước biển, quanh năm gió lộng, lá cờ đêm ngày tung bay kiêu hãnh nơi tuyến đầu Tổ quốc. Cột cờ cao gần 35m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa bình trên lãnh thổ Việt Nam. Dưới chân cột cờ có 8 bức phù điêu bằng đá xanh, mặt trên có những hình ảnh minh họa quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đan xen vào đó là các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang. Phía trên 8 bức phù điêu có gắn 8 mặt trống đồng… Đứng dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, trong lòng mỗi người dường như lắng đọng những cảm xúc khó tả. Ông Phan Xuân Mia (70 tuổi), thương binh 3/4 trước đây là bộ đội đặc công bày tỏ:  “Tôi cũng đã có tuổi rồi, lại thêm bệnh tật nhưng khi biết được mình có tên trong danh  sách đi tham quan các địa danh phía Bắc, trong đó có cột cờ Lũng Cú thì mừng lắm nhưng lại lo vấn đề sức khỏe. Thế là con cháu trong nhà cứ động viên mãi nên tôi quyết định đi. Bởi vậy, dẫu có mệt, có khó mấy, tôi phải lên bằng được đỉnh cột cờ để cảm nhận hết giá trị thiêng liêng của địa danh lịch sử này”. Ông Cao Văn Hoàng (69 tuổi), thương binh         2/4 cũng xúc động bộc bạch: “Đây là lần tiên tôi được đặt chân đến đỉnh cột cờ Lũng Cú, cực Bắc Tổ quốc. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với những ai là công dân đất Việt”. Ông Nguyễn Ngọc Tân, cán bộ công an hưu, thương binh 4/4 nói đầy tự hào: “Đứng trên đỉnh cột cờ, nhìn lá cờ phần phật tung bay trong gió, tôi có cảm giác như đang nghe cả tiếng trống của những trang sử hào hùng ngàn đời vang vọng. Cảm giác đó thật khó có thể quên được”…

Giây phút được chạm tay vào lá cờ trên đỉnh Lũng Cú.

Càng lên cao, cảnh đẹp Lũng Cú càng trở nên lung linh, huyền ảo. Lớp lớp núi non trùng điệp, hùng vĩ, tráng lệ nơi địa đầu Tổ quốc. Từ chân cột cờ, men theo những bậc thang hình xoắn ốc leo lên đỉnh. Và rồi, cái cảm giác từ không gian nhỏ hẹp, mờ tối bước ra giữa khoảng trời bừng sáng, cao ngất trên đỉnh cực Bắc, cảm xúc trong mỗi người như được thăng hoa khi được ngắm nhìn lá cờ linh thiêng tung bay kiêu hãnh trong nắng, gió vùng biên ải. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê, Trưởng đoàn, khi chạm được tay vào lá cờ đang tung bay, xúc động nói: “Tôi vui mừng, tự hào khi đây là lần đầu tiên đến với Lũng Cú và được vinh dự cầm được lá cờ trong tay dù chỉ trong tích tắc ngắn ngủi. Hình ảnh đó sẽ mãi mãi là dấu ấn khó quên trong suốt cuộc đời tôi”…

Được biết trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Q.Thanh Khê đã có nhiều hoạt động thiết thực như quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất, tinh thần đối với người có công cách mạng. “Trong số nhiều hoạt động diễn ra thường xuyên, hàng năm, UBND quận cũng dành nguồn kinh phí để tổ chức cho các đối tượng chính sách, người có công điều dưỡng tại chỗ, điều dưỡng tập trung, kết hợp với tham quan ngoại tỉnh vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ  27-7 và xem đây là việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”.

PHƯƠNG KIẾM