Một tuần trải nghiệm Vương quốc Hồi giáo & đảo quốc sư tử (4)

Thứ sáu, 24/10/2014 08:15

* Bài cuối:  Đi, ngẫm và học

(Cadn.com.vn) - Như đã nói, 6 ngày 5 đêm trải nghiệm đất nước Hồi giáo Malaysia và đảo quốc Singapore của chúng tôi chỉ như "cưỡi ngựa, xem hoa", không thể cảm nhận hết nét văn hóa, đời sống của con người nơi đây, nhưng mỗi ngày hành trình qua đi đã để lại trong mỗi chúng tôi muôn "sàng khôn".

Câu chuyện của một vị khách Malaysia đến Việt Nam du lịch trở về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu khiến mỗi chúng tôi phải suy nghĩ trước giờ xuất phát tour du lịch xuất ngoại. Tại khu vực làm thủ tục, một khách Việt lăm lăm lôi chiếc va-ly chen qua dòng người đến trước quầy làm thủ tục, lập tức bị vị khách Malaysia tiến lên vỗ vai, mời quay lại xếp hàng ngay! Biết là sai, nhưng chàng thanh niên tỏ vẻ mặt khó chịu, cũng không có lấy lời xin lỗi. Khác hẳn, những ngày trên đất nước Malaysia và Singapore, người dân nơi đây luôn sẵn sàng câu "sorry" nếu thấy mình có sai sót.

Đi ngoài đường, di chuyển trong nhà ăn hay ở trung tâm mua sắm, giải trí..., chỉ cần sơ ý chạm phải người khác, họ lập tức xin lỗi ngay. Nét văn hóa của họ cũng thể hiện rõ ở nơi vào khu vui chơi, chỗ qua đường dành cho người đi bộ, lên tàu điện ngầm, xe buýt bằng việc tuân thủ răm rắp "văn hóa xếp hàng", chứ không như ở Việt Nam mạnh ai nấy đi, xô lấn, chen đẩy nhau. Giao thông trên phố mỗi nước, đi cả ngày chúng tôi không thấy nổi một chiếc xe có hành vi vi phạm luật, còn ở Việt Nam, ra đường là lạnh sống lưng vì cảnh phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...

Ở Singapore, du khách muốn hút thuốc phải đúng chỗ đặt thùng gạt tàn cho hút,
bằng không sẽ bị xử phạt nặng khi bị phát hiện cả bắt quả tang và qua camera.

Đến thăm các điểm du lịch, chợ mua sắm, trung tâm thương mại, cả Malaysia và Singapore tuyệt đối không thấy cảnh chèo kéo khách, chặt chém giá. Mọi món hàng đều được người bán ghi rõ giá niêm yết trên sản phẩm. Những người làm du lịch cũng vậy, họ rất khéo léo. Như Thomas, hướng dẫn viên của Malaysia, John ở Singapore, dù kiếm bộn tiền từ sự "lại quả" của các điểm mua sắm, bán quà lưu niệm, đặc sản địa phương hay làm thêm "ngân hàng di động", đổi tiền Việt, tiền Mỹ qua tiền Malaysia và Singapore cho khách đi mua sắm và ngược lại khi khách về nước, nhưng tuyệt đối chẳng làm điều gì mất lòng khách. Dẫn chứng là họ luôn khuyến cáo, hướng cho khách nên mua gì, ở đâu cho đúng chất lượng và cách phân biệt hàng nhái, hàng giả trên đất nước mình.

Bất ngờ nhất của mỗi chúng tôi là sự nghiêm khắc của các quốc gia này trước những điều cấm kỵ về cách ứng xử sai văn hóa cũng như dùng các điều luật "kỳ quặc" để xử lý người dân và du khách có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực. Như Malaysia, chính phủ quy định người dân chỉ được mặc áo dài bằng vải hoa, không được để hở cánh tay, đùi ở nơi công cộng, bởi nước này là quốc gia Hồi giáo. Kể cả du khách đến đây cũng luôn được nhắc nhở phải lựa trang phục lịch sự, kín đáo, nhất là ở nơi thờ tự, tôn nghiêm. Vì theo đạo Hồi nên người dân cũng bị cấm tiệt chuyện uống bia rượu, ăn thịt heo.

Trong những cuộc hẹn, người Malaysia rất đúng giờ và khi gặp mọi người không nên bắt tay người khác giới, tránh những hành động như xoa đầu, vỗ lưng, dùng tay trỏ chỉ người khác nếu không muốn họ nghĩ là vô lễ. Đặc biệt, đến đây tốt nhất khách du lịch nên bàn luận về công việc buôn bán, thành tựu xã hội, lịch sử nền văn minh Malaysia, không nên nói đến tranh chấp chủng tộc, sinh hoạt chính trị thế giới có liên quan đến Malaysia, Israel và so sánh mức sống của người Malaysia với người dân các nước khác bởi bất kỳ ai nghe đến cũng sẽ "nổi giận lôi đình".

Trên đảo quốc sư tử, ấn tượng nhất phải kể đến luật cấm hút thuốc nơi công cộng, công sở nếu không phải nơi đặt thùng hút thuốc cho phép hay chuyện uống rượu bia khi lái xe; nhai kẹo cao su, vứt rác ngoài đường; ăn uống trên phương tiện công cộng... Hướng dẫn viên du lịch John cho hay, nhờ cấm người lái xe uống rượu bia nên chính quyền ở đây nhiều năm qua ngăn chặn TNGT rất tốt. Mọi lái xe khi phát hiện có mùi bia rượu đều bị phạt 500 SGD, đánh 12 roi da. Qua kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở, ai vượt quá mức cho phép sẽ bị tước bằng lái một năm, phạt 1.000-5.000 SGD và có thể ở tù 6 tháng trong lần vi phạm đầu tiên. Riêng uống rượu bia lái xe gây TNGT chết người nghiêm trọng, người vi phạm có thể sẽ bị tử hình.



Hướng dẫn viên Thomas, vừa là hướng dẫn viên, vừa là "ngân hàng di động" đổi tiền
cho khách du lịch

Từng bước xây dựng "TP không khói thuốc", Singapore bắt đầu áp dụng lệnh cấm hút thuốc lá ở một số khu vực từ năm 1970 như công sở, nơi chờ xe buýt, toilet công cộng, trung tâm bán hàng, quán ăn, cà-phê, khu giải trí và hàng năm đều mở rộng bổ sung các điểm khác như hộp đêm, quán rượu, câu lạc bộ giải trí. Không chỉ người dân, khách du lịch nếu bị phát hiện cũng sẽ bị phạt 200 SGD, phạt đánh 12 roi da và buộc ở lại địa phương tham gia lao động công ích 12 ngày. Còn vi phạm nhiều lần, chính quyền nước này sẽ "cấm cửa" bằng cách không cho nhập cảnh vào nước này một thời gian.

"Phát hiện người hút thuốc sẽ phạt 12 roi, nhưng không phải roi bình thường mà khi bị đánh sẽ có bác sĩ đi kèm. Trường hợp đánh đến roi thứ 3, 4... người vi phạm không chịu được nữa sẽ có bác sĩ chữa trị, khi nào khỏi bệnh sẽ đánh tiếp theo hình thức trả góp. Với cách phạt này, dù người dân bản địa hay khách du lịch có thèm thuốc đến mấy cũng phải tìm bằng ra nơi cho hút thuốc chứ chẳng dám xem thường luật để rồi lãnh hậu quả" - John, hướng dẫn viên du lịch nói. Để làm tốt luật, tại các điểm vui chơi giải trí lớn, chính phủ nước này thường xuyên cho cảnh sát mặc thường phục đi "vi hành" bắt người hút thuốc vi phạm.

Dù bị xem là luật "kỳ quặc" trên thế giới, những chế tài nghiêm khắc với hành vi vứt rác, nhai kẹo cao su ngoài đường cũng đã được Singapore áp dụng suốt hai thập kỷ qua. Vi phạm các quy định này có thể bị phạt số tiền lên đến 1.000 SGD nên khi đến đất nước này, khách du lịch từng được hướng dẫn viên quán triệt chẳng ai dại gì làm dại, đành răm rắp làm theo. Không như Việt Nam hay các nước phương Tây, phụ nữ Singapore rất kỵ chuyện bị đàn ông lạ mặt nhìn thẳng, nhìn lâu về phía mình, cùng ai đó hôn tay nếu không được sự cho phép. Nếu mắc lỗi với người từ 18 đến 50 tuổi khi họ la lên trên phố, người vi phạm lập tức bị cảnh sát gọi về làm việc hoặc nhắc nhở, hoặc có thể bị phạt tiền 500 đô- la và phạt roi như những trường hợp uống rượu bia lái xe, nhai kẹo cao su và hút thuốc.

Đúng là cách làm luật khá "kỳ quặc", song nhờ áp dụng và thực hiện thường xuyên, chuyện người dân và du khách vi phạm những điều cấm kỵ ấy gần như hiếm thấy trên đảo quốc này, qua đó giúp chính phủ Singapore nổi bật là TP hiện đại, nghiêm khắc, sạch sẽ bậc nhất thế giới. Với du khách Việt Nam, đi và thấy, chúng ta cũng cần có nhiều suy ngẫm, nên học nhiều điều...

Ký sự: Công Hạnh