Một tuần trên đất Thái (3)
* Bài 3: Đất nước của chùa chiền
(Cadn.com.vn) - Đã đến Thái Lan là mọi người đều nghĩ ngay và trong tâm thức luôn háo hức đến thăm các ngôi chùa nổi tiếng trên đất nước Chùa Vàng.
Trong ngày cuối cùng ở Bangkok, chúng tôi đến thăm Chùa Phật Ngọc và Hoàng cung. Mới ngày đầu tuần nhưng dòng người đổ về đây đã đạt đến con số kỷ lục khi mọi người xếp hàng dài để qua cổng Hoàng cung. Lực lượng CSGT của Thái Lan đã rất vất vả để sắp xếp, bố trí, điều hòa giao thông ở những khu vực trọng điểm. Cũng may là các đồng nghiệp Thái đã chu đáo lo trước nên cả đoàn chúng tôi qua cổng rất nhanh. Thời điểm này, hình ảnh đầu tiên bắt gặp chính là những người lính Hoàng gia mang đồng phục trắng, đội hình chỉnh tề diễu hành tiến vào cung điện trong phiên đổi trực đầu giờ sáng.
Trẩy hội theo dòng người, tôi nhận ra rằng, Cung điện Hoàng gia Thái Lan là một quần thể kiến trúc tuyệt vời. Nơi đây rất cổ kính, trang nghiêm và lung linh dưới ánh nắng những tháp vàng, chùa vàng, những đỉnh vàng, chóp vàng. Thật đẹp và sang trọng. Ai trong đoàn cũng được thả mình, thỏa sức ngắm nhìn Hoàng cung. Ông Trần Hữu Minh chỉ cho chúng tôi xem vẻ đẹp rực rỡ, mê hồn phát ra từ những lá vàng 24 cara được dát trên tháp chùa rồi hướng dẫn chúng tôi thăm Chùa Phật Ngọc. Trong ngôi chùa Wat Phra Kaew đặc biệt này, tất cả đều rất im lặng. Tượng Phật được tạc từ khối ngọc bích xanh đậm nguyên khối. Trên tượng còn có áo tơ vàng. Bức tượng Phật rất đẹp, rất sáng, được tạc rất tinh xảo, đặc sắc, không tỳ vết. Bức tượng quý chỉ cao khoảng 66 cm và là 1 khối ngọc xanh đậm, được tạc trong tư thế Đức Phật ngồi thiền. Đồng nghiệp Amnat nói với tôi rằng, ngoại trừ nhà vua, không ai được chạm tay vào bức tượng. Đích thân nhà vua thay áo phía ngoài bức tượng 1 năm 3 lần vào các mùa khác nhau.
Khách thập phương viếng chùa trên đỉnh Doi Suthep. |
Truyền thuyết kể rằng, xuất xứ bức tượng từ Ấn Độ. Đến thế kỷ thứ XV thì được tìm thấy ở Campuchia, đến thế kỷ thứ XVI thì được chuyển đến Lào, rồi bức tượng được lưu tại Viêng Chăn đến 215 năm và cuối cùng được đưa đến Thái Lan vào thế kỷ thứ XVIII. Amnat cũng bảo rằng, theo các nhà hiền triết cổ đại nói thì tượng Phật Ngọc có mặt ở đâu đều mang lại may mắn và thịnh vượng cho quốc gia đó. Chính vì vậy, bức tượng Phật Ngọc đã và đang được chính phủ và các phật tử Thái Lan bảo vệ nghiêm mật. Điều đáng tiếc là theo quy định, du khách không được phép chụp ảnh, quay phim bên trong ngôi chùa có tượng Phật Ngọc nên chúng tôi chỉ ghi lại được những hình ảnh nhìn từ bên ngoài.
Trong thời gian ở Chiang Mai, chúng tôi còn có dịp đi thăm hai ngôi chùa khác. Đó là ngôi chùa sơn son bọc vàng rất đẹp ở Doi Su Thep và chùa Wat Chedi Luang. Đường đèo dốc quanh co rất đẹp và có rất nhiều cây xanh bao phủ trong suốt gần 20km di chuyển bằng ô-tô. Ngôi chùa nằm ở đỉnh cao nhất của Doi Su Thep, từ bãi đậu xe muốn lên chùa phải leo hơn 300 bậc tam cấp. Những ai làm biếng đi bộ thì có thể chọn đi thang máy lên với giá 50 baht. Ở Thái, khi vào bất cứ chùa đền nào cũng phải cởi dép giày ra để ở phía trước và ăn mặc chỉn chu mới được vào cho dù đó là ngôi chùa hay đền lát đá, lát gạch, trải thảm hay chỉ là nền đất bởi theo họ đây là hành vi tôn kính của con người đối với tín ngưỡng bề trên. Cách người ta cúng dường cũng vậy, họ bỏ vào các hòm công đức hay kẹp vào những nẹp tre kiểu như cành hoa giả rồi để phía dưới chứ không có kiểu vứt vương vãi trên bàn thờ như ở các đền chùa phía Bắc nước ta.
Trong khuôn viên Chùa Phật Ngọc. |
Trước khi vào chùa, bạn đồng nghiệp Thanavat Chutvavarat thuyết minh khá lâu và tỷ mỷ về ngôi chùa. Khu vực này được lựa chọn để xây chùa vào giữa thế kỷ XIII. Truyền thuyết kể rằng, có một con voi không hề bị xích chân có mang theo xác của một vị thánh tăng Phật Giáo được buộc ở trên lưng. Voi đi đến đây và không thể đi được nữa. Thế là nơi đây được xây chùa. Đến tận ngày nay, ngôi chùa vẫn được coi là thiêng liêng nhất, được nhiều Phật tử đến lễ lạy, có nhiều khách hành hương nhất. Thanavat Chutvavarat nói vui “Chưa đến chùa Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai”. Trước đây, để lên được đến đây là điều không dễ dàng chút nào vì đường đi rất khó khăn, cách trở nhưng bây giờ con đường lên chùa đã đẹp lên rất nhiều và đã được làm cách đây mấy chục năm rồi. Thấy tôi chăm chú nhìn tháp lớn nằm ở trung tâm chùa, phiên dịch Minh nói rằng, trong tháp hiện cất giữ mảnh xương vai của Phật tổ. Quanh tháp trung tâm có 2 chiếc lọng bằng đồng rất sáng và đẹp. Rất nhiều bức tượng Phật nhỏ được bố trí khắp bốn phía của ngôi chùa. Hai dãy chuông lớn bằng đồng được treo trên lối vào chùa thường xuyên phát ra những âm nhạc dễ chịu như một bản giao hưởng. Không khí nơi đây thật dễ chịu, ngay cả trong dịp hè. Học sinh, sinh viên hay lên đây để nguyện cầu khi mùa thi đến và ngay cả khi vào năm học mới.
Điểm đến tiếp theo là ngôi chùa Wat Chedi Luang tọa lạc tại địa chỉ 103 phố Pharapokklao. Ngày xưa, ngôi chùa ấy cao 80m và rộng 45m; nhưng rất tiếc, nó đã bị phá hủy trong một trận động đất năm 1545, dưới triều của hoàng hậu Mahadevi. Ngôi chùa hiện giờ là những gì còn sót lại một thời của Wat Chedi Luang năm 1475 và những vẻ đẹp mới mà nhân dân Thái Lan đã cất công trùng tu và xây dựng chùa với mô típ công và rắn nước trang trí tại các sảnh thờ. Giờ đây, Wat Chedi Luang còn ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ đối với du khách thập phương vì ngôi chùa hiện đang lưu giữ xác của 3 vị sư đã tu đắc đạo. Khách thập phương đến viếng chùa để cầu an, cầu phúc khá nhộn nhịp, tấp nập bằng đủ thứ phương tiện. Hòa trong dòng người, viếng chùa, tôi chợt thấy lòng mình thật thanh thản và mong sẽ có một ngày trở lại.
Ký sự: Phương Kiếm
(còn nữa)