Một tuần trên đất Thái

Thứ năm, 05/09/2013 08:52

* Bài 1: “BÔNG HỒNG PHƯƠNG BẮC”

(Cadn.com.vn) - Chuyến thăm, làm việc tại Thái Lan theo lời mời của Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai đã để lại rất nhiều ấn tượng đối với những người làm báo ở miền Trung. Đi, tận hưởng, chiêm nghiệm về một đất nước Chùa Vàng dưới nhiều góc độ trong một thời gian ngắn ngủi quả là điều không dễ, nhưng những gì ghi nhận được từ chuyến đi này đã ít nhiều mở ra một góc nhìn mới với những thành viên trong đoàn.

Chỉ sau gần 1 giờ 30 phút ngắm mây và núi rừng dưới cánh chiếc máy bay số hiệu VN 1317 của Hãng VietNam Airlines, chúng tôi đã đáp xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) trước khi chuyển qua máy bay của Hãng Hàng không Thái để đi tiếp đến Chiang Mai. Vừa xuống sân bay Suvarnabhumi, đã thấy ông Amnat Jongyotying, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai có mặt sẵn để đón đoàn với nụ cười rất tươi và cái chắp tay chào truyền thống kiểu Thái.

Sau khi làm thủ tục chuyển tiếp chuyến bay đi Chiang Mai, chúng tôi có khá nhiều thời gian để mua thẻ điện thoại, đổi tiền Việt Nam sang tiền Baht của Thái. Người phiên dịch là ông Trần Hữu Minh, dù đã bước qua tuổi 74 nhưng vẫn còn khá sung sức cho những chuyến đi dài. Ông Minh đã từng là phóng viên TTXVN trên đất Thái 7 năm liền nên rất rành tiếng Thái. Và đây cũng là kênh duy nhất để mỗi người trong đoàn tìm hiểu thêm những gì chưa biết về đất nước của bạn.

Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan).

Vốn là người ưa hỏi nên tôi lúc nào cũng bám theo ông Minh và tìm mọi cách để tiếp cận những thông tin cần thiết. Nhìn những chuyến bay tấp nập lên xuống ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi, tôi tìm cách gợi chuyện và được ông Minh giải thích: Sân bay này còn có tên gọi khác là Sân bay Quốc tế Bangkok mới, tọa lạc ở quận Bang Phli, tỉnh Samut Prakan, cách Bangkok 25km về hướng Đông, được đưa vào hoạt động  chính thức ngày 28-9-2006. Chỉ riêng năm 2012, sân bay đã phục vụ 53 triệu lượt khách đến, đi và có thể nâng cấp lên đến 150 triệu lượt khách trong tương lai. Dù muốn hỏi thêm gì đi nữa thì cũng đành phải gác lại khi bụng đã đói cồn cào do đã quá bữa. Ông Amnat đã dẫn cả đoàn xuống dãy nhà hàng food court để ăn những món ăn tự chọn, giá khá “mềm”. Lúc ấy, tôi mới cảm nhận được hương vị chua, cay của ẩm thực Thái nhưng lại khá hợp với khẩu vị người Việt. Món tom yun cay xè làm mọi người trong đoàn cứ xuýt xoa mãi ngay cả khi qua ga nội địa để check-in nối tiếp chuyến bay đi Chiang Mai.

Chiếc máy bay của Hãng Thai Airways hạ cánh xuống sân bay Chiang Mai đúng như lịch trình đã định. Lúc đó đã gần 16 giờ 30. Những người bạn làm báo Chiang Mai đã có mặt tại sân bay với băng-rôn đón đoàn cùng với những đài hoa Lan gắn trên ve áo của từng người với nụ cười thân thiện. Ông Mai Đức Lộc, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn đều tỏ ra bất ngờ trước tấm chân tình của đồng nghiệp nước bạn dành tặng mọi người. Trên đường từ sân bay về khách sạn, Chiang Mai hiện ra trong mắt tôi thật cổ kính, yên bình, giản dị, đầy ắp sự thân thiện, hiền hòa, mến khách và điều rất ấn tượng là không thiếu nụ cười.

Các đồng nghiệp Thái đón đoàn tại Sân bay Chiang Mai.

Nhà báo Suphat Mahawan, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội các phóng viên phát thanh-truyền hình Chiang Mai; Cố vấn Hội Nhà báo Chiang Mai với phong cách cởi mở, năng động, lúc nào cũng có thể đáp ứng mọi thắc mắc của chúng tôi. Anh biết rất tường tận về Chiang Mai và câu chuyện trên xe đã cung cấp ít nhiều thông tin nơi mà chúng tôi sẽ ở lại làm việc trong 3 ngày của trung tuần tháng 8-2013.

Chiang Mai được ví như là “Bông hồng phương Bắc” do địa phương này nằm ở vùng núi phía Bắc Thái Lan, cách Bangkok khoảng 800km, có thời tiết mát mẻ dễ chịu và nhiều hoạt động du lịch phong phú. Có người ví khí hậu của Chiang Mai tương tự như khí hậu của Đà Lạt. Chính những nét ấn tượng đặc trưng đó là điều mà ai đã một lần đặt chân đến đây đều khó lòng quên được. Thành phố Chiang Mai nằm trên một vùng địa hình đồi núi thuộc loại cao nhất của Thái Lan và chạy dọc theo hữu ngạn sông Ping, một trong những phụ lưu lớn và quan trọng nhất của sông Chao Phraya. Con sông này tôi đã kịp nhận diện khi máy bay hạ độ cao trước khi hạ cánh xuống sân bay Chiang Mai. Nó như một dải lụa dài uốn lượn mượt mà qua những vùng miền trên đất Thái.

Phiên dịch Minh kể, Chiang Mai từng là thủ đô của quốc gia Lanna và là chứng nhân lịch sử chứng kiến nhiều thăng trầm của Lanna từ ngày thành lập cho tới giai đoạn phát triển huy hoàng cũng như lụi tàn. Ngày nay, Chiang Mai vẫn tiếp tục đóng vai trò đầu tàu cho toàn bộ vùng lãnh thổ phía Bắc Thái Lan. Với lợi thế về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch lịch sử, Chiang Mai đang là một điểm đến hấp dẫn, lý thú nhất của đất nước Chùa Vàng. Nhiều sự kiện văn hóa, chính trị đã từng diễn ra tại đây, một trong số đó là SEA Games vào năm 1995. Và với sức vóc mới, thành quả của những năm tăng trưởng mạnh mẽ gần đây, người dân Thái Lan còn gọi thành phố Chiang Mai là “Vùng đô thị Chiang Mai”.

Một đêm yên bình ở Chiang Mai để rồi từ đây, chúng tôi bắt đầu có những khám phá mới của vùng đất được ví là “Bông hoa phương Bắc” của Thái Lan.

P.K
(còn nữa)