Mỹ - Taliban ký thỏa thuận lịch sử
Sau một tuần “giảm bạo lực”, hôm 29-2, tại thủ đô Doha của Qatar, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận lịch sử, qua đó thúc đẩy khả năng Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan và có thể mở đường cho việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về Hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) và nhà đàm phán chính của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại lễ ký thỏa thuận. Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận được ký kết giữa Đại diện đặc biệt của Mỹ về Hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad - nhà đàm phán chính của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Taliban - và nhà đàm phán chính của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chứng kiến lễ ký kết này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thỏa thuận được ký kết cùng ngày giữa Mỹ và Taliban. “Chúng tôi rất hy vọng rằng họ sẽ làm những gì họ nói. Mọi người đều muốn điều này xảy ra”, ông Trump phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo của Nhà Trắng. Theo ông, các nước láng giềng với Afghanistan cần giúp duy trì sự ổn định sau khi thỏa thuận được ký kết, điều sẽ mở đường cho việc rút toàn bộ binh sĩ nước ngoài ra khỏi Afghanistan. Nhiều người dự đoán đàm phán sắp tới giữa các bên tại Afghanistan sẽ còn phức tạp hơn thỏa thuận ban đầu này. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng đàm phán sẽ thành công do “tất cả mọi người đều đã mệt mỏi vì chiến tranh”.
Thỏa thuận nói gì?
Taliban “sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán nội bộ với các bên tại Afghanistan vào ngày 10-3”, thỏa thuận viết. Thỏa thuận cũng đưa ra thời hạn 14 tháng cho việc rút “tất cả các lực lượng quân sự của Mỹ, các đồng minh và các đối tác Liên minh, bao gồm tất cả các nhân viên dân sự phi ngoại giao, nhà thầu an ninh tư nhân, huấn luyện viên, cố vấn và nhân viên hỗ trợ”. Theo thỏa thuận, trong vòng 135 ngày sau lễ ký kết, Mỹ sẽ rút 8.600 quân. Ông Pompeo cho biết Mỹ “sẽ theo dõi chặt chẽ sự tuân thủ của Taliban với các cam kết của họ và điều chỉnh tốc độ rút quân của chúng tôi phù hợp với hành động của họ”. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh “nếu Taliban không thực hiện các cam kết của mình, ông Trump và nhóm của ông ấy sẽ không ngần ngại làm những gì chúng ta phải làm để bảo vệ cuộc sống của người Mỹ”.
Thỏa thuận gồm 4 trang nêu rõ, Taliban sẽ thực hiện các bước “để ngăn chặn bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào, trong đó có Al-Qaeda, sử dụng đất của Afghanistan để đe dọa an ninh Mỹ và các đồng minh”. Những bước này bao gồm việc Taliban sẽ hướng dẫn các thành viên của mình “không hợp tác với các nhóm hoặc cá nhân đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh” và “sẽ ngăn chặn bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào ở Afghanistan đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh, đồng thời ngăn họ tuyển dụng, đào tạo, gây quỹ cũng như không chứa chấp họ theo các cam kết trong thỏa thuận này”.
Một quan chức chính quyền cao cấp thừa nhận rằng, “mọi người lo ngại về mối quan hệ lịch sử giữa Taliban và Al-Qaeda”. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là bước đi đầu tiên mang tính quyết định và mang tính lịch sử cho thấy họ công khai thừa nhận đang phá vỡ mối quan hệ với Al-Qaeda”, quan chức này nhận định. Thỏa thuận cũng nhất trí trao đổi hàng nghìn tù nhân như một “biện pháp xây dựng lòng tin”. Theo đó, 5.000 tù nhân Taliban và 1.000 “tù nhân của các bên còn lại” sẽ được thả trong ngày đầu tiên của cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan. “Các bên liên quan hướng tới mục tiêu thả tất cả các tù nhân còn lại trong vòng 3 tháng sau đó. Mỹ cam kết hoàn thành mục tiêu này”, thỏa thuận nêu rõ.
Hoài nghi và hy vọng
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện cho Nam Carolina, Lindsey Graham bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban bởi thỏa thuận không gồm bất kỳ nội dung cụ thể nào liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ hoặc xã hội dân sự. “Tôi nghi ngờ khả năng Taliban sẽ chấp nhận hiến pháp Afghanistan và tôn trọng quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo và phụ nữ. Thời gian sẽ cho biết liệu sự hòa giải ở Afghanistan có thể được thực hiện hay không, nhưng sau hơn 18 năm chiến tranh, đã đến lúc phải thử”, ông Graham nói.
Trong bài phát biểu tại Dohasau lễ ký kết, ông Pompeo kêu gọi Taliban “nắm lấy những tiến bộ lịch sử cho phụ nữ và trẻ em gái, và xây dựng điều đó vì lợi ích của tất cả người Afghanistan”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ “hy vọng lớn” về tương lai của Afghanistan. “Afghanistan xứng đáng có cơ hội tận hưởng an ninh đến từ hòa bình và ổn định, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu người Afghanistan cùng nhau nắm lấy cơ hội này”, ông Esper nói.
Trong một động thái đầy hy vọng, vài giờ sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình với Mỹ, Thủ lĩnh chính trị của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã gặp các ngoại trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Na Uy ở Doha cùng các quan chức ngoại giao của Nga, Indonesia và các quốc gia láng giềng - một động thái cho thấy quyết tâm giành được tính hợp pháp quốc tế của nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn này.
Phản ứng của Afghanistan và Iran
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 1-3 cho biết chính phủ nước này không cam kết trả tự do cho 5.000 tù nhân theo thỏa thuận mà Mỹ và Taliban vừa đạt được. Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Kabul, ông Ghani khẳng định đề nghị của Taliban về việc thả thù nhân đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Afghanistan không thể là một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán trực tiếp với nhóm cực đoan này.
Bộ Ngoại giao Iran cùng ngày cũng cho rằng Mỹ không có tư cách pháp lý để ký thỏa thuận với lực lượng Taliban tại Afghanistan. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ Iran hoan nghênh mọi sáng kiến giúp đảm bảo ổn định và hòa bình tại Afghanistan, nhưng chỉ có thể thông qua các cuộc đàm phán nội bộ giữa chính quyền Kabul và Taliban đồng thời cân nhắc đến lợi ích các nước láng giềng của Afghanistan.
AN BÌNH