Mỹ tiếp tục ve vãn Châu Á
Chính quyền Mỹ nêu rõ, chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson lần này là nhằm tái khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc mở rộng và tăng cường hơn nữa lợi ích an ninh, kinh tế của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Người dân Hàn Quốc chăm chú theo dõi tin về một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có chuyến công du đến Châu Á vào cuối tuần này để tham dự cuộc họp cấp khu vực về các vấn đề an ninh, dự kiến sẽ có sự tham dự của bộ trưởng các nước Triều Tiên, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo các nguồn tin, trước khi đến Thái Lan và Malaysia, ông Tillerson sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Ngoại trưởng Mỹ-ASEAN và Hội nghị bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông tại thủ đô Manila của Philippines. Giới quan sát cho rằng, ưu tiên trên bàn các cuộc họp này là các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
TRỌNG TÂM TRIỀU TIÊN
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Washington triển khai lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, đưa thêm binh sĩ và triển khai tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên cũng như thực hiện các cuộc tuần tra trên biển Đông. Ngoại trưởng Tillerson hồi tháng 3 cũng có chuyến công du Châu Á đầu tiên khi đến 3 quốc gia Nhật, Hàn và Trung Quốc. Cũng như chuyến công du đầu tiên, chuyến công du lần này của ông Tillerson cũng nhằm trọng tâm Triều Tiên.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 2-8 tuyên bố, Washington sẽ không tìm cách lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, nhưng cảnh báo Bình Nhưỡng phải ngừng chương trình tên lửa hạt nhân.Vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ cũng hy vọng Washington và Bình Nhưỡng có thể có những cuộc thảo luận ngoại giao trong bối cảnh Triều Tiên vẫn tiếp tục tăng cường quy mô của chương trình tên lửa đạn đạo.
Chuyến đi đến Châu Á lần này được cho là thời điểm thích hợp cho một bước đột phá về ngoại giao đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, vốn gây đau đầu cho Tổng thống Trump. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều câu hỏi hoài nghi về việc liệu ông Tillerson có thể thành công trong nhiệm vụ đặt ra trên vai trong bối cảnh Triều Tiên vẫn tỏ ra đầy thách thức.
MỸ - HÀN TRƯỚC MỐI LO MỚI
Theo các nguồn tin, Mỹ cân nhắc điều 2 tàu sân bay đến Bán đảo Triều Tiên. Yonhpa dẫn một nguồn tin giấu tên của Nhà Xanh cho biết, giới chức quân sự của Hàn Quốc và Mỹ xem xét việc điều động tàu sân bay Mỹ đến Bán đảo Triều Tiên trong cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (UFG). Mỹ cũng chính thức cấm công dân đến Triều Tiên từ ngày 1-9. Vì sao Mỹ-Hàn lo lắng như vậy?
Trên thực tế, vụ thử ICBM mới nhất của Triều Tiên nới rộng tầm bắn từ các vũ khí của nước này tới lục địa Mỹ, đồng thời dấy lên mối quan ngại mới tại Hàn Quốc về khả năng Washington bảo vệ được Seoul, khi bản thân các thành phố của Mỹ cũng bị đặt vào mối nguy hiểm. Hiện nay, truyền thông và chuyên gia Hàn Quốc lo ngại, khả năng tên lửa của Triều Tiên có thể phủ bóng đen lên cam kết của Mỹ đối với đồng minh Hàn Quốc, vốn được xem là quan hệ “vững chắc và đáng tin cậy”. Báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc trong bài xã luận cho hay: “Liệu chính phủ Tổng thống Trump sẽ bảo vệ chúng ta khỏi cuộc tấn công từ Triều Tiên hay không khi hành động đó có thể khiến Mỹ đối mặt với mối đe dọa từ một cuộc tấn công hạt nhân”.
Nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc cũng hoài nghi về cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ sau vụ thử ICBM của Triều Tiên. Theo tờ này, kịch bản tồi tệ nhất là quân Mỹ rút khỏi Bán đảo Triều Tiên. Cùng lúc đó, Hàn Quốc cũng lo ngại về khả năng Mỹ mở cuộc tấn công phủ đầu chống Triều Tiên, vốn có thể gây ra các hậu quả thảm khốc ngay cả khi Bình Nhưỡng chưa viện đến vũ khí hạt nhân.
KHẢ ANH