Nghiêng mình trước một Tượng đài
(Cadn.com.vn) - Khẳng định về tình cảm của người dân Đà Nẵng đối với vị Đại tướng của dân tộc, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử TP Đà Nẵng nói: “Đại tướng qua đời đã tạo nên hiệu ứng xúc động không chỉ đối với người Đà Nẵng, với đất nước Việt Nam và toàn thế giới.
Đối với những người Đà Nẵng sinh ra trong thời kháng chiến chống Pháp, trong đó có một số người may mắn được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đối với họ Đại tướng là người thao lược tài ba, mang lại cho Việt Nam niềm tự hào lớn lao, góp phần vào hòa bình cho đất nước.
Đối với những người sinh sau năm 1945, qua sách vở, báo chí trong và ngoài nhà trường đã tiếp cận được Đại tướng là một thiên tài quân sự, họ ngưỡng mộ ông là một Tướng lĩnh, Anh hùng dân tộc. Đại tướng ra đi nhưng đã tạc vào trái tim mỗi người dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới một tượng đài vĩ đại”.
Ông Bùi Văn Tiếng đọc lại những tài liệu liên quan đến Đại tướng trong những ngày gần đây. |
* Những ngày này, trên bàn làm việc của ông Đỗ Như Thuần, Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, quê Quảng Bình, nguyên là Đại tá Quân đội, xếp đầy những tờ báo, sách, tư liệu viết về Đại tướng. Đặc biệt, ông còn có những kỷ niệm riêng với Đại tướng. “Vào tháng 2-1972, khi đang là học sinh lớp 7A Trường Cấp 2 xã Trung Trạch, H. Bố Trạch, Quảng Bình, Trường đón Đại tướng nhân dịp Người cùng đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng về thăm và động viên nhân dân Quảng Bình thực hiện phong trào 2 tốt (đánh giặc tốt, sản xuất tốt).
Tôi vinh dự được đứng gần Đại tướng. Khi thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Văn Trường giới thiệu, Đại tướng xoa đầu tôi và dặn dò dân dã: “Nhớ học cho giỏi chứ đừng đập chắc (đánh bạn)”. Từ đó, tôi luôn nhớ lời Người dạy, sống và học tập theo gương Người”, ông Thuần xúc động nhớ lại.
Ông Đỗ Như Thuần theo dõi những thông tin liên quan đến tang lễ của Đại tướng và bồi hồi nhớ những ký ức thuở thiếu thời được gặp Người. |
* Vào những trang mạng xã hội của nhiều người còn rất trẻ đang sinh sống và học tập tại Đà Nẵng dễ dàng bắt gặp nhiều bài thơ, đoạn văn, hình ảnh, bình luận ngợi ca công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với đất nước. Tại địa chỉ Hà Nguyễn, đăng bài thơ nhan đề “Tưởng niệm Người” bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn và sự kính cẩn nghiêng mình trước Đại tướng. Bài thơ có đoạn viết: “Mùa thu này thêm một nỗi xót thương/ Cả đất nước nghiêng mình trước hồn thiêng sông núi... Miền Trung đau thương oằn mình trong cơn lốc/ Ba Đình nắng vàng sao nước mắt lặn vào trong".
Nhiều trang mạng cá nhân có địa chỉ tại Đà Nẵng đã trích nội dung của bức điện mật mà sinh thời Đại tướng viết gửi cho các đoàn quân đang tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam; thay đổi hình đại diện của mình bằng hình ảnh cờ Tổ quốc lồng với hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những câu nói bất hủ và bình luận: “Một con người vĩ đại”.
Hà Giang
MobiFone tăng cường hệ thống mạng lưới, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ tang lễ Đại tướng Đến ngày 10-10, MobiFone đã hoàn thiện các biện pháp chuẩn bị về mặt kỹ thuật tại những địa điểm diễn ra lễ viếng, lễ tang. Theo đó, tăng cường 5 xe phát sóng lưu động tại Hà Nội, TPHCM và 3 xe tại Quảng Bình (UBND tỉnh, Sân bay Đồng Hới và Vũng Chùa); lắp mới 4 Trạm phát sóng tại Quảng Bình (xung quanh khu vực tổ chức lễ tang); mở rộng cấu hình, tăng dung lượng của tất cả các trạm phát sóng xung quanh các khu vực tổ chức tang lễ Đại tướng tại Hà Nội, Quảng Bình và TPHCM. MobiFone còn cử nhân viên kỹ thuật túc trực 24/24 giờ để theo dõi mạng lưới, ổn định thông tin liên lạc, bố trí nhân lực và phương tiện kỹ thuật kịp thời ứng cứu thông tin khi có sự cố để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho đồng bào cả nước về viếng, đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tin, ảnh: P.V |