KỶ NIỆM 20 NĂM TP ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Ngỡ như kỳ tích

Thứ năm, 24/11/2016 11:18

(Cadn.com.vn) - Đến phường Phước Mỹ (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bây giờ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ đẹp hiện đại, lộng lẫy của vùng đất trải dài ven bờ biển Đông. Những dãy nhà hàng, khu  khách sạn cao tầng sang trọng nối dài san sát, những con đường thoáng rộng, dòng xe cộ tấp nập ngày đêm. Ban đêm, nơi đây càng trở nên huyền ảo, hấp dẫn khi du khách được chiêm ngưỡng những màn giao thoa ánh sáng đầy sắc màu giữa muôn ngàn ánh điện từ những con đường, những biển hiệu trang trí từ các nhà hàng khách sạn. Đặc biệt là những dịp diễn ra lễ hội, mùa hè sôi động, vùng đất này mỗi ngày đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến nghỉ ngơi, thưởng ngoạn, tắm biển. Trên đoạn đường ven biển dài hơn một cây số, nhịp sống sôi động cho đến tận đêm khuya...

Lớp trẻ bây giờ, kể cả những người ở tuổi trung niên, có lẽ ít ai còn nhớ  về các địa danh như  Mỹ Khê, Phước Trường, những tên làng xưa cũ của phường Phước Mỹ hiện đại ngày nay. Những  di tích lịch sử văn hóa như: đình làng Mỹ Khê, Lăng Ông,  chùa phật giáo Chùa Mỹ Khê, chùa Vạn Thiện, Cây Me cổ thụ, đình làng Phước Trường với tuổi đời hàng trăm năm là những chứng nhân cho sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất được xem là nghèo nàn, lạc hậu vào bậc nhất, nhì thời ấy. Cũng như nhiều người dân gốc ở Phước Mỹ, tôi may mắn được gắn bó với mảnh đất này từ tuổi thơ cho đến bây giờ, dấu ấn đậm nét nhất trong tôi ngày ấy là sự nghèo khó, vất vả của phần lớn cư dân trong phường. Họ phần lớn nghề nông và đi biển. Người làm biển thì phương tiện nhỏ, thô sơ, chủ yếu đánh bắt ven bờ nên đời sống cũng phập phù theo từng con nước. Người làm nông thì lam lũ với hình ảnh đôi gàu gánh trên vai, ngày hai buổi oằn lưng tưới nước cho những vồng khoai, ruộng hoa, luống rau hành... dưới cái nắng chang chang của vùng cát bồi ven biển.  Đất đai khô cằn, hoang hóa nên có khi mới tưới đến cuối luống thì đất ở đầu luống đã khô se mặt nên để có được những mớ rau, đám hoa  xuống chợ, người nông dân nơi đây đã phải dậy từ mờ sương gánh nước tưới cho đến trưa tròn bóng, buổi chiều công việc đó lại bắt đầu từ nửa chiều cho đến tối mịt. Vất vả là thế nhưng đời sống người dân vẫn không sao thoát nghèo bởi công cán bỏ qua quá nhiều nên thu nhập ít ỏi...

Những khu khách sạn cao tầng, hiện đại tại phường Phước Mỹ.

Sau 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với sự  đổi thay của cả thành phố và Q. Sơn Trà, P. Phước Mỹ có những bước phát triển  ấn tượng về cảnh quan đô thị, cơ cấu kinh tế, dân cư, là một trong những phường phát triển năng động nhất của Q. Sơn Trà.  Năm 2015,  tổng giá trị sản xuất của phường đạt hơn  41,3 tỷ đồng,  tổng thu ngân sách trên địa bàn phường  đạt hơn  11,6 tỷ  đồng, đạt hơn 172% kế hoạch quận giao.  9 tháng đầu năm 2016,  thu  ngân sách của phường đạt hơn 9,9 tỷ đồng, đạt gần 82% kế hoạch. Hoạt động thương mại phát triển ổn định, lượng khách du lịch đến địa bàn nghỉ dưỡng tăng mạnh. Đến nay trên địa bàn phường có 158 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong đó có 78 khách sạn, 25 nhà trọ, nhà nghỉ và con số đó dự báo tiếp tục tăng khi hàng chục khách sạn, nhà nghỉ khác đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Tình hình trật tự xã hội trên địa bàn phường được giữ vững, không xảy ra trọng án, án nghiêm trọng, không xảy ra điểm nóng phức tạp về ANTT. Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Bí thư Đảng ủy phường, những đổi thay cơ bản đó xuất phát từ tiến trình phát triển đô thị và tư duy hướng biển, phát triển kinh tế biển. Từ khi tuyến đường ven biển đầu tiên hoàn thành và đưa vào sử dụng  năm 2002 mang tên Sơn Trà- Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp- Trường Sa), diện mạo của các phường ven biển Q. Sơn Trà, trong đó có P. Phước Mỹ phát triển không ngừng. Điểm nhấn để phát triển du lịch dịch vụ của phường là bãi biển Mỹ Khê từng được Tạp chí Forbes - tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ - bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; Tờ Sunday Herald Sun của Australia cũng nhận xét bãi biển Mỹ Khê là một trong số 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới. Bên cạnh đó là công viên Biển Đông, các khu nghỉ dưỡng, hệ thống khách sạn, nhà hàng ven biển... đã giúp Phước Mỹ trở thành một địa chỉ hấp dẫn, thu hút  người dân  Đà Nẵng và  du khách thập phương.Trên cung  đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp, Phước Mỹ được xem là trung tâm, là điểm đến hội tụ của du khách bốn phương trên bãi biển Mỹ Khê, Công viên Biển Đông, nơi có các giá trị văn hóa truyền thống và những lợi thế để  đầu tư phát triển đô thị, làm giàu từ dịch vụ du lịch biển... Tất cả các yếu tố ấy đã và đang góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo và hình ảnh P. Phước Mỹ so với trước đây, đưa Phước Mỹ trở thành một địa phương phát triển du lịch biển đầy năng động. Đến Phước Mỹ bây giờ, không chỉ du khách mà ngay cả những người sống tại đây cũng  không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp, tự hào trước sự đổi thay có thể ví như kỳ tích của một vùng đất nghèo khó xưa kia, nay đã mang dáng dấp của một  đô thị vừa hiện đại, vừa trẻ trung, là điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng chục ngàn khách du lịch mỗi năm.

K.Thanh