Ngư dân Tam Quang kiên cường bám biển

Thứ hai, 26/05/2014 12:15

(Cadn.com.vn) - Những diễn biến phức tạp kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam khiến công việc đánh bắt cá của người dân trên các ngư trường chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính trở ngại ấy là động lực gắn kết ngư dân, nung nấu quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống, giữ gìn biển đảo quê hương. Có mặt tại cảng cá Kỳ Hà vào những ngày này mới thấy hết tinh thần, nghị lực, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi công dân của biển cả.

Ngư dân Tam Quang vẫn hiên ngang vươn khơi.

Bình minh trên cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chưa bao giờ sôi động đến thế. Gần 100 tàu thuyền lớn nhỏ từ khơi rẽ sóng, ăm ắp cá tôm cập bờ, tiếng nói cười rộn rã cả một vùng. Người thân, vợ con những ngư dân chào đón chồng, cha, hàng xóm trở về, vừa chia vui thành công đầu mùa của vụ đánh bắt chính, vừa nhanh chóng phân phối, tiêu thụ hải sản vừa sắm sửa chuẩn bị hậu cần cho chuyến ra khơi kế tiếp.

Tàu cá QNA 94646 đang tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, sau khi gặt hái thành quả chuyến đánh bắt thu về hàng trăm triệu đồng. Ngư dân Võ Hồng Thôn (30 tuổi) nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm lái tàu lĩnh trách nhiệm thuyền trưởng, lèo lái con tàu bạc tỷ gắn với cuộc sống, mưu sinh của hơn 30 thuyền viên. Cùng với anh trai Võ Hồng Nhân, anh phải tính toán chi tiết đề phòng trường hợp giáp mặt tàu Trung Quốc, đảm bảo an toàn cho con người và phương tiện. “Tàu của chúng tôi có công suất 720 mã lực, chủ yếu câu mực ở ngư trường Hoàng Sa. Bình thường mỗi chuyến ra khơi mất khoảng 500 lít dầu cho 50 tiếng di chuyển, nhưng giờ chúng tôi phải dự trữ nhiều hơn để đề phòng bất trắc”, anh Thôn tính toán.

Cảng cá Kỳ Hà thu hút khoảng 100 thuyền công suất lớn  neo đậu. Ngay trong sáng 22-5, đã có hơn 30 chiếc thuyền đã nhổ neo ra khơi, số còn lại đang hối hả sửa chữa và nạp nhiên liệu để nhanh chóng xuất bến. “Người dân Tam Quang hơn 90% làm nghề cá. Đây là nguồn sống chính của chúng tôi nên quyết tâm bảo vệ. Hơn thế nữa đi biển lần này cũng là bảo vệ đất nước. Ngư trường của mình thì mình cứ đánh bắt, từ bao đời nay đã như vậy. Ngư dân không chỉ biết đánh cá mà khi cần còn đánh những kẻ xấu”, anh Thôn khẳng định.

Anh Võ Hồng Thôn cùng thuyền viên chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp.

Không đi biển nhưng ông Nguyễn Tấn Lực (60 tuổi, thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) là người chuyên cung cấp lương thực, dầu, nước ngọt cho các tàu cá. Ông cho biết từ khi biết tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông, ông luôn cập nhật tin tức qua báo đài để thông tin cho các tàu. “Một số tàu cá khác trong lúc tránh va chạm với tàu Trung Quốc phải đi đường vòng nên tốn nhiên liệu nhiều hơn. Hơn thế nữa luồng cá thường xuyên di chuyển. Nếu cá di chuyển vào khu vực gần giàn khoan thì rất thiệt thòi cho ngư dân. Chúng tôi động viên nhau cùng bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống. Trời nắng nóng thế này, tàu Trung Quốc xịt vòi rồng để cho ngư dân mình... mát mẻ ấy mà”, ông Lực lạc quan.

     Ở Tam Quang, cánh đàn ông thì đi biển còn phụ nữ thì chịu trách nhiệm vận chuyển, tiêu thụ cá. Không chỉ có những người như anh Thôn bám biển giữ chủ quyền đất nước mà kể cả trong đất liền, phụ nữ, trẻ con cũng hăng hái lao động, động viên tinh thần chồng con trong những chuyến đi biển. Chị Lý (35 tuổi, trú thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) có chồng là thuyền viên trên chuyến tàu Qna 90788 công suất 550 mã lực đã nhổ neo được nửa tháng. Nhanh tay nhặt cá, chị Lý cho biết: “Nửa tháng nay tôi và các chị em khác chỉ biết tin tức của chồng qua chủ tàu chứ không trực tiếp nghe điện thoại vì sóng yếu. Tuy tôi rất lo lắng nhưng vẫn động viên anh hăng hái ra khơi. Người dân mình bao đời nay vẫn can trường không thể vì vậy mà bỏ ngư trường. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chị Lý cười tươi.

Đất nước Việt Nam trải dài hình chữ S, men theo những vùng biển đẹp và trù phú, người dân bao đời đã lấy biển là nhà. Có mặt ở Tam Quang những ngày này mới thấu hiểu được vì sao đất nước chúng ta ngàn đời nay tuy nhỏ bé nhưng lại có thể chiến thắng được ngoại xâm lớn mạnh. Đó chính vì tình yêu quê hương đất nước nồng nàn và tinh thần lạc quan luôn tin vào chính nghĩa. Nhìn những đoàn tàu nối đuôi nhau rẽ sóng ra khơi như những bàn tay đang kết thành hàng giữ biển, tôi chợt nhớ đến câu hát trong ca khúc Gần lắm Trường Sa với những ca từ thật đẹp: “ Trường Sa ơi, biển đảo quê hương. Đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa cuồng phong bão giật. Đảo quê hương anh vẫn đêm ngày giữ biển... Không xa đâu, Trường Sa ơi”.

Hà Dung