Ngũ nhân nhất diện - Huỳnh Dũng Nhân

Thứ năm, 22/06/2023 14:31
Cái đầu đề này là tôi nghịch chữ một chút, ý muốn nói có nhiều người trong một con người mang tên Huỳnh Dũng Nhân, một người con gốc Bến Tre (Nam Bộ). Ít nhất tôi thấy Ngũ Nhân là: Nhân - báo, Nhân - văn, Nhân - họa, Nhân - tình và Nhân - hành.
HLV Mai Đức Chung qua nét cọ của Huỳnh Dũng Nhân.
Nhân - báo.

Trong một Huỳnh Dũng Nhân có cả 5 Nhân này.

Huỳnh Dũng Nhân và tôi lẽ ra đã cùng học chung đại học. Năm 1975 chúng tôi đều thi đậu vào khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khóa 20. Nhưng anh theo bố mẹ chuyển vào Nam và học tại khoa Văn, Đại học Tổng hợp TPHCM. Rồi đến khi tốt nghiệp (1979) anh lại tiếp tục học thêm ngành báo chí tại trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền) thêm 4 năm nữa.

Nhắc lại một chút ký ức để thấy Huỳnh Dũng Nhân đã học cả Văn và Báo. Ngay Nhân năng khiếu văn chương nghệ thuật cũng đã bộc lộ từ nhỏ, khi đang là học sinh phổ thông đã có thơ, có tranh đăng báo, có truyện in sách. Sau này anh nổi tiếng ở báo, nhưng vẫn đều đều in thơ in truyện, có chân trong Ban chấp hành Hội Nhà văn TP trước cả trong Ban chấp hành Hội Nhà báo. Và anh cũng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhưng báo đã chọn Nhân (hay ngược lại nhỉ?). Trong báo thì anh lại bén duyên với thể tài phóng sự. Ở đây cũng lại có cái duyên của hoàn cảnh thời cuộc nữa. Đó là nhờ vào cuộc đổi mới xã hội mà thể tài phóng sự, nhất là phóng sự báo chí, được hồi sinh. Một thời thể tài này bị chết. Vì phóng sự là viết về những sự nóng của đời sống, những sự đang gây bức xúc dư luận, những sự cần phải điều tra, phanh phui, chưa dễ có kết luận ngay. Nói đơn giản, phóng sự là phóng ngòi bút vào những sự việc có vấn đề nổi cộm, gay cấn. Thời mà phóng sự bị chết, bị mất tăm tích trên các trang báo là thời bị quan niệm cuộc sống là hoàn toàn tốt đẹp tươi sáng, là không có vấn đề gì gay cấn tiêu cực, là không được bôi xấu bôi đen. Nhân làm báo sau cái thời đó nên được may. May nữa là anh lại vào nghề và làm nghề tại một trung tâm năng động nhất của đời sống nói chung và đời sống báo chí nói riêng - TP Hồ Chí Minh. May thêm nữa là anh lại vào báo “Tuổi Trẻ” đầu tiên và rồi ra gắn chặt với báo “Lao Động” - hai tờ báo đi đầu trong cao trào đổi mới đất nước. Nhưng mấy cái may đó cũng chẳng thể tạo nên Nhân - báo nếu như không có máu báo trong Nhân. Máu ấy có lẽ được truyền gen từ người bố vốn là một nhà báo “bự” ở tờ báo Đảng - Báo Nhân Dân. Và khi đã gắn mình với phóng sự thì Nhân - báo lại được sự cộng hưởng của Nhân - văn để mỗi bài viết vừa có chất báo lại thêm chất văn mang sức hút lôi cuốn người đọc.

Nhân - họa tặng tranh cho nhân vật.

Cố nhiên đã làm báo thì nghiệp dĩ là phải đi. Viết phóng sự càng phải đi nhiều, đi sâu. Theo tôi nhớ vào thập niên cuối thế kỷ XX thì từ “phượt” chưa có trong tiếng Việt. Nhưng ngay từ hồi ấy cung cách đi của Nhân báo đã là “phượt” lắm. Phượt là xông xáo, hăng hái, có cả chất liều mạng, gan lì. Phượt là tìm đủ cách, đủ phương tiện để đi khi cần phải tác nghiệp trong mọi tình huống. Có thế mới tìm ra được sự kiện. Có thế mới nhìn thấy được vấn đề. Có thế mới dám viết và viết được. Nhân - hành đã đi viết báo như đi phượt vậy. Thì đấy, Nhân đã “ăn tết giữa rừng chó sói”, đã chui xuống hầm lò than sâu 100 mét dưới mặt đất, đã lang thang “tôi đi bán tôi” ở “chợ người” tại thủ đô, đã… nhiều cái đã nữa. Thậm chí nếu không do định mệnh thì anh đã tử nạn cùng chiếc trực thăng đi cứu nạn năm 1992 khi cố quyết nằn nì xin đi với tư cách nhà báo mà bị phi công gạt xuống. Sau những chuyến phượt đó là những bài báo phóng sự viết rợn, đọc rợn, khẳng định tên tuổi Nhân - báo. “Đề tài phóng sự chỉ hay khi chính mình nghĩ ra, chính mình thực hiện. Viết phóng sự có cái hay riêng là được khẳng định mình. Tôi nghĩ thế” - Nhân viết khi kể về chuyến đi xuyên Việt năm 1995.

Mà anh đâu chỉ đi khi đang làm nghề. Đến nay anh vẫn đi hăng, đi nhiều. Tuổi đã sắp chạm bảy mươi, lại đã bị một lần tai biến khiến chân đi khập khiễng, lại cũng không bị thúc bách vì báo nữa, nhưng Nhân vẫn nay đây mai đó, lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, đến đâu đăng hình lên Facebook cá nhân ngay tắp lự làm nhiều người trai tráng, khỏe mạnh phải phục và ghen tị. Thì đó là do cái máu báo nó đã chảy sâu trong người. Nhân - hành đã đi bốn mươi năm qua thì sá gì những năm tiếp theo lại không đi tiếp, phỏng.

HLV Mai Đức Chung qua nét cọ của Huỳnh Dũng Nhân.

Đi thế, viết thế, Nhân - tình cũng là cái lẽ tất nhiên thôi. Trước hết là Nhân có tình với những nơi mình đến, với những người mình gặp, biết phả cái tình đó vào từng trang viết phóng sự, tạo sự cộng hưởng tình của người viết người đọc. Rồi từ tình làm báo có được tình người đọc báo... và của cả những bóng hồng đây đó trên những nẻo đường tác nghiệp của chàng nhà báo đa tình... Chẳng thế mà gần đây Nhân - văn đã cho ra tập truyện mang tên “Ký ức tình”, nhâm nhi hồi tưởng cuộc đời “đi - yêu và viết” của mình.

Đường đời đi về chặng cuối thì trong Nhân - văn, Nhân - báo lại xuất hiện Nhân - họa vốn đã hé lộ ở chặng đầu đời. Kể từ khi tạm hồi phục sau cơn tai biến, Nhân biến nguy thành cơ, tận dụng thời gian nằm chữa bệnh, phát huy thêm nghề vẽ, anh họa chân dung người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Anh vẽ liên tục: ở nhà, trên đường, vẽ trên máy bay, ở bất kỳ đâu anh đến. Và thế là bên cạnh những tập phóng sự, giáo trình báo chí, những tập thơ, tập truyện đã ra bốn chục năm qua, Nhân giờ đây có thêm những cuộc triển lãm, trưng bày các bức chân dung. Số lượng chân dung anh vẽ chỉ một năm tính cũng đã đến con số cả ngàn tấm. Tôi kể ngũ Nhân - Huỳnh Dũng vậy đã đủ chưa? Hình như là chưa. Vì còn có thể thêm một nữa - Nhân - thuyết, tức là việc anh còn tham gia giảng dạy, nói chuyện, giao lưu về nghề nghiệp báo chí. Anh giảng dạy báo chí cũng được sinh viên, học viên báo chí rất mến mộ. Đọc cuốn hồi ký này bạn sẽ được gặp không chỉ ngũ nhân mà cả lục Nhân trong đó. Bạn có thể thích một trong sáu, tùy sự cảm nhận và thấu hiểu, nhưng thiếu một trong sáu thì không thành và không ra Huỳnh Dũng Nhân - một con người rất yêu cuộc sống, và rất đam mê “Đi, yêu và viết” như anh đã là.

PHẠM XUÂN NGUYÊN