Người dân Bắc Trung Bộ hối hả trước siêu bão Haiyan

Thứ bảy, 09/11/2013 13:50

 (Cadn.com.vn) - Tại Nghệ An-  Sáng 9- 11, trước diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, các hộ dân kinh doanh ven biển tại khu vực P.Nghi Hòa, P.Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) hối hả thu dọn, vận chuyển đồ đạc về nhà.

Tại khối Hải Giang 1, P.Nghi Hòa, chị Nguyễn Thị Phụng, chủ ki ốt số 3 Song Ngư cho biết, ngay sáng nay UBND Phường đã thông báo đến hơn 70 hộ dân kinh doanh nơi đây phải khẩn trương thu dọn toàn bộ tài sản về nhà; cùng đó, các ki ốt phải được tháo dỡ toàn bộ mái tôn, hệ thống điện… chỉ để lại bộ khung mà thôi. Có mặt tại nơi đây mới thấy được nỗi lo sợ thực sự của người dân trước siêu bão Haiyan. Những chiếc xe lôi được người dân trưng dụng để vận chuyển bàn, ghế, chén bát, mái tôn…

 Cũng tại khu vực vùng biển Cửa Hội này, anh Nguyễn Văn Tý cùng con trai vừa bê các tấm tôn lên xe vừa nói: “Nghe nói bão to lắm chú ơi, phải dọn về hết chứ không để đây bão thổi bay hết. Thà mệt lúc này nhưng vẫn còn giữ được tài sản. Khi bão tan thì lại chở ra làm lại thôi”.

 Tại vùng biển thuộc P.Nghi Tân, sau khi nghe thông tin về cơn bão, các ngư dân đã và đang tích cực đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão. Tại cửa biển, sáng cùng ngày đã có hành chục chiếc tàu của các ngư dân trong xã về trú tránh an toàn. Một số tàu khác cũng đang trên đường trở về.



Người dân khối Hải Giang 1, P.Nghi Hòa (TX Cửa Lò) tháo dỡ ki ốt chạy bão.

Trước đó, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành kêu gọi các tàu thuyền về đất liền và tìm nơi trú ẩn an toàn trước 19 giờ ngày 9- 11. Các địa phương có phương án tổ chức di dời 26.000 hộ dân ven biển, các vùng hạ lưu để đảm bảo an toàn và thiệt hại đáng tiếc. Các trường cho học sinh nghỉ học từ ngày 9 đến 12- 11 và chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đầy đủ để kịp thời ứng cứu cho nhân dân. Hiện nay, toàn bộ hồ đập trên địa bàn Nghệ An cũng rất nguy hiểm vì các hồ đã đầy nước, chiều ngày 8- 11, Sở NN&PTNT đã cho xả lũ.

Để chủ động ứng phó với siêu bão Haiyan, CA tỉnh Nghệ An đã có sự chuẩn bị về phương tiện, vật tư nhằm ứng phó với bão và mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây ra. Giám đốc CA tỉnh yêu cầu: Các đơn vị địa phương chủ động lên kế hoạch đảm bảo ANTT, ATGT khi bão đổ bộ. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, cử cán bộ chỉ huy ứng trực tại các vùng nguy hiểm, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc và nhu yếu phẩm cần thiết, thực hiện phương châm 4 tại chỗ nhằm chủ động ứng phó với bão lụt. Cùng đó, 800 CBCS được tăng cường cho các địa bàn trọng điểm như Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, chuẩn bị sẵn sàng giúp dân phòng chống bão lụt, tổ chức phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo tốt ANTT, bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Tàu cá của ngư dân P.Nghi Tân đã cập bến sáng 9- 11.

 Tại Hà Tĩnh: Sáng 9-11, ông Trần Minh Kỳ- Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã có lệnh hỏa tốc đến 6 huyện, TP ven biển gồm Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, huy động phương tiện, tổ chức lực lượng di dời 14.280 hộ (60.240 người dân) khỏi vùng nguy hiểm trước 17 giờ cùng ngày.

 Trong các địa phương, Kỳ Anh là huyện có lượng dân di dời nhiều nhất với gần 4.500 hộ, Lộc Hà 3.650 hộ, Nghi Xuân hơn 2.000 hộ… Các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng cũng được huy động nhằm hỗ trợ di dời dân và đảm bảo an ninh trật tự.

 Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Hà Tĩnh đã ban hành Công điện số 27/CĐ-PCLB,  chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan chủ động đối phó với bão. Hiện toàn bộ số tàu cá của Hà Tĩnh 3.904 tàu với 14.175 lao động đã nắm được thông tin về bão HaiYan. Trong đó, có 103 tàu với 654 lao động đang hoạt động ở ngư trường Thanh Hoá, Hải Phòng và Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bình Thuận đã vào bờ; số còn tàu thuyền còn lại đang được các cơ quan chức năng kêu gọi về nơi trú ẩn và tổ chức sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn.

Bắt đầu từ ngày 9-11, Hà Tĩnh hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác triển khai công tác phòng chống bão (ông Lê Đình Sơn Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống bão tại huyện Lộc Hà.

 Theo ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này số thuyền hoạt động đánh bắt của ngư dân Hà Tĩnh đã nắm chắc 100% trú tránh bão an toàn. Tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo trong việc chằng néo, giữ thuyền chắc chắn, còn người trên thuyền nhất quyết phải lên bờ 100%.

 “Hiện tại, kịch bản sơ tán được giữ ở mức cao nhất. Ngoài 50.000 dân được sơ tán trước lúc bão đổ bộ, thì chúng tôi sẽ tiếp tục lệnh khẩn cho các địa phương ở các vùng núi có nguy cơ lũ quét cao như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang chuẩn bị có phương án di dời 12 ngàn hộ với hơn 40 ngàn người dân đến nơi tránh lũ an toàn”, ông Sơn cho biết.

Thuyền bè các ngư dân đã vào bờ biển Lộc Hà neo đậu tránh bão.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có phương án xả lũ sớm đối với 11 hồ nhỏ và 5 hồ chứa nước lớn trong địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ có phương án rà soát và kiểm soát một số tuyến đường giao thông trọng yếu, kiên quyết không cho xe cộ lưu thông nếu tình hình lũ lụt phức tạp.

Tại huyện Lộc Hà, vùng biển trọng yếu bên cửa Sót; sáng nay lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã khảo sát hiện trường và đôn đốc việc kêu gọi tàu thuyền tránh bão cũng như việc di dời dân an toàn. Hiện, có 120 lực lượng công an, quân sự, bộ đội biên phòng cùng gần 1.000 lực lượng tại chỗ ứng trực chống bão.


lực lượng công an, BĐBP, Dân quân tự vệ … H.Lộc Hà giúp dân neo thuyền, nhà cửa.

 Tại Quảng Trị: Tính đến sáng ngày 9- 11, các khu neo đậu tại Quảng Trị đón 2.486 tàu thuyền địa phương với 6.172 lao động trú tránh an toàn. Ngoài ra, 22 tàu thuyền Quảng Trị với 152 lao động đang neo đậu tại đảo Bạch Long Vỹ, đảo Cát Bà và Cửa Sót (Hà Tĩnh) thường xuyên giữ liên lạc. Khu neo đậu Cảng Cửa Việt cũng đón thêm 10 tàu với 66 thuyền viên của hai tỉnh Quảng Bình và Bà Rịa – Vũng Tàu vào trú tránh bão Haiyan. Trước diễn biến phức tạp của bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường chỉ đạo khẩn trương công tác chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; chú trọng việc kiểm tra, rà soát và thông báo, cảnh báo đến các khu vực dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, chủ động tránh qua lại hạ lưu tràn, sông suối. Sẵn sàng các phương án di dân theo kế hoạch, đưa người dân vùng bão, vùng lũ ống, lũ quét, vùng sạt lở đất, vùng ngập sâu…về nơi trú tránh an toàn. Chiều 9 – 11 này, Lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức 4 đoàn công tác sẽ kiểm tra phòng chống bão từ đồng bằng, ven biển lên miền núi, tình hình hồ đập, thủy điện.


Thuyền nhỏ cũng được nhân dân khẩn trương đưa lên bờ.

Cũng sáng 9 – 11, tin từ huyện đảo Cồn Cỏ cho hay đã sẵn sàng cho công tác di dân từ vùng nguy hiểm đến nơi trú tránh, trong đó có các công sở và hầm địa đạo. Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cho biết mực nước các sông đều dưới báo động 1, các hồ đập đang ở mức an toàn. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chú trọng rà soát phương án bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc đối với vùng hạ du để chủ động việc sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn khi xả lũ. Thực hiện nghiêm cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10/11/2013. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.

BĐBP tỉnh Quảng Trị gia cố chằng chống nhà dân tại ven biển Cửa Việt.

Tính đến sáng 9 – 11, BĐBP, CA, BCHQS tỉnh và Sư đoàn 968 cũng đã điều động phương tiện và hàng ngàn CBCS tham gia công tác chằng chống nhà cửa, di dời dân và sẵn sàng mọi công tác ứng cứu. Cảng Vụ Hàng hải Quảng Trị cũng thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp, phương tiện neo đậu trong khu vực cảng biển Cửa Việt thường xuyên liên lạc để kịp thời xử lý những tình huống nguy cấp xảy ra, qua số điện thoại: 0533.824.292.

Khu neo đậu tại Cửa Việt đón tàu thuyền về trú tránh.

NHÓM PV BMT