Nhìn lại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015: Một kỳ thi với nhiều mặt được

Thứ hai, 06/07/2015 09:40

(Cadn.com.vn) - Sau 4 ngày với 8 môn thi, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã kết thúc vào chiều 4-7. Như vậy, chỉ còn một số trường ĐH, CĐ có tổ chức thi môn năng khiếu đối với những ngành học có tính đặc thù riêng như: kiến trúc, SP mẫu giáo, văn hóa nghệ thuật..., mùa tuyển sinh 2015 sắp chính thức khép lại với nhiều mặt được đánh giá là được!

Hai thí sinh trao đổi cách làm bài sau khi kết thúc môn thi.

Được sự đồng thuận cao từ xã hội

Tất nhiên, không thể nói, tất cả đều tốt đẹp, hoàn hảo. Vẫn còn đó những băn khoăn, những lỗi mắc phải trong công tác tổ chức, coi thi ở một số HĐT trong cả nước. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong 4 ngày thi vừa qua, có thể thấy, với sự quyết tâm vào cuộc của toàn ngành giáo dục, của chính quyền các địa phương cũng như của toàn xã hội, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 lần đầu tiên tổ chức đã kết thúc đúng như lộ trình, quỹ đạo mà Bộ GD-ĐT mong muốn.

Cái được lớn nhất mà kỳ thi mang lại chính là nhận được sự đồng thuận lớn từ xã hội. Theo đó, cái được đầu tiên phải kể đến đó là: giảm được nhiều chi phí cho gia đình và xã hội, giảm được áp lực thi cử cho thí sinh và người nhà thí sinh, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho thí sinh do không phải di chuyển quá xa trong quá trình thi cử.

Cụ thể, nếu như trước đây, các thí sinh phải trải qua 4 kỳ thi: tốt nghiệp THPT, 2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ dành cho các trường CĐ có tổ chức thi, thì nay thí sinh chỉ thực hiện 1 lần thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển ĐH, CĐ. Nếu như trước đây, tình trạng các thành phố lớn trong những ngày diễn ra thi như TP HCM, Hà Nội... luôn rơi vào tình trạng tắc nghẽn giao thông do lưu lượng thí sinh đổ về đây dự thi quá đông, thì nay, tình trạng này đã được hạn chế đến mức thấp nhất... Chính vì thế, hầu hết phụ huynh có con em dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đều đồng tình với cách tổ chức gộp chung kỳ thi "2 trong 1", nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khá giả.

Ông Phan Văn Anh (trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ sự đồng tình với nỗi niềm của một người ông có hai cháu ngoại sinh đôi cùng đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm nay: "6 tháng tuổi, 2 cháu của tui đã mồ côi cha. Mẹ nó bồng bế hai con về tá túc ở nhà ngoại, đến khi các cháu được 5 tuổi thì đi lấy chồng.

Thương cháu, thương con, nên vợ chồng tui dù tuổi đã cao, sức đã yếu vẫn cố gắng cặm cụi kiếm tiền nuôi hai đứa cháu tội nghiệp ăn học. Tui thì chạy xe ôm, còn bà ngoại mấy cháu thì bán trầu cau. Cũng may, cả hai anh em nó đều học được, năm nào cũng nằm trong đội tuyển đi thi HS giỏi thành phố, có giải hẳn hoi. Thôi thì cố ráng cho 2 cháu học để có cái chữ, sau này đỡ khổ hơn đời ông bà, cha mẹ nó. Nếu năm nay không tổ chức kỳ thi chung như thế này, có khi tui phải cho các cháu ở nhà một năm, chờ ki cóp mới đủ tiền để sang năm đưa chúng nó đi thi ĐH... Tui thấy, kỳ thi chung "2 trong 1" ni tiện cả đôi bề".

Còn thí sinh Nguyễn Phan Ý Nhi - cháu ngoại của ông Anh, vui vẻ nhận xét: "Việc gộp hai kỳ thi làm một như thế này, chúng em được ôn thi kỹ hơn, cũng đỡ mất thời gian hơn, lại được nhà trường tổ chức ôn thi nâng cao nên với bản thân em không phải đi học thêm, cũng đỡ tiền cho ngoại". Nhiều phụ huynh khác cho rằng, với việc tổ chức kỳ thi chung "2 trong 1", biết điểm rồi mới nộp hồ sơ đăng ký vào ĐH, CĐ, nên cơ hội, khả năng đậu vào các trường ĐH, CĐ của các thí sinh cũng cao hơn.

Trước khi kỳ thi này diễn ra, Bộ GD-ĐT cũng như các cụm thi do ĐH chủ trì đều quan ngại là khâu coi thi tại các Cụm thi địa phương (thi chỉ để xét tốt nghiệp). Phần lớn đều có suy nghĩ rằng, với tâm lý thương và mong muốn HS của mình được đỗ tốt nghiệp, các cán bộ coi thi tại các Cụm thi địa phương sẽ... nới tay trong việc coi thi. Điều này sẽ góp phần làm giảm chất lượng, uy tín cũng như mất công bằng cho các thí sinh đăng ký dự thi tại Cụm thi do ĐH chủ trì để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng  Bùi Văn Ga, trong quá trình đi kiểm tra thực tế tại các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, công tác tổ chức thi của các Cụm thi địa phương thực hiện không hề xuê xoa, rất có trách nhiệm, nghiêm túc, chặt chẽ giống như các Cụm thi do các ĐH chủ trì. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, kỳ thi đã diễn ra suôn sẻ, đúng lộ trình mà Bộ GD-ĐT mong muốn: "Kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1" là ước mơ ấp ủ bấy lâu nay của Bộ GD-ĐT nay mới thay đổi, thực hiện được. Vào năm 2007, Bộ GD-ĐT cũng đã có ý định thực hiện điều này nhưng lúc đó chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. Theo đó, sự đổi mới lần này đã thể hiện được sự quyết tâm của toàn ngành, của chính quyền các địa phương, của toàn xã hội...".

Kết thúc môn thi cuối cùng, thí sinh ra về trong cái nắng và nóng gay gắt. Ảnh: P.T 

Cần hoàn thiện tốt hơn

Bên cạnh những mặt được đó, kỳ thi cũng vẫn còn bộc lộ một số vấn đề cần được Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm để hoàn thiện, triển khai tốt hơn trong các mùa thi sau. Trước hết, thời gian tổ chức thi diễn ra vào thời điểm thời tiết quá khắc nghiệt trên cả nước, với nhiệt độ quá cao, có nơi lên đến 40 độ C đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của thí sinh cũng như người nhà thí sinh. Mặt khác, dù đã được tập huấn kỹ, nhưng đâu đó trên cả nước, cán bộ coi thi vẫn mắc phải những lỗi không thể chấp nhận được. Đơn cử như trường hợp ký nhầm giấy thi tại điểm thi Trường ĐH Yersin Đà Lạt, buộc phải xin ý kiến của Bộ để tổ chức cho 29 thí sinh này thi lại đề thi Toán vào ngày 4-7 với đề thi dự trữ là một trường hợp sai sót đáng tiếc.

Bên cạnh việc đánh giá các cụm thi địa phương đã làm tốt công tác coi thi, một vấn đề cũng cần được Bộ GD-ĐT xem xét, đánh giá lại đó là: Tại sao trong khi đa phần thí sinh vi phạm bị xử lý đình chỉ thi đều được phát hiện tại các Cụm thi do ĐH chủ trì, còn các cụm thi địa phương lại không nhiều? Điều này có phải là do công tác coi thi tại các Cụm thi địa phương chưa tốt, hay thí sinh dự thi tại các Cụm thi do ĐH chủ trì thi không nghiêm túc?

Lý giải của Bộ GD-ĐT về vấn đề này tại buổi họp báo sau khi kết thúc kỳ thi chiều 4-7 vừa qua cho rằng, do áp lực của các thí sinh đăng ký tại Cụm thi do ĐH chủ trì cao hơn đối với thí sinh dự thi Cụm thi để xét tốt nghiệp nên ý định vi phạm của các em vì thế mà cũng cao hơn chưa thật sự thỏa đáng cho lắm.

Ngoài ra, mặc dù được đánh giá là có sự phân hóa, giao thoa rõ nét, kết cấu đề thi được xem là khá hợp lý với khoảng 60% là kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao, có một số đề thi được đánh giá hay và có sự đổi mới, đơn cử là đề thi môn Sử, nhưng đề thi năm nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: Đề thi quá dài, độ khó dễ giữa các câu trong một đề thi chưa được hợp lý; tính phân hóa của đề thi chưa rõ nét giữa HS trung bình với HS khá; chỉ mới dừng lại giữa HS giỏi với HS trung bình-khá...

Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện kỳ thi chung, vì thế, tồn tại nhiều vấn đề cần được rút kinh nghiệm để hoàn thiện trong mùa thi tới là một điều hiển nhiên.

P.Thủy