Nơi đem hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
(Cadn.com.vn) - Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (BVPSN) thành lập tháng 7-2000 (tiền thân là Phòng Hiếm muộn-Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đà Nẵng) đảm trách việc khám, tư vấn và điều trị các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Thời gian đầu thành lập, Khoa đã triển khai hầu hết các các kỹ thuật đơn giản như: xét nghiệm tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn WHO, chuẩn bị tinh trùng, kích thích buồng trứng với nhiều phác đồ khác nhau và thụ tinh nhân tạo với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
Sau 4 năm thành lập, Khoa đã đón hơn 100 em bé ra đời bằng các kỹ thuật này. Từ tháng 7-2004 - 2009, được sự hỗ trợ của Khoa Hiếm muộn-Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Khoa Hiếm muộn-BVPSN TP Đà Nẵng đã triển khai chương trình "Thụ tinh trong ống nghiệm vệ tinh". Chương trình góp phần giảm đáng kể chi phí điều trị cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) ở khu vực miền Trung, với kết quả đáng khích lệ như thai lâm sàng là 31,33% và 61 em bé khỏe mạnh đã ra đời.
Đến tháng 2-2013, được sự đồng ý của Sở Y tế TP Đà Nẵng và sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ sinh sản của Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM (HOSREM), Khoa Hiếm muộn đã được cải tạo thành khu TTTON đạt chuẩn giống như các mô hình của các trung tâm IVF hiện đại trong nước, với đầy đủ các phòng chức năng như: 2 phòng khám, 2 phòng lấy tinh trùng, phòng siêu âm, phòng xét nghiệm tinh dịch đồ, phòng chuẩn bị tinh trùng, phòng chọc hút trứng, phòng chuyển phôi, phòng labo nuôi cấy và tạo phôi, phòng phẫu thuật lấy tinh trùng, phòng theo dõi sau chuyển phôi, sau chọc hút trứng, phòng khí… Sau hơn 1 năm hoàn thiện, tháng 3-2014, Khoa Hiếm muộn bắt đầu triển khai các hoạt động TTTON.
Các y bác sỹ BVPSN phẫu thuật đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp TTTON tại Khoa Hiếm muộn. |
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Phương Lê-Trưởng khoa Hiếm muộn (BVPSN), ngay sau khi có thông tin Khoa Hiếm muộn triển khai TTTON, hàng trăm trường hợp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã đến đăng ký tư vấn, khám và điều trị vô sinh. Ngày 25-12-2014, ba em bé đầu tiên (1 trai, 2 gái) chào đời đều khỏe mạnh, là niềm tự hào lớn của đội ngũ y bác sỹ khoa Hiếm muộn. Đây là sự kiện nổi bật đáng ghi nhận của Khoa nói riêng và là sự kiện đánh dấu bước tiến mới vô cùng quan trọng của BVPSN trong việc hỗ trợ các cặp vợ chồng điều trị vô sinh, hiếm muộn nói chung.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới của Khoa Hiếm muộn và nhắc nhở các y bác sĩ của Khoa phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục mang lại niềm hy vọng, hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh. Không phải đợi đến khi triển khai phương pháp TTTON mà trước đó, trung bình hằng năm, Khoa cũng đã tiếp nhận khoảng 8.000 lượt khám, xét nghiệm tinh dịch đồ. Hiện tại, Khoa được đầu tư đồng bộ và hiện đại, có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật quan trọng trong hỗ trợ sinh sản để điều trị hầu hết các nguyên nhân vô sinh.
Thông thường, phương pháp TTTON có thể điều trị được cho những trường hợp nặng như: nam giới không có tinh trùng do tắc nghẽn, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh và những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân…Do đó, với phương pháp này, các cặp vợ chồng càng có thêm nhiều hy vọng để có con. Việc thực hiện kỹ thuật TTTON bằng các kỹ thuật hiện đại tại BVPSN không chỉ giảm thời gian đi lại, giảm chi phí điều trị mà còn giảm căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân…
Để trở thành đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn, vô sinh tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, ngoài được đầu tư đồng bộ và hiện đại hệ thống trang thiết bị, có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật quan trọng trong hỗ trợ sinh sản để điều trị hầu hết các nguyên nhân vô sinh thì việc phát triển đội ngũ y bác sỹ là kế hoạch quan trọng và là định hướng lâu dài của khoa Hiếm muộn. Hiện tại Khoa có 5 bác sĩ (2 BSCK2, 1 BSCK 1, 1 Ths-bác sĩ nội trú), 4 chuyên viên phôi học, 8 nữ hộ sinh và 1 hộ lý. Tất cả đều có kinh nghiệm và thâm niên công tác trong ngành.
Theo TS.BS Trần Đình Vinh- Giám đốc BVPSN Đà Nẵng, trước khi thành lập Khoa Hiếm muộn, nhân sự của Khoa đã được quan tâm đào tạo từ nhiều năm trước. Nhiều bác sĩ, chuyên viên phôi học và nữ hộ sinh đã qua đào tạo chuyên khoa sâu về điều trị vô sinh và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở các trung tâm lớn trong nước như Bệnh viện Từ Dũ, Hội Nội tiết và sinh sản TPHCM (HOSREM)…. cũng như các khóa đào tạo ngắn hạn ở Singapore, Đức, Mỹ…
Tuy nhiên, trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Khoa Hiếm muộn đã có kế hoạch bổ sung đội ngũ nhân sự đi cùng với đó là nâng cao kiến thức chuyên môn. "Ngoài trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị y tế hiện đại, theo tôi, cái tâm của người làm nghề rất quan trọng. Đem lại hạnh phúc, nụ cười cho các cặp vợ chồng có được những đứa con để họ tìm được niềm hạnh phúc thật sự là động lực thôi thúc các y bác sỹ gắn bó với nghề và tự trau dồi chuyên môn để giúp đỡ càng nhiều bệnh nhân càng tốt...", TS.BS Trần Đình Vinh chia sẻ.
TS.BS Trần Đình Vinh khẳng định: Với vị trí là một bệnh viện chuyên khoa phụ sản - nhi đầu ngành của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, BVPSN ngày càng khẳng định khả năng và vị trí của mình trong lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn…
Lê Hùng