Phép thử của sự gắn kết

Thứ tư, 06/07/2016 08:55

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh NATO, dự kiến sẽ diễn ra ở Warsaw, Ba Lan vào ngày 8-7 tới, được cho chính là phép thử đoàn kết quan trọng đối với các nước phương Tây trong bối cảnh mối quan hệ giữa liên minh này với Nga đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Thật sự, hội nghị lần này của NATO được cho là quan trọng bất thường đối với khối liên minh quân sự này do mối quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga đang gia tăng căng thẳng. Thêm vào đó là sau cuộc bỏ phiếu đi đến quyết định Anh rời khỏi EU, hội nghị lần này được hình thành như là một thách thức quan trọng mà liên minh các nước phương Tây - vốn phải thông qua nhiều quyết định khó khăn có khả năng gây chia rẽ - phải vượt qua.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 5-7, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, hội nghị lần này sẽ tập trung vào tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một tuyên bố rõ ràng nhằm ám chỉ sự tăng cường răn đe nhằm vào Nga. Trên thực tế, tại Warsaw, NATO sẽ chính thức xác nhận về quyết định triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia đến các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước Nga.

4 tiểu đoàn này, bao gồm 1.000 quân mỗi tiểu đoàn, đánh dấu hoạt động đồn trú quân sự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Và tất nhiên, hoạt động triển khai này rõ ràng nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến Nga trong bối cảnh cả hai bên vẫn căng thẳng trong vấn đề Ukraine. Việc triển khai của NATO cũng mang ý nghĩa thúc đẩy thông điệp, “nếu Nga tấn công bất cứ đồng minh, toàn bộ liên minh này sẽ đáp trả như một”.

Và  kiểu logic quân sự như thế này của NATO thật khó chịu và không thể tránh khỏi gợi nhớ về một cuộc Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, Moscow đã phản ứng gay gắt trước quyết định mà họ cho là khá khiêu khích này. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin gần đây cũng quyết định triển khai tên lửa hạt nhân, xe tăng và binh sĩ mới đến Kaliningrad – thành trì quan trọng của Nga, giáp biên giới Ba Lan và Lithuania. Chính phủ các nước NATO đang lo ngại, Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Kaliningrad.

Kết quả là, hội nghị ở Warsaw và kết quả từ hội nghị sẽ đặt ra bài toán thử nghiệm lớn đối với các nước phương Tây. Không nghi ngờ gì, Thủ tướng David Cameron, sẽ rất háo hức để chứng minh, Anh vẫn là một lực lượng quan trọng có thể gồng trên vai sức nặng quốc phòng của NATO. Tuy nhiên, có mối quan tâm chính đáng, đó là vấn đề Brexit phản ánh tâm trạng ngày càng hướng nội của các cử tri Anh. Hơn thế nữa, nếu nước Anh đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh trong nền kinh tế hay suy thoái kinh tế, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chi tiêu công về quốc phòng. Và NATO sẽ nhìn vào các cam kết của Đức và Mỹ về việc “sẽ tạo ra một NATO quyền lực và mạnh mẽ”. Tuy nhiên, khả năng ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đang làm lu mờ những hy vọng này. Gần đây Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên án NATO về việc “thích dùng vũ lực dọa Nga”, động thái cho thấy về những rạn nứt trong nội bộ liên minh này.

Rõ ràng, sau cú sốc Brexit (Anh rời Liên minh Châu Âu –EU) cùng những động thái như thế này, NATO cần gửi thông điệp của sự đoàn kết và sức mạnh. Và hội nghị thượng đỉnh sắp tới là “cơ hội vàng” cho các nước trong liên minh quân sự này.

Thanh Văn