Phương Tây bác khả năng đưa quân đến Ukraine

Thứ năm, 29/02/2024 14:15
Mỹ và nhiều đồng minh châu Âu cho biết không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý về khả năng này.
Binh sĩ Ukraine tác chiến trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 9-2.
Binh sĩ Ukraine tác chiến trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 9-2.

Ngày 27-2, Nhà Trắng khẳng định Mỹ không có kế hoạch triển khai binh sĩ đến Ukraine. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Adrienne Watson cho biết Tổng thống Joe Biden “đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine”.

Trước đó cùng ngày, phát biểu với báo giới, người phát ngôn John Kirby của NSC khẳng định lực lượng quân nhân Mỹ duy nhất hiện diện ở Ukraine là những người đang có mặt tại đại sứ quán nước này ở Kiev để làm nhiệm vụ giải trình về số vũ khí cung cấp cho Ukraine. Ông Kirby phủ nhận việc Mỹ cử binh sĩ đến Ukraine để rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí hoặc hoạt động an ninh mạng, như đề xuất của Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne về việc các nước phương Tây triển khai quân đến Ukraine. Người phát ngôn NSC cũng cho rằng quyết định gửi quân đến Ukraine "thuộc quyền tự quyết" của Pháp hoặc bất kỳ quốc gia nào khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, khi được hỏi liệu Mỹ có triển khai binh sĩ đến Ukraine cho các mục đích khác như huấn luyện hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Biden phản đối bất kỳ ý tưởng nào về việc triển khai quân đến Ukraine. Ông Miller nói với các phóng viên: "Chúng tôi sẽ không gửi quân tới Ukraine. Tổng thống đã nói rất rõ ràng". Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là kêu gọi Quốc hội phê duyệt khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine. "Về cơ bản, chúng tôi nghĩ rằng con đường dẫn đến chiến thắng cho Ukraine hiện nay nằm ở Hạ viện Mỹ", ông Miller nói.

Cùng ngày 27-2, các nước Đông Âu thuộc Nhóm Visegrad (V4 - gồm CH Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary) khẳng định không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Thủ tướng CH Czech Petr Fiala, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đưa ra tuyên bố này sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo V4. Tuy nhiên, Thủ tướng Fiala cho biết V4 sẵn sàng hỗ trợ Ukraine dưới các hình thức khác. Theo ông Fiala, CH Czech và Ba Lan sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Hungary và Slovakia sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo và tài chính. Nhà lãnh đạo CH Czech cũng kêu gọi thúc đẩy đàm phán hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trước đó, ngày 26-2, phát biểu họp báo tại Điện Elysee sau khi chủ trì cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận tình hình Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập khả năng các nước châu Âu đưa quân đến Ukraine, song cho biết chưa có sự đồng thuận về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ: "Giai đoạn này chưa có sự đồng thuận về việc đưa quân đến Ukraine, tuy nhiên không thể loại trừ bất cứ khả năng nào".

Sau phát biểu của Tổng thống Macron, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 27-2 khẳng định liên minh quân sự này hiện không có kế hoạch triển khai binh sĩ đến Ukraine. Tương tự, chính phủ một số nước thành viên NATO như Đức, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha... cũng lên tiếng phản đối đề xuất triển khai quân đến Ukraine.

Cảnh báo của Nga

Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cảnh báo việc NATO triển khai quân tới Ukraine sẽ dẫn đến “kịch bản thảm khốc” và có thể được hiểu là “lời tuyên chiến” với Moscow.

Theo Đài RT (Nga), ông Kosachev đã đưa ra quan điểm trên trong một bài đăng trên Telegram hôm 27-2, sau khi Tổng thống Pháp Macron bình luận về khả năng NATO đưa lực lượng bộ binh tới Ukraine. Ông Kosachev cảnh báo cách tiếp cận mà nhà lãnh đạo Pháp đưa ra có nguy cơ khiến tình hình trở thành “kịch bản thảm khốc”, đồng thời ông nhấn mạnh động thái này sẽ không được Điện Kremlin chấp nhận. “Điều này cho thấy NATO không chỉ tham gia vào cuộc chiến vốn đã xảy ra trong một thời gian dài, mà còn có thể được hiểu là liên minh này có động thái thù địch trực tiếp, hoặc thậm chí là tuyên chiến với Nga”, ông Kosachev viết. Bình luận của thượng nghị sĩ Nga lặp lại tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó. Ông Peskov nói rằng động thái này sẽ gây ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa khối do Mỹ dẫn đầu và Moscow.

Bình luận của Tổng thống Macron được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 3. Lực lượng Nga gần đây giành một số bước tiến trên chiến trường, nổi bật nhất là kiểm soát hoàn toàn thành trì Avdiivka ở tỉnh Donetsk. Trong khi đó, Ukraine đang phải đối mặt tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược trầm trọng, chủ yếu do gói viện trợ đang bị mắc kẹt do tranh cãi tại Quốc hội Mỹ.

AN BÌNH