Số phận Tổng thống Ukraine sau bê bối "Hô sơ Panama"
(Cadn.com.vn) - Khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine năm 2014, ông Petro Poroshenko cam kết sẽ cải cách hệ thống chính trị bằng các chiến dịch chống tham nhũng. Thế nhưng, ông lại đang phải đối mặt với bê bối chính trị mới sau khi "Hồ sơ Panama" rò rỉ đã tiết lộ ông là một trong số những lãnh đạo cấp cao đã sử dụng Cty Mossack Fonseca để trốn thuế. Vậy tương lai của vị tổng thống này sẽ ra sao?
Các chính trị gia đối lập ở Ukraine đã cố gắng tận dụng thông tin rò rỉ bí mật từ "Hồ sơ Panama" cáo buộc Tổng thống Poroshenko lạm dụng chức vụ và trốn thuế, từ đó yêu cầu ông từ chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 51 tuổi này phủ nhận tất cả mọi việc và khẳng định, ông không làm gì phạm pháp.
"Ông vua chocolate"
Sinh ngày 26-9-1965 tại thị trấn Bolhrad gần thành phố Odessa, ông Poroshenko lớn lên ở khu vực miền trung Vinnytsya và theo học ngành kinh tế học ở thủ đô Kiev.
Sau khi tốt nghiệp, Poroshenko khởi nghiệp là một cố vấn kinh doanh trong những năm 1990. Sau đó, ông tiếp quản các nhà máy sản xuất bánh kẹo nhà nước và biến nó thành đế chế hốt bạc. Ông thành lập Cty bánh kẹo Roshen năm 1996, nơi sản xuất hàng trăm loại kẹo, bánh ngọt, bánh quy, đáng chú ý nhất là "Anh đào chocolate", vốn rất được ưa chuộng trên thế giới. Từ đó, ông được mệnh danh là "ông vua chocolate". Ngoài việc kinh doanh bánh kẹo, ông còn là chủ sở hữu kênh truyền hình Channel 5 TV ở Ukraine. Tạp chí Bloomberg Business ước tính, tài sản của ông Poroshenko vào khoảng 720 triệu USD.
Năm 1998, "ông vua chocolate" bắt đầu lấn sân sang chính trị, giành được một ghế trong Hạ viện Ukraine với tư cách là thành viên đảng Dân chủ Xã hội. 2 năm sau, ông thành lập đảng của riêng mình mang tên Đoàn kết. Ông là một nhà tài trợ lớn cho cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004 và từng giữ chức ngoại trưởng cũng như bộ trưởng thương mại. Năm 2014, ông Poroshenko đắc cử Tổng thống Ukraine.
Đối mặt với luận tội?
Trong quá trình nắm quyền, tốc độ chậm chạp của cải cách chính trị không như đã hứa khiến Tổng thống Poroshenko vấp phải nhiều chỉ trích của người dân trong nước cũng như các nước phương Tây từng ủng hộ Kiev như Mỹ.
Trong bối cảnh đang gặp nhiều bất lợi như thế này, vụ tiết lộ "Hồ sơ Panama" đặt ông Poroshenko vào tình huống nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định: "Tôi tin rằng, tôi là tổng thống đầu tiên của Ukraine chấp hành công bố tài sản, nộp thuế một cách nghiêm túc, chấp hành đầy đủ tư luật của Ukraine và quốc tế". Ông cho hay, từ khi trở thành tổng thống, ông không còn tham gia quản lý tài sản của mình mà giao trách nhiệm cho các Cty tư vấn và Cty luật. Tuy nhiên, ông Oleh Lyashko, lãnh đạo đảng Cấp Tiến tuyên bố sẽ yêu cầu một cuộc luận tội Tổng thống Poroshenko. Ông cũng sẽ yêu cầu Quốc hội thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt để điều tra về Cty và tài khoản của Tổng thống Poroshenko ở nước ngoài.
Tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung cáo buộc, tài khoản của vị tổng thống ở nước ngoài có thể lên đến hàng triệu USD và đó chính là tiền thuế của người dân. Hơn nữa, tờ báo còn khẳng định, hành động của Poroshenko là bất hợp pháp vì 2 lý do: thứ nhất là thành lập và kinh doanh một Cty mới trong khi vẫn còn đảm nhiệm chức chủ tịch và thứ 2 là không báo cáo về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, nỗ lực thực hiện luận tội khó có thể xảy ra vì việc này đòi hỏi cần 3/4 đại biểu Quốc hội tán thành. Trong khi đó, thực tế là phe phái của đương kim Tổng thống Poroshenko kiểm soát 136/450 ghế trong Quốc hội.
Mặc dù Tổng thống Poroshenko khó có thể bị đẩy khỏi chiếc ghế quyền lực (trừ khi ông tự tuyên bố từ chức như Thủ tướng Iceland) nhưng vụ bê bối trên đã làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của ông khi nhắc đến ông là nhắc đến trốn thuế, tham nhũng và không có khả năng điều hành đất nước.
Tuệ Khanh
(Theo Foreign Policy)