Thái Lan đã qua “thời kỳ trăng mật”

Thứ tư, 04/07/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - “Thời kỳ trăng mật” chính trị của Thủ tướng Thái Lan đã chấm dứt sau một năm lên nắm quyền ở đất nước vốn bị chia rẽ này.

Ngoại hình xinh đẹp, quyến rũ, tính cách hòa nhã và lối nói chuyện thu hút là những lợi thế quan trọng giúp nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan Yingluck Shinawatra duy trì một nền hòa bình mong manh kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 7-2011.

Mặc dù được đánh giá là một chính trị gia mới vào nghề, nhưng trong một năm qua, bà Yingluck có cách thuyết phục và đảm bảo với các nhà đầu tư rằng, chính phủ Bangkok sẽ phục hồi nhanh chóng sau trận lũ lụt tàn phá nước này hồi năm ngoái. Bà cũng xây dựng một mối quan hệ thân thiện và gần gũi hơn các tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội và phe bảo thủ Hoàng gia. Tuy nhiên, “tuần trăng mật” dành cho bà Yingluck có thể sẽ không còn kéo dài lâu hơn nữa và nguyên nhân nằm ở nhân tố: Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra – vốn vẫn được cho là người đứng sau giật dây đưa bà lên nắm quyền.

Nhiều thách thức đang đón chờ Thủ tướng Thái Lan Yingluck. Ảnh: Reuters 

Ông Thaksin bị quân đội lật đổ hồi năm 2006 khi ông đang ở Mỹ để tham dự một phiên họp của HĐBA LHQ. Vị cựu Thủ tướng này sau đó chọn cách sống lưu vong thay vì về quê để chịu án phạt tù 2 năm vì tội tham nhũng. Mặc dù rất được lòng dân nghèo nhưng ông Thaksin bị tầng lớp quân sự và bảo thủ Hoàng gia ghét bỏ. Các cam kết vốn mang lại chiến thắng cho bà Yingluck như: tăng lương tối thiểu và đảm bảo giá lúa cho nông dân cũng gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, căng thẳng cao trào đổ dồn về khẩu hiệu của Puea Thai – “Thakisn nghĩ, Peua Thai làm”. Theo các nhà phân tích, bà Yingluck chạm ngõ chính trị trong bối cảnh đất nước vừa trải qua những cơn sóng gió từ những cuộc biểu tình của phe Áo đỏ và Áo vàng. Tuy nhiên, người ta cho rằng, ông Thaksin vẫn luôn đứng đằng sau mọi động thái của em gái mình, bao gồm cả các cuộc họp nội các. Có một lần, ông đã phát biểu trước nội các thông qua đường truyền điện thoại từ nơi sống lưu vong ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Liên minh của bà Yingluck hiện kiểm soát 3/5 Quốc hội, con số cho phép ông Thaksin củng cố sức mạnh đằng sau hậu trường, củng cố lòng trung thành trong lực lượng cảnh sát, các nhà kinh doanh và bộ máy hành chính sau cuộc đảo chính năm 2006. Tuy nhiên, Chaturon Chaisaeng, một cựu Bộ trưởng rất thân cận với ông Thaksin và được cho là đóng góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển của bà Yingluck, bác bỏ lời khẳng định rằng, Thủ tướng hiện là “con rối” của người anh Thaksin, “giữ pháo đài” cho đến khi ông trở về nhà. Cũng theo ông này, chính sách “Thaksin nghĩ, Peau Thai làm” là không có gì sai trong khi mọi người không thể phủ nhận rằng, người dân Thái vẫn thích các ý tưởng của ông Thaksin, đặc biệt là chính sách vì dân của ông.

Tuy nhiên, một số chính sách kinh tế được mô tả quá liều lĩnh và nhất là việc đưa ra 2 dự luật mới đây đã làm bùng nổ căng thẳng chính trị. Đó là dự luật hòa giải nhằm ân xá cho tất cả các bên liên quan đến các cuộc xung đột chính trị dai dẳng trong nhiều năm qua tại nước này. Thứ hai là dự luật thay đổi hiến pháp – vốn bị cho làâ âm mưu lật đổ Hoàng gia. Đảng cầm quyền Puea Thai với sự hậu thuẫn của lực lượng Áo đỏ cho rằng, hai dự luật này là cần thiết để chấm dứt các mâu thuẫn phức tạp vốn có nguồn gốc từ hơn 6 năm qua. Trong khi đó, đảng đối lập Dân chủ cho rằng, hai dự luật không phải là giải pháp cho vấn đề hỗn loạn hiện này mà chỉ nhằm ân xá và mở đường cho ông Thaksin về nước và giải ngân tài khoản 1,5 tỷ USD đang bị đóng băng của ông này.

Tranh cãi hiện cũng xoay quanh  việc liệu Tòa án hiến pháp có thẩm quyền cấm Quốc hội thảo luận về sửa đổi hiến pháp hay không. Trong khi bà Yingluck phủ nhận tất cả cáo buộc, cựu Thủ tướng Thaksin tỏ ra tức giận trước những gì ông gọi là một “cuộc đảo chính tư pháp” đồng thời cáo buộc thẩm phán Tòa án Hiến pháp đang gây áp lực để ngăn chặn sửa đổi hiến pháp. Tòa án dự kiến đưa ra phán quyết cuối cùng vào cuối tháng này trong bối cảnh Áo đỏ dọa sẽ tổ chức cuộc biểu tình nếu tòa ngăn chặn việc sửa đổi. Còn phe Áo vàng – vốn có cuộc biểu tình rậm rộ trong năm 2006 và 2008, nói rằng họ sẽ nỗ lực ngăn chặn việc thông qua hai dự luật này.

Vậy là dù tòa án có quyết định thế nào, một viễn cảnh tương lai chính trị u ám đang đón chờ Thủ tướng Yingluck.

Trúc Linh