Triều Tiên kêu gọi “thành lập mặt trận” chống Mỹ

Thứ ba, 26/09/2017 11:07

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Triều Tiên ngày 25-9 gửi thư ngỏ tới Quốc hội của nhiều nước, lên án Tổng thống Donald Trump và kêu gọi thành lập các mặt trận chống Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đưa ra lời đe dọa Triều Tiên.   Ảnh: Yonhap

Tiếp tục công kích

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo, trong bức thư này, ủy ban trên lên án lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên của ông Trump là “lời xúc phạm không thể tha thứ” đối với người dân Triều Tiên, nhưng không nói rõ gửi thư đến những nước nào. Ngoài ra, ủy ban này còn kêu gọi Quốc hội các nước “hoàn tất nhiệm vụ trong việc thực hiện ước muốn của loài người về công lý và hòa bình quốc tế với sự cảnh giác cao” đối với Mỹ.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu bị buộc phải tự bảo vệ mình hay các nước đồng minh trước đòn tấn công của Triều Tiên. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un công bố tuyên bố cá nhân đầu tiên của mình, cam kết sẽ có những hành động “ở mức cao nhất” chống ông Trump.

Trong động thái đổ “thêm dầu vào lửa”, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25-9 ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Triều Tiên và 7 nước khác được cho là có nguy cơ về an ninh. “Triều Tiên không hợp tác với chính phủ Mỹ và không đáp ứng các yêu cầu chia sẻ thông tin”, một quan chức trong Nhà Trắng cho biết. Lệnh cấm lần này theo sau lệnh cấm trước đó đối với các công dân Mỹ đến Triều Tiên. Lệnh này có hiệu lực hôm 1-9 sau cái chết của một sinh viên Mỹ rơi vào tình trạng hôn mê sau khi bị giam ở Bình Nhưỡng hồi năm ngoái.

Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây đã gia tăng sau khi Washington và Bình Nhưỡng liên tục đưa ra những lời tuyên bố mạnh mẽ về khả năng chiến tranh. Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Tổng thống Donald Trump không muốn có một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên và chính quyền Washington sẽ làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn điều này xảy ra. “Tôi có thể đảm bảo với bạn, ưu tiên số một của tổng thống là sự an toàn của người dân Mỹ và các đồng minh của chúng ta. Tổng thống không muốn xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo, điều đó không xảy ra”, ông Mnuchin nêu rõ.

Hàn Quốc nâng cấp kho vũ khí

Trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể dẫn đến chiến tranh, Hàn Quốc xem xét nâng cấp chương trình quốc phòng “3 trục” bằng cách tự đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và mua vệ tinh do thám để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên.

Chiến lược quốc phòng “3 trục” của Hàn Quốc được công bố vào năm 2016 gồm ba nhân tố chính: Hệ thống tấn công phủ đầu “Kill Chain”, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Hàn Quốc (KAMD) và chương trình trừng phạt và trả đũa quy mô lớn Hàn Quốc (KMPR). Tại cuộc gặp song phương lần thứ hai hôm 21-9, Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết tăng cường động thái phòng thủ chung chống Triều Tiên thông qua việc Hàn Quốc mua và phát triển các khí tài quân sự rất hiện đại, cũng như thông qua việc triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ trong và xung quanh Hàn Quốc. Seoul cũng công bố kế hoạch chi nhiều hơn cho các công cụ giám sát, bao gồm vệ tinh do thám và máy bay không người lái. Cho đến nay, quân đội của Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào thông tin vệ tinh của Mỹ về các căn cứ tên lửa và các địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy vậy, Hàn Quốc vẫn kêu gọi Bình Nhưỡng nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh hai miền sẽ kỷ niệm 10 năm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2 vào ngày 4-10 tới.  Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun của bộ trên đã kêu gọi Triều Tiên tôn trọng các thỏa thuận liên Triều hiện nay và nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương.

AN BÌNH

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc  sụt giảm 4 tuần liên tiếp

Kết quả thăm dò dư luận do hãng Realmeter công bố ngày 25-9 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp tục sụt giảm trong tuần vừa qua, một phần là do quyết định của chính phủ về việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên bất chấp việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6 hồi đầu tháng 9-2017.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon đã tụt xuống mức thấp nhất là 65,4% vào ngày 21-9 vừa qua khi Chính phủ Hàn Quốc thông qua khoản viện trợ trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên. Cũng theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận này, có tới 29,4% số người được hỏi ý kiến nói họ không ủng hộ cách Tổng thống Moon điều hành công việc nhà nước, tăng 2,6% so với tuần trước đó.

A.BÌNH