Tương lai nào chờ đợi hãng hàng không quốc tế Pakistan?

Thứ sáu, 26/06/2020 18:00

Thiếu an toàn, tài chính gặp khó khăn và thiếu minh bạch: đối với nhiều người, Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) là một mô hình thu nhỏ của tất cả những gì gây ra cho Pakistan.

Hiện trường kinh hoàng vụ rơi máy bay tại thành phố Karachi. Ảnh: AFP

Hôm 24-6, báo cáo về vụ tai nạn của chiếc Airbus A320 của PIA ở thành phố Karachi hôm 22-5 được đệ trình lên Phòng Hàng không và Thủ tướng Imran Khan. Báo cáo cho thấy, nguyên nhân của vụ tai nạn, khiến 97 người thiệt mạng, là do “lỗi của con người” - một phát hiện gần như đã được dự báo trong hầu hết các thảm họa máy bay ở Pakistan.

Trình bày báo cáo điều tra ban đầu tại Quốc hội, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwa cho biết, các phi công cũng như các nhân viên kiểm soát không lưu đã không tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn, dẫn tới tai nạn. Theo ông Sarwa, các phi công đã mất tập trung khi liên tục nói chuyện về dịch Covid-19, trong lúc điều khiển máy bay hạ cánh xuống sân bay Karachi. Ông khẳng định máy bay hoàn toàn đủ điều kiện cất cánh và “không có lỗi kỹ thuật” nào được ghi nhận. 

PIA hiện đã chứng kiến 10 vụ tai nạn lớn, bên cạnh nhiều sự cố khác khiến mạng sống hành khách bị đe dọa. Năm ngoái, một chiếc ATR-42 của PIA trượt khỏi đường băng trong một nỗ lực hạ cánh ở Gilgit, và một chuyến bay trên đường đến Jeddah đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Lahore. Các cáo buộc buôn bán ma túy và buôn lậu liên quan đến nhân viên của PIA cũng thường xuyên được báo cáo.

Đối với những người thường xuyên theo dõi PIA, điều mà họ cảm thấy khó chịu nhất từ những sự cố này là sự thiếu minh bạch. Điều này được phản ánh rõ hơn khi xem xét vấn đề tài chính của PIA. Tính đến ngày 30-6-2019, Tổng nợ của PIA, được báo cáo là 400 tỷ rupee Pakistan. Con số đó đang tiến gần đến mốc 500 tỷ rupee, với việc hãng hàng không hiện báo lỗ 6,3 tỷ rupee mỗi tháng. Mặc dù đã cố gắng giảm tổn thất trong những tháng gần đây, nhưng lỗ hổng lâu đời của PIA đã xuất hiện trở lại khi đại dịch Covid-19 tấn công ngành hàng không toàn cầu.

Đối với nhiều người, PIA là một mô hình thu nhỏ của tất cả những gì đang diễn ra tại Pakistan.

Nhiều vấn đề

Sự kiểm soát bá quyền của quân đội đối với đất nước được phản ánh rõ tại PIA. Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan (PCAA) đang bị các cựu quan chức của Không quân Pakistan (PAF) thống trị, với lĩnh vực hàng không được coi là nhà nghỉ hưu cho quân nhân. Nhiều sự bổ nhiệm mờ ám đã diễn ra khi các đảng chính trị đã “khen thưởng” cho nhân viên của họ bằng việc bổ nhiệm cho nhưng người này các vị trí trong PIA.

Kết quả là, hãng hàng không quốc gia Pakistan đang thua lỗ hàng tỷ đồng, trong khi số lượng nhân viên quá đông. PIA trở thành hãng hàng không có tỷ lệ nhân viên trên số máy bay cao thứ hai trên thế giới,  sau Syrian Air. Hiện nay, PIA có hơn 14.000 nhân viên cho một phi đội gồm 30 máy bay. Trong khi đó,  Emirates có khoảng 60.000 nhân viên cho 300 máy bay trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Air India đã giảm tỷ lệ nhân viên trên máy bay từ 300 xuống 108 vào năm 2015, trong khi tỷ lệ này của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức dưới 100.

“Vấn đề chính của PIA là có ít máy bay nhưng nhiều thành viên phi hành đoàn. Có gần 500 nhân viên cho một máy bay; có nghĩa là cần 50 người để tổ chức một chuyến bay. Vì vậy, cần phải thu hẹp quy mô”, ông Salman Shah, cố vấn tài chính cho chính phủ Pakistan, nhận xét. “Cho dù có quan hệ đối tác công tư trong tương lai, hay tư nhân hóa, vấn đề chính trị trong PIA cần phải được loại bỏ trước tiên”, ông Shah nói thêm.

Các nhà quan sát cho rằng, sự bảo trợ của các nhà lãnh quyền lực đối với PIA được thể hiện rõ ở việc hãng hàng không này đã tuyển nhân viên không có bằng cấp. Chỉ trong 5 năm qua, đã có 466 nhân viên PIA bị kết tội giả mạo bằng cấp. Bên cạnh “sự xâm phạm của” các lực lượng vũ trang, và sự chiếm đoạt của các đảng chính trị, ngành tư pháp cũng đóng vai trò của nó trong cuộc khủng hoảng của PIA. Điều này được nhấn mạnh bởi thực tế là hàng trăm nhân viên PIA đã bị kết án phạm tội nghiêm trọng vẫn tìm được đường trở lại làm việc tại hãng hàng không.

PIA có được cứu?

Các chuyên gia cho rằng, các “nhân tố” dẫn đến cuộc khủng hoảng của PIA sẽ có một cam kết để cứu vãn hãng hàng không quốc gia Pakistan. Khi các cuộc tranh luận về các cải cách cần thiết cho PIA, hoặc liệu hãng hàng không có nên được tư nhân hóa hoàn toàn, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về ý kiến của các bên liên quan để đưa ra các quyết định cần thiết.

“Chúng ta có thể hợp tác công tư. Cũng giống như Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc sở hữu một nửa của Thổ Nhĩ Kỳ và một nửa thuộc khu vực tư nhân. Và nó đang phát triển thành một hãng hàng không thực sự tốt”, ông Salman gợi ý. Theo ông Shah, thu hẹp quy mô của PIA, cũng là điều cần thiết? “Chúng ta phải làm điều đó. Không có lựa chọn nào khác. Chúng ta không còn tiền để hỗ trợ PIA”, ông Shah nói. Tuy nhiên, ông Tahir Imran Mian nói rằng, có nhiều rào cản trên con đường tư nhân hóa PIA. PIA đã biến thành một Cty tư nhân thông qua một đạo luật của Quốc hội. Trong quá trình đó, tất cả các đảng chính trị đều đồng ý rằng đối với bất kỳ thay đổi nào, Quốc hội phải được hỏi ý kiến. “Đối với tình trạng của PIA, bạn có tin các báo cáo tài chính của PIA không? Tôi không tin”, ông Mian nói. “Có bao nhiêu khoản nợ phải trả cho PIA? Bao nhiêu ở Pakistan, bao nhiêu ở bên ngoài? Liệu có ai quan tâm đến việc mua PIA hay không?”, ông Mian nói thêm.

AN BÌNH