Tương lai nào cho Hồng Kông?
(Cadn.com.vn) - Làn sóng biểu tình ở Hồng Kông đang từng ngày đe dọa nền kinh tế lấp lánh của Hồng Kông, cũng như của toàn Trung Quốc.
Dù nhận được nhiều cảm thông, chiến dịch biểu tình "Chiếm trung tâm" lần này gây ra sự gián đoạn trên diện rộng và gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp địa phương. Ngoài các cửa hàng buôn bán, các trụ sở ngân hàng... phải đóng cửa, nhiều trường tiểu học và mẫu giáo ở trung tâm cũng chịu chung cảnh tương tự trong ngày 6-10.
Tuy nhiên, theo AFP, biểu tình đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi các lãnh đạo sinh viên đang bị chia rẽ trong quyết định nên rút lui hay tiếp tục xuống đường khi thời hạn chót mà Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh đưa ra hết hạn vào cuối ngày 6-10. Ông Lương, người nhận được 689 số phiếu bầu chọn từ ủy ban bầu cử 1.200 người vào năm 2012, ban hành cảnh báo đáng lo ngại nếu các cuộc biểu tình không là kết thúc.
Đáp lại, người biểu tình khẳng định, chỉ cần ông Lương cam kết từ chức là mọi chuyện có thể giải quyết từ từ, tức là người biểu tình sẵn sàng đàm phán. Ngoài ra, người biểu tình, vốn cáo buộc cảnh sát thất bại trong việc bảo vệ họ khỏi làn sóng bạo lực của giới tội phạm, yêu cầu phải điều tra vụ việc kỹ lưỡng, mới đồng ý đàm phán.
Khả năng ông Lương đồng ý từ chức là khó xảy ra, nhất là sau khi nhà lãnh đạo này nhấn mạnh "cần phải nhanh chóng khôi phục trật tự xã hội". Trước tình hình này, giới phân tích cho rằng, chính quyền Trung ương sẽ phải ra tay, song không phải là khả năng dùng quân đội trấn áp biểu tình.
Nhiều khả năng, Chủ tịch Tập Cận Bình có kế hoạch cử phái viên đến Hồng Kông nhằm ổn định tình hình. Nhiều người cho rằng, phái viên này có thể thay thế ông Lương nắm quyền điều hành tạm thời ở đặc khu này, đặc biệt là khi đang bùng lên nhiều chỉ trích ông Lương xử lý mọi việc thiếu mềm dẻo.
Nhân vật được "chọn mặt gửi vàng" lần này được cho là Phó Thủ tướng Uông Dương, 59 tuổi, từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Theo nhiều nguồn tin, gần 2 tuần trước khi bùng nổ biểu tình Hồng Kông, ông Uông Dương có chuyến đi đến tỉnh Quảng Đông, tiếp giáp Hồng Kông nhằm nắm bắt tình hình ở đặc khu này.
Nếu điều này xảy ra, đây là lần thứ hai, chính quyền Trung ương buộc phải nhượng bộ người biểu tình ở Hồng Kông. Ông trùm tàu thủy Tung Chee-hwa, lãnh đạo Hồng Kông đầu tiên kể từ khi khu vực này trở về với Trung Quốc, buộc phải từ chức năm 2005 trong bối cảnh không được lòng người dân.
Thanh Văn