Ukraine: "Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm"

Thứ hai, 28/12/2015 08:52

(Cadn.com.vn) - Ukraine đã nhìn thấy những tia sáng của hy vọng để từng bước đi ra khỏi cuộc khủng hoảng bùng nổ từ đầu năm 2014. Thực tế, cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế sâu sắc bám chặt Ukraine trong 2 năm nay đang dần được nới lỏng khi cuộc xung đột ở miền đông phần nào lắng xuống trong khi nền kinh tế nhìn thấy tia ánh sáng hồi phục. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi đến ổn định quốc gia.

Khi bàn đàm phán hòa bình bắt đầu hình thành. Mặc dù 2015 vẫn là năm khó khăn cho Ukraine, các nỗ lực ngoại giao quốc tế để giải quyết tình hình mang lại một số kết quả tích cực. Hồi  tháng 2, các nhà lãnh đạo của Ukraine, Nga, Đức và Pháp đạt thỏa thuận ngừng bắn Minsk, cung cấp lộ trình 12 điểm rõ ràng để giải quyết cuộc xung đột đã khiến hơn 9.000 thiệt mạng. Dù thỏa thuận này đã không được thực hiện đầy đủ và con đường đi cũng không dễ dàng, một nền hòa bình được dự đoán ở đông Ukraine đang đến khi các khu vực bất ổn dọc tiền tuyến hầu như yên ắng và những người tị nạn lục tục trở về.

Tất nhiên, còn quá sớm để nói về khả năng kết thúc chiến tranh nhưng rõ ràng đã có sự an toàn nhất định khi một lệnh ngừng bắn lâu dài đang được thiết lập. Mới đây, giới phân tích cho rằng, theo các kịch bản thực tế nhất, việc giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine có thể phải mất từ 3 - 5 năm.

Tuy nhiên,  vẫn còn nhiều tranh cãi. Dù căng thẳng đã giảm, nguy cơ xung đột vũ trang vẫn còn khi các bên không tìm thấy điểm chung về số phận tương lai của khu vực do phe nổi dậy chiếm giữ. Ngoài ra, các bên cũng bất đồng về việc rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến, và đặc biệt là việc liệu Kiev có giành lại quyền kiểm soát biên giới Ukraine khi thỏa thuận Minsk sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới.  Triển vọng  sớm chấm dứt xung đột càng mờ dần khi chính phủ Ukraine quyết định tăng chi tiêu quân sự trong năm tiếp theo đến 5%GDP  trong nước, mức cao kỷ lục nhất trong lịch sử nước này.

Và những khó khăn về chính trị và kinh tế. Thực hiện cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng, kết thúc cuộc xung đột và cải thiện phúc lợi là những cam kết chính của chính quyền thân phương Tây, lên nắm quyền vào năm 2014 sau cuộc đảo chính gây chỉ trích. Tuy nhiên, các cam kết không được thực hiện đầy đủ và một trong những lý do chính là do bất đồng trong các tầng lớp cầm quyền. Cũng như những năm trước, các phe phái ở Ukraine luôn tìm cách để đạt được lợi thế chính trị riêng, thay vì đoàn kết để phát triển đất nước.

Trước hết, chiến thuật này được áp dụng để giải quyết các cuộc xung đột ở Donetsk và Lugansk, có lẽ là vấn đề lớn nhất của Ukraine ở giai đoạn hiện nay. Trong khi Tổng thống Petro Poroshenko và các đồng minh  đề xuất  giải quyết cuộc xung đột thông qua việc cấp tình trạng đặc  biệt cho các khu vực bất ổn, vốn được quy định trong hiến pháp, 3 đảng khác tại Quốc hội lớn tiếng bác bỏ, nói rằng việc thúc đẩy quyền tự chủ của các khu vực xung đột sẽ "tàn phá đất nước". Những căng thẳng nhấn mạnh sự khó khăn trên con đường thực hiện thỏa thuận Minsk.

Chính phủ và Quốc hội còn bất đồng về một loạt các cải cách kinh tế, như sửa đổi mã số thuế, biện pháp thắt lưng buộc bụng cho năm tiếp theo, cải cách ngành năng lượng và thay đổi các quy định kinh doanh. Những bất đồng về cải cách thuế và dự toán ngân sách năm 2016 dẫn đến việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chậm trễ giải ngân đợt viện trợ thứ 3 cho Ukraine. Và nếu tiếp tục như vậy, nước này có nguy cơ mất tất cả các hỗ trợ tài chính từ các nhà cho vay quốc tế.

Thanh Văn