Vàng - máu & nước mắt (7)

Thứ hai, 21/04/2014 13:04

* Kỳ 7: NƠI "VÀNG TẶC" HOÀNH HÀNH

(Cadn.com.vn) - Không nóng như miền tây xứ Quảng, nhưng ở huyện miền Tây Xứ Nghệ - Quế Phong, nạn “vàng tặc” cũng đang hoành hành dữ dội. Những ngày đầu hè nóng bỏng, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có chuyến thâm nhập thực tế để chứng kiến tình trạng khai thác vàng trái phép tại hai xã Quang Phong và Cắm Muộn thuộc H. Quế Phong. Dưới bàn tay của “vàng tặc”, núi rừng, sông suối nơi đây đang bị cày xới tan tành, xác xơ...

MÓC “RUỘT” SÔNG QUÀNG

Dòng sông Quàng chạy qua địa bàn 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn được biết đến với rất nhiều trữ lượng vàng. Hằng năm, có hàng ngàn người với máy móc hiện đại vào đây khai thác suốt ngày đêm, khiến cho môi sinh môi trường bị ô nhiễm nặng, trật tự trị an của địa phương cũng bị đảo lộn. Còn nhớ, tháng 4-2013, các cơ quan chức năng Nghệ An thành lập đoàn công tác 136, ra quân truy quét và đã đẩy đuổi hơn 1.000 “vàng tặc” ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, những ngày này, “vàng tặc” lại tiếp tục tung hoành.

Để có thông tin và tiếp cận được các bãi vàng, chúng tôi đã mất không ít công sức thuyết phục và “bồi dưỡng” để nhờ chị V.H - người bản địa dò hỏi từ các thương lái chuyên cung cấp lương thực thực phẩm, rượu, thuốc men cho các phu vàng. Từ đó, kế hoạch xâm nhập mới được bắt đầu. Từ TT Kim Sơn, phải mất gần 30km đường rừng với đèo dốc quanh co khúc khuỷu để qua được các xã Châu Thôn, xã Cắm Muộn. Cuối cùng, điểm chúng tôi cần tới là bản Nậm Xái, xã Quang Phong.

Theo ghi nhận của chúng tôi khi bước vào bản Nậm Xái là hình ảnh dòng nước đục ngầu len lỏi chảy ra từ các khu đồi, tiếng máy nổ vọng ra nghe ù ù như tiếng phản lực. Nhờ một người bản địa Nậm Xái dẫn đường, chúng tôi tiếp cận được đoạn sông đang bị “móc ruột”. Không chỉ một mà là hàng chục tốp thợ đang hì hục khai thác vàng trái phép bằng máy hút “Dong Fong”. Dưới những cái nhìn về người lạ rất dè chừng, anh Lô Văn Tình - một “vàng tặc” giải thích: “Bọn em mới làm thôi. Rảnh rỗi nên mấy anh em trong bản góp tiền mua máy hút về để khai thác vàng, kiếm ít tiền mua gạo nuôi vợ con thôi cán bộ à!”.

Một tốp thợ đang khai thác tại khe Quờ.

Tiếp tục cuộc hành trình tới bản Páo theo chỉ dẫn - đây là khu vực khai thác của một đội quân do người đàn ông tên Duẩn làm chủ. Điều đáng nói là nhóm khai thác trái phép này chỉ hoạt động cách đường lớn chưa đầy 100m, cách UBND xã Quang Phong chưa đầy 3km nhưng các cơ quan chức năng từ Ban cán sự xóm bản đến chính quyền xã đều không hay biết. Con sông Quàng thơ mộng nay đã bị nắn dòng xiêu vẹo, một bãi bồi rộng mênh mông với vô số phu vàng đang hì hục đào, đãi trong tiếng máy nổ inh ỏi. Thấy người lạ xuất hiện, một tốp chừng 10 người ngừng đào bới, máy nổ cũng được tắt để dò xét. Khi được đặt câu hỏi: “Các anh có hay bị chính quyền xuống kiểm tra, đẩy đuổi không?”, họ đều khẳng định: “Bọn em làm quy mô nhỏ, với lại, tất cả đều là người trong bản nên họ cũng tạo điều kiện cho làm...”.

Cùng chung “số phận” như ở bản Nậm Xái và bản Páo, cảnh tượng tan hoang ở khúc sông Quàng, đoạn qua bản Có Hướng cũng tan hoang không kém. Tại đây, có 2 máy múc hoạt động liên tục đã mấy tháng nay. Được biết, 2 máy múc này của một doanh nghiệp ở TP Vinh lên, họ đã mua lại nhiều mảnh ruộng của người dân với giá hàng trăm triệu đồng để tiến hành khai thác vàng trái phép. “Cả khúc sông và bãi bồi bên sông đều tan hoang. Một số diện tích ruộng bị sạt lở, sông bị thay đổi dòng chảy, nước bị ô nhiễm nặng là hệ quả của việc khai thác vàng trái phép ở bản chúng tôi. Rứa mà chính quyền xã cũng không có động thái nào” - chị Vi Thị Hồng (trú bản Có Hướng) phản ánh.

Dòng sông Quàng bị “vàng tặc” đào xới.

“VẾT THƯƠNG” BẢN CẮM

Cũng giống như ở xã Quang Phong, tại xã Cắm Muộn tình trạng khai thác vàng trái phép chưa bao giờ được ngăn chặn triệt để, nhất là tại “rốn vàng” bản Cắm. Vượt cầu treo Cắm Muộn, đi khoảng một giờ đồng hồ là vào đến bản Cắm. Có mặt tại đây, ghi nhận đầu tiên là cảnh tượng sông suối tan hoang, dòng nước đục ngầu với những hầm hố nham nhở, chằng chịt khắp các cánh đồng, khe suối. Được biết, tại khu vực này có 6 - 7 tổ với hàng chục người đang ngày đêm khai thác vàng trái phép dọc khe từ bản Cắm đến sông Quàng.

Theo một người dân ở bản Cắm cho biết, tình trạng khai thác vàng tại khu vực khe Quờ diễn ra từ nhiều năm trước với quy mô ngày càng lớn, dù lực lượng chức năng từ xã đến huyện rồi tỉnh đã nhiều lần lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nhưng nó chỉ lắng xuống vài ngày, song rồi đâu lại vào đấy. “Ở đây nhà nhà làm vàng, người người làm vàng. Ruộng nương thì ít, hơn nữa dân ở đây bán và phá cả ruộng nhà mình để làm vàng. Gần như họ chẳng làm gì khác ngoài quanh năm đi đào vàng. Tôi đi làm từ đầu năm đến giờ nhưng cũng chẳng được bao nhiêu” - một người dân bản Cắm giãi bày.

Một góc bản Cắm.

Đi dọc khe Quờ để thị sát các lán trại cùng những tốp khai thác vàng trái phép. Chúng tôi tiếp cận một tốp thợ chừng 20 người đang làm việc cùng với nhiều máy hút, họ là người dân bản Cắm, tự góp tiền mua máy móc rồi đi làm vàng trái phép tại đấy. “Ta không có việc làm, ruộng thì ít nhưng lại có nhiều vàng dưới đất nên thấy họ làm ta cũng đi làm thôi. Ở đây dân chỉ làm vàng để kiếm sống thôi” - anh Lữ Văn Toán nói.

Tiếng máy móc gầm rú inh ỏi, hình ảnh công trường khai thác vàng trái phép tấp nập công khai khắp các khe suối, xóm làng. Dường như tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây được xem như “chuyện thường ngày ở huyện!”. Tình trạng sạt lở đất, mất ruộng sản xuất, và đặc biệt là hậu quả về ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng. Đại ngàn đang dần hoang tàn vì “vàng tặc” lộng hành.

Phóng sự: Xuân Sơn
(còn nữa)