Về quê ăn Tết
(Cadn.com.vn) - Một năm đầy những tất bật, lo toan, có cả những niềm vui hay sóng gió rồi cũng khép lại. Bỏ qua những tất bật thường ngày, giờ là khoảng thời gian quý giá trong năm để người ta sống chậm lại, về với gia đình, tận hưởng những ngày sum họp đầm ấm bên người thân. Từ công sở, khu công nghiệp, trường đại học, bến xe, nhà ga, cụm từ “về quê” sao đỗi thiêng liêng. Trên những con đường làng, cổng chợ quê, từng ngõ xóm hay trong mỗi căn bếp ấm áp, “mùi vị” Tết như chạm vào sâu thẳm hồn người.
Năm qua sóng gió cũng nhiều. Trên núi, thủy điện xả lũ ào ạt khiến nhiều làng quê xơ xác. Phía biển, sự cố ô nhiễm môi trường làm những ngư phủ ăn sóng nói gió một thời gian dài nhớ biển quay quắt, sinh kế tưởng chừng bị đe dọa. Nhiều sự kiện đáng quên bắt đầu “đúng quy trình” và kết thúc bằng lời xin lỗi. Song như quy luật của con tạo, cuộc sống vẫn được cân bằng bởi những câu chuyện ấm lòng, những giá trị cuộc sống cũng được bồi đắp. Trong tận cùng khó khăn, con người rộng vòng tay che chở cho nhau, sưởi ấm lòng nhau bằng những việc làm giản dị nhưng thiêng liêng nghĩa đồng bào. Không thể quên được những cô giáo ngâm mình giữa dòng nước xiết để bảo vệ những học trò nhỏ bé với lời thề “thà cô chết chứ không để trò chết”. Cũng sẽ nhớ mãi anh chàng MC điển trai, những nhà báo, các nhà hảo tâm quyên góp tiền tỷ, rong ruổi vể những làng quê nghèo mua cho người dân từng con bò, trao sổ tiết kiệm, tặng sinh kế cho người dân đứng dậy sau lũ dữ. Làng quê nghèo khó được hồi sinh không chỉ vì cây cối tốt tươi hay mái nhà được dựng lại, mà ở đó còn là vòng tay bao dung, nghị lực phi thường của con người.
Giới showbiz vốn lắm thị phi với những mối tình 72-27 hay tạo scandal đánh bóng tên tuổi thì vẫn còn đó câu chuyện “cô gái tên Tâm, người Đà Nẵng” chen qua dòng người, chạy lên sân khấu ngoài trời hát cùng chàng trai khiếm thị sưởi ấm đêm đông lạnh giá. Cạnh những ca sĩ tự phong chảnh choẹ dưới ánh đèn màu, vẫn còn những anh chàng bỏ dở bữa ăn đêm lao vào đám cháy cứu người. Cuộc sống vẫn còn những ước mơ dang dở nhưng để lại cho ta những khát vọng để sống tốt hơn, như cậu bé bụ bẫm với ước mơ làm cảnh sát giao thông hay nữ chiến sĩ công an mỉm cười nhường cơ hội chữa bệnh hiểm nghèo cho đứa con bé bỏng...
Có nhiều điều nên quên nhưng có những điều phải nhớ. Có những người đi giữa chợ hoa lại thèm cảm giác ngồi trên chuyến xe băng qua những cánh đồng bạt ngàn về trong vòng tay mẹ. Mua cặp bánh chưng lại nhớ bếp lửa hun nhèm đôi mắt. Vào siêu thị nhớ cảnh chen chúc, ướt át của chợ quê. Tất bật sắm sang lại thèm vùi mình trong chăn sáng mùng Một tết. Cổng trường Đại học đã đóng im lìm, hàng nghìn sinh viên đã nhảy xe về tết. Chị bán báo dạo ráng thêm một vài ngày cuối năm rồi cũng hối hả tạm biệt thị thành. Công nhân cũng theo những chuyến xe “Tết sum vầy” tạm rời xa nhà xưởng. Cả những người sinh ra ở phố thị, sau những lễ nghi trong mái ấm nhỏ, rồi cũng muốn về quê. Cũng có những người con tha hương, muốn lắm nhưng không được...
So với những công việc mà người lao động xa xứ làm cả năm thì việc nấu nồi bánh chưng, sắp mâm ngũ quả, tỉa hàng hoa trước cổng nhà, nấu nồi xôi chẳng có gì là nặng nhọc. Vậy mà gia đình nào cũng “huy động” cả mấy thế hệ xúm vào tíu tít, phân công nhiệm vụ rộn cả xóm làng. “Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui hơn tết đoàn viên” là vì thế!
Tạp bút: Công Khanh