Vì sao 4 hộ dân bị sập nhà ở Hội An chưa được hỗ trợ từ chính quyền địa phương?

Thứ hai, 09/10/2023 09:39
Gần 1 năm bị xâm thực biển làm sập nhà, 4 hộ dân tại khối Thịnh Mỹ (P. Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam) phải thuê nhà ở, “sống tạm” tại khu vực sạt lở, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ dân phản ánh, chính quyền địa phương chưa có chính sách hỗ trợ, giúp các hộ dân sớm an cư.
Dù khó khăn, nhưng 4 hộ vẫn cố vay mượn hơn 500 triệu đồng để kè đá giữ đất của gia đình.
Dù khó khăn, nhưng 4 hộ vẫn cố vay mượn hơn 500 triệu đồng để kè đá giữ đất của gia đình.

Do ảnh hưởng của 2 đợt gió mùa đông bắc vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, sóng biển xâm thực mạnh vào đất liền khiến 4 căn nhà của 4 hộ dân: Nguyễn Long (1979), Nguyễn Văn Phụng (1981), Nguyễn Thị Loan (1983) và Nguyễn Thị Hường (1987), là anh em ruột tại khối Thịnh Mỹ bị đổ sập. Không còn nơi ở, anh Long, anh Phụng và chị Hường phải đi thuê nhà ở, còn chị Loan sửa lại phòng khách chưa bị sập sống tạm.

Anh Phụng chia sẻ, trước năm 1975, ông Nguyễn Thì (ông nội anh Phụng) sinh sống tại đây và được cấp 689 m2 đất thổ cư. Sau khi ông Nguyễn Tám (cha anh Phụng) lập gia đình thì xây căn nhà khác trên diện tích đất của ông Thì. Năm 1993, bờ biển xuất hiện sạt lở, do đó chính quyền địa phương di dời các hộ dân vào đường Lạc Long Quân (P.Cẩm An). Lúc này, hộ ông Tám được đi dời về nơi ở mới, được cấp 200m2 đất ở, còn ông Thì không đồng ý di dời do bờ biển còn cách gần 300m không gây nguy hiểm. Gia đình ông Tám con đông nên để anh Long, anh Phụng, chị Loan, chị Hường sống với ông Thì. Sau đó, họ lập gia đình và xây dựng nhà ở trên đất của ông Thì.

Cuối năm 2020, xâm thực biển làm sạt lở gần nửa căn nhà anh Phụng. Lúc đó, anh Phụng gửi đơn xin UBND P.Cẩm An và UBND TP Hội An cho tự kè biển để giữ đất, bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, UBND TP trả lời rằng các hộ dân xây dựng nhà trái phép tại khu vực đất đã được thu hồi nên không đồng ý. Do không được kè chắn nên cuối năm 2022 và đầu năm 2023, sóng biển làm đổ sập cả 4 căn nhà, cuốn trôi đồ đạc, tài sản của họ với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Bờ biển cũng “ăn” sát nhà 2 hộ ông Trần Minh Hà và Lê Văn Biết gần đó. Các hộ dân tiếp tục làm đơn xin kè bờ biển nhưng vẫn không được UBND TP đồng ý. Lo sợ mùa mưa năm nay đất đai của gia đình sẽ bị biển “nuốt chửng”, 4 hộ dân bị sập nhà vay mượn hơn 500 triệu đồng tự ý kè đá để giữ lại một phần đất của gia đình. Ông Hà và ông Biết cũng kè mềm bờ biển mất gần 500 triệu đồng để giữ đất.

“Địa phương mới giải quyết di dời cho cha tôi, còn ông nội tôi vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền địa phương cho rằng 4 anh em tôi xây dựng trái phép trên đất ông nội theo tôi là không đúng. Gia đình đã nhiều lần kiến nghị lên TAND thị xã Hội An (nay là TAND TP Hội An) và TAND tỉnh Quảng Nam nhưng không được giải quyết. Tài sản bị biển cuốn trôi, gần 1 năm qua, gia đình phải thuê nhà ở, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”- anh Phụng chia sẻ.

Dẫn chúng tôi ra căn nhà bị sập, chị Hường buồn bã kể: “Chỉ sau 1 đêm, căn nhà, đồ đạc của gia đình tôi trị giá hơn 1 tỷ đồng đã đổ sập xuống biển. Không còn nơi ở, vợ chồng tôi thuê căn nhà 2 triệu đồng/ 1tháng cùng 2 đứa con sinh sống. Lúc trước tôi buôn bán tại nhà, nay không còn nhà nên thất nghiệp. Chồng tôi làm lái xe, vừa phải lo tiền thuê nhà, vừa lo chi tiêu trong gia đình, con ăn học, cuộc sống rất chật vật. Từ lúc 4 căn nhà bị sập, chính quyền địa phương chưa đến động viên, cũng chưa có bất kỳ hỗ trợ gì”.

Còn căn phòng của gia đình chị Loan rộng khoảng 5m2 vừa là nơi buôn bán shop vải, vừa là chỗ trú ngụ của 3 mẹ con. Ban ngày, chị Loan bày bán vải, đến tối thì dọn dẹp bàn ghế lót chiếu 3 mẹ con ngủ. Để có chỗ nấu ăn, vệ sinh, vợ chồng chị Loan dựng tạm một phòng trên mảnh đất trống bên nhà. “Sóng biển đã phá hỏng của tôi 1 nhà hàng, 1 shop vải và hơn nửa căn nhà, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi cải tạo phòng khách chưa bị sập ở, để tiết kiện tiền cho con cái ăn học”- chị Loan tâm sự.

Theo các hộ dân, nguyên nhân khiến khu vực này bị xâm thực mạnh mấy năm gần đây là do dự án kè ngần chắn sóng làm thay đổi dòng chảy. Các hộ dân mong muốn, sau khi hoàn thành dự án kè bờ biển, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ xây dựng lại căn nhà để ở, hoặc hỗ trợ đất tái định cư để di dời đi.

Liên quan đến vụ việc, ông Đinh Dũng – Chủ tịch UBND P.Cẩm An cho rằng, chính quyền địa phương thực hiện việc thu hồi đất tại khu vực này đúng theo quy định pháp luật. 4 hộ dân đã xây dựng nhà trái phép trong khu vực bị sạt lở, do Nhà nước quản lý. Do đó, địa phương không cho phép các hộ dân xây lại nhà trong khu vực này. Còn ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin, các hộ dân có nguyện vọng được bố trí nơi ở mới thì làm đơn gửi UBND TP Hội An xem xét, giải quyết dựa trên cơ sở đúng quy định pháp luật.

Lê Vương