Vụ hủy hoại hàng trăm héc-ta rừng tại Quỳ Hợp, Nghệ An: Nhiều cán bộ bị kỷ luật
Liên quan đến vụ phá, đốt rừng khoanh nuôi, tái sinh để trồng mới cây keo nguyên liệu tại địa bàn xã Nam Sơn và Bắc Sơn (H. Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã họp và quyết định xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với 10 đảng viên mắc sai phạm.
Hàng chục héc-ta rừng khoanh nuôi, tái sinh bị chặt phá và đốt. |
Trước đó, khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3-2017, một số người dân phát hiện nhiều diện tích rừng ở xã Nam Sơn, H. Quỳ Hợp bị phát trắng nên trình báo cơ quan chức năng. Nhận được thông tin này, lực lượng chức năng H. Quỳ Hợp đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đã điều tra, đánh giá, phân loại rừng nhằm xác định mức độ thiệt hại do phát, đốt rừng tại xã Nam Sơn. Tại đây, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện tình trạng đốt, phá rừng tại xã Bắc Sơn cũng đã xảy ra.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2010 - 2016, tại địa bàn xã Nam Sơn có 13 hộ đã chuyển nhượng bất hợp pháp hơn 65ha đất rừng được giao quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh (thuộc nhóm 2B, 2A, 1C) theo Nghị định 163 của Chính phủ. Số diện tích đất rừng này sau khi được chuyển nhượng đã bị một số người dân đốn hạ, phát trắng để trồng mới cây keo lai thay thế rừng tự nhiên, trong đó xã Nam Sơn có 65ha, còn xã Bắc Sơn có 36ha bị đốn hạ gây bất bình trong dư luận.
Tuy nhiên, những hộ dân trực tiếp nhận diện tích đất rừng để bảo vệ này lại cho rằng việc khai thác, trồng mới cây keo nguyên liệu là quyền của các hộ gia đình. Thực tế này cho thấy sự thiếu hiểu biết của các hộ dân được giao quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, đồng thời cũng thể hiện sự buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát, trong đó có việc xem nhẹ công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Thanh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp: Trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn đó là chưa đi sâu đi sát với chính quyền địa phương, chưa sát với chủ rừng và chưa làm tốt công tác tuyên truyền thường xuyên, nên đã để xảy ra hậu quả nghiêm trọng này.
Ngày 17-8, Cơ quan CSĐT CAH Quỳ Hợp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Hủy hoại rừng”. CAH Quỳ Hợp, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp cũng đã họp và thống nhất đề xuất ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cách chức các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Tiến Cảnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo H. Quỳ Hợp và 9 đảng viên khác để điều tra sự việc. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã cách chức các chức vụ trong Đảng đối với 2 Bí thư Đảng ủy 2 xã Bắc Sơn, Nam Sơn và 5 cán bộ chủ chốt khác của xã Nam Sơn như Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng CAX Nam Sơn. Bên cạnh đó, Huyện ủy Quỳ Hợp cũng cách chức các chức vụ trong Đảng đối với 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ H. Quỳ Hợp. Nguyên nhân cách chức 10 đảng viên trên là do những cán bộ này có vi phạm pháp luật trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng trái phép trước đó được Nhà nước giao theo Nghị định 163 của Chính phủ.
Số gỗ được “tuồn” qua khe suối. |
Ông Hồ Lê Ngọc - Bí thư Đảng ủy H. Quỳ Hợp cho biết, số diện tích bị chặt phá, chuyển đổi khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều là rừng nghèo kiệt, rừng sản xuất. Những chủ rừng, cán bộ có rừng đã tự ý chuyển diện tích rừng khi chưa được sự cho phép là sai. Giai đoạn 1 huyện sẽ xử lý 10 đảng viên đang giữ chức vụ. Sau đó huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý các đảng viên khác. Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp không chờ kết quả cuối cùng của CA mà xác định cán bộ đảng viên có vi phạm đủ căn cứ để xử lý kỷ luật về Đảng thì tiến hành xử lý kỷ luật trước.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND H. Quỳ Hợp cho biết:“Đất ở đây được giao cho dân theo Nghị định 163, và rừng ở đây là rừng khoanh nuôi tái sinh, trong đó có một số diện tích thuộc nhóm 2B, nghĩa là đã có trữ lượng gỗ, nên giao cho dân là để quản lý, bảo vệ, không được khai thác. Nếu sau này đến thời kỳ tận dụng khai thác phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền, hơn nữa phải có thiết kế và được phê duyệt mới được khai thác”.
Vấn đề đáng nói, trong số đối tượng bị phát hiện tham gia chặt phá rừng tự nhiên trên diện tích đất rừng được giao theo Nghị định 163 có cả một số cán bộ của H. Quỳ Hợp. “Hiểu biết pháp luật hơn dân, đáng ra phải làm gương, nhưng cán bộ lại vi phạm, nên người dân làm theo. Vì vậy, quan điểm của huyện, đối với người dân thiếu hiểu biết pháp luật, do điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi có đất, có rừng, nhưng không có thu nhập thì có thể xử lý hành chính. Riêng nếu có cán bộ tham gia sẽ xử lý nghiêm để làm gương. Hiện CQĐT CAH Quỳ Hợp đang tích cực thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi tố bị can, xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Đình Tùng cho biết thêm.
D.H