Bóng ma chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên

Thứ ba, 15/08/2017 14:26

Việc Triều Tiên bất ngờ triệu đại sứ tại các nước lớn trở về nước để tham dự một cuộc họp chung làm dấy lên nhiều câu hỏi đáng lo ngại xung quanh cuộc khẩu chiến gay gắt đang bùng nổ giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, Triều Tiên lại gây náo động khi triệu tập đại sứ tại các nước lớn về Bình Nhưỡng.

Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch tấn công cùng lúc 4 tên lửa nhằm vào đảo Guam của Mỹ. Ảnh: Reuters

Vì sao Triều Tiên triệu hồi các đại sứ về nước?

Yonhap ngày 14-8 dẫn lời một quan chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên triệu các đại sứ về nước dường như để tổ chức một cuộc họp những người đứng đầu phái bộ ngoại giao ở nước ngoài. Cuộc họp này có sự góp mặt của các đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, LHQ và Nga, nhưng hiện chưa rõ có bao nhiêu đại sứ tham dự.

Nhận định về cuộc họp này, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho rằng, đây có thể là một phần cuộc họp thường kỳ của các đại sứ Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, có khả năng cuộc họp này là nhằm thảo luận cách thức đối phó với tình hình quốc tế khó khăn mà Triều Tiên đang gặp phải. Cũng có đồn đoàn rằng, cuộc họp cũng có thể liên quan đến các bước chuẩn bị cho kế hoạch như một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa tiếp theo.

Triều Tiên hồi tuần trước tuyên bố có kế hoạch tấn công cùng lúc 4 tên lửa nhằm vào đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng này và trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong-Un phê duyệt trong những ngày tới. Mỹ đã gay gắt đáp trả. Trong tuyên bố đưa ra hôm 14-8, Hàn Quốc cũng khẳng định sẵn sàng cùng Mỹ giáng trả nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa bắn tên lửa vào vùng biển gần đảo Guam. Phía Seoul cũng cho rằng, Triều Tiên chưa có dấu hiệu chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Trước đó một ngày, trang mạng 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên cho biết, một số hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, Bình Nhưỡng đang tăng cường hoạt động ở cảng Sinpo. 38 North cho rằng, đây có thể là dấu hiệu của việc Triều Tiên chuẩn bị thử SLBM.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh này, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các hoạt động thử tên lửa, bao gồm cả việc thử vũ khí hạt nhân. Nhưng họ trấn an rằng, tình hình hiện nay chưa có nguy cơ diễn ra xung đột quân sự thực tế.

Nhân tố Trung Quốc

Mối quan ngại về việc Triều Tiên tiến rất gần đến mục tiêu đưa vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân làm dấy lên căng thẳng trong vài tháng gần đây. Và trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như thế này, Trung Quốc – đồng minh thân cận duy nhất của Triều Tiên được nhắm đến nhiều nhất.

Tại Mỹ cũng đã thổi bùng những tranh cãi về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng lần này. Phe diều hâu tại Washington muốn áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với những ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có giao dịch với các Cty Triều Tiên. Theo một số đề xuất tại Mỹ, cái gọi là các lệnh trừng phạt thứ cấp cần được áp đặt nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc giữ tiền cho những doanh nghiệp giao dịch với Triều Tiên. Như vậy, các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải theo dõi chặt chẽ cuộc khẩu chiến đang tiếp diễn giữa Washington và Bình Nhưỡng liên quan tới các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Triều Tiên, vì các ngân hàng này có thể chịu ảnh hưởng nặng nề một khi các tiếng nói mang tư tưởng diều hâu chiếm ưu thế và các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên trở nên cứng rắn hơn.

Trung Quốc hôm 14-8 đã cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Triều Tiên, trong đó có than đá, quặng sắt, than chì và thủy sản. Theo AFP, quy định trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-8, động thái rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên do LHQ mới công bố hồi đầu tháng. Mặc dù Washington mong đợi Bắc Kinh sẽ gây sức ép với Bình Nhưỡng để ngăn chặn nước này dừng các vụ thử tên lửa nhưng theo giới phân tích, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tình hình hiện nay được đánh giá quá cao.

Theo bà Jenny Town, Trợ lý Giám đốc viện Triều Tiên - Mỹ thuộc Trường John Hopkins, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với nền kinh tế Triều Tiên trong vai trò đối tác thương mại lớn của nước này không có nghĩa là Trung Quốc có thể dùng đòn bẩy này để kiềm chế các cuộc “phô trương” sức mạnh của Bình Nhưỡng.

KHẢ ANH