Cấp bách cứu biển Cửa Đại
(Cadn.com.vn) - Chiều 30-11, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc và tiếp xúc cử tri thành phố Hội An. Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển Cửa Đại, Phó Thủ tướng đã thị sát khu vực này và chỉ đạo khắc phục.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra thực trạng sạt lở tại bờ biển Cửa Đại. |
Bờ biển Cửa Đại kêu cứu
Những ngày qua, những đợt sóng lớn liên tục đánh vào bờ càng khiến cho bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền TP Hội An đã huy động máy móc, phương tiện và hàng trăm người dân để ứng cứu, tuy nhiên tất cả như muối bỏ bể. Những đợt sóng biển cao đánh mạnh vào bờ đã gây sạt lở nghiêm trọng hơn 250m bờ biển Cửa Đại. Một số điểm chỉ trong một vài ngày, sóng gây sạt lở và ăn sâu vào đất liền hơn 10m, tạo thành những bờ vực cao hơn 5m.
Toàn bộ bờ kè với hàng ngàn bao cát, cọc tre và hàng dừa bị sóng phá tan tành, đe dọa đến các công trình nhà hàng, nhà dân và đường sá xuống biển. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (người dân P. Cửa Đại) cho biết: Sóng cao 5 đến 6 mét đánh vào bờ liên tục nhiều ngày qua đã cuốn trôi hàng ngàn bao cát mà ông Tuấn cùng người dân đắp lên. Trước thực trạng sạt lở đe dọa cuộc sống, những ngày qua ông Tuấn cùng nhiều hộ kinh doanh tại khu vực biển Cửa Đại phải ngừng kinh doanh cùng các lực lượng chức năng dùng bao cát để ngăn biển xâm thực. Mỗi ngày, hơn 500 người dân, cùng phương tiện cơ giới ra bờ biển Cửa Đại để ngăn sóng.
Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bờ biển Cửa Đại, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cấp bách tạm thời, như: kè tạm 2 hàng cọc tre kết hợp mành tre, gia cố bằng bao cát, vải địa kỹ thuật để hạn chế sạt lở sâu hơn; tiến hành đổ bù cát thêm vào những điểm sạt lở để tạo mái ta luy, trải vải địa kỹ thuật và gia cố bằng bao cát loại nhỏ...
Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, toàn bộ cọc tre, bao cát gia cố tiếp tục bị sóng biển đánh sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của nhân dân trong khu vực. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo khảo sát lập phương án thiết kế và đề xuất đầu tư khẩn cấp đối với đoạn kè từ giáp khách sạn Victoria kéo dài về phía Tây Bắc khoảng 1.300m bằng túi địa kỹ thuật nhưng sạt lở lại lan về phía Bắc. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục kè theo dạng đê chắn sóng ngầm cách bờ từ 60 - 80m bằng túi Geotube của Hà Lan để ổn định bờ và tạo bãi. Tổng kinh phí đầu tư cho các đoạn kè này khoảng 55 tỷ đồng.
Người dân gia cố bảo vệ bờ biển Cửa Đại. Ảnh: Hoàng Anh |
Phải giữ di sản văn hóa Hội An
Tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 13 tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Tấn Đạt (cử tri P. Tân An), bày tỏ lo lắng trước thực trạng bờ biển Cửa Đại bị sạt lở. “Việc sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Hội An, không những thế sạt lở còn làm giảm thương hiệu du lịch của Hội An. Vì vậy mong Nhà nước quan tâm giữ lại bờ biển Cửa Đại” - ông Đạt nói.
Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ 40 tỷ đồng để đầu tư kè chống sạt lở và tạo bãi. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp kỹ thuật phòng, chống xói lở một cách tổng thể.
Sau khi kiểm tra và lắng nghe ý kiến của cử tri, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về mặt chủ trương, hỗ trợ cho UBND tỉnh Quảng Nam kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển khu vực biển Cửa Đại. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hội An là Di sản Văn hóa thế giới vì vậy cần sớm có những giải pháp để bảo vệ di sản này. Trước mắt, Quảng Nam tiến hành các giải pháp khẩn cấp như làm kè mềm để bảo vệ bờ biển Cửa Đại, ngăn chặn tình trạng xói lở.
Đề nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét để hỗ trợ khẩn cấp kinh phí Quảng Nam để làm kè mềm”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo các Bộ KH&ĐT, KH&CN, NN&PTNT phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổ chức tìm giảm pháp căn cơ và đưa ra phương án xử lý trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, huy động, kêu gọi các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA... để xử lý rốt ráo việc sạt lở bờ biển Cửa Đại, không những bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn cứu lấy Di sản Văn hóa thế giới - Phố cổ Hội An.
Hoàng Anh