Chấn chỉnh việc tàu cá chở khách, “bán” vỉa hè xem pháo hoa

Thứ sáu, 26/05/2017 12:28

(Cadn.com.vn) - Dù chính quyền và lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động kết hợp với kiểm tra, nhắc nhở nhưng trong 2 đêm đầu tiên của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng vẫn còn xảy ra tình trạng người dân dùng thuyền đánh cá chở khách cũng như tự ý “phân lô” vỉa hè để bán chỗ ngồi cho người xem.

Theo phản ánh của người dân, cho đến cuối giờ chiều mỗi ngày diễn ra sự kiện trình diễn pháo hoa thì tất cả tàu thuyền đều được di chuyển ra khỏi khu vực mà UBND thành phố đã có văn bản cấm hoạt động để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vào thời điểm các đội thi chuẩn bị “khai hỏa”, lợi dụng việc đi lại khó khăn, hạn chế di chuyển trên mặt nước thì tại khu vực cầu Rồng và cầu Thuận Phước, nhiều hộ dân bắt đầu cho khách lên thuyền và di chuyển ra giữa sông để xem pháo hoa.

Đại diện BCH BĐBP TP Đà Nẵng cho biết, sau đêm thi thứ nhất, lực lượng đã tổ chức rút kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ đợt thi thứ hai. Vào tối 20-5, đã có 7 tàu, 14 xuồng, 200 CBCS  chốt chặn phía trên cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước để ngăn chặn các phương tiện không có nhiệm vụ di chuyển vào khu vực bắn. Bên cạnh đó là sắp xếp 22 tàu du lịch được cấp phép chở khách xem pháo hoa neo đậu đúng vị trí để đảm bảo an toàn đường sông. Trong khi đó, ngay sau đêm khai mạc, UBND Q. Sơn Trà cũng đã gặp gỡ, tuyên truyền và tổ chức cho 24 chủ tàu ký cam kết chấp hành quy định không chở người xem pháo hoa trong các đêm tiếp theo. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong tối 20-5, vào thời điểm trước khi đội pháo hoa của Nhật trình diễn đã xuất hiện một số thuyền và tàu nhỏ từ chân cầu Thuận Phước và cầu Rồng chở khách tiến ra giữa sông.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì vào ngày 23-5, đại diện BCH BĐBP cho rằng, việc tuyên truyền, thực hiện di dời tàu thuyền đã được thực hiện rất tốt nhưng hầu hết các hộ dân đã lợi dụng thời điểm ngay khi màn trình diễn của các đội bắt đầu khiến công tác đẩy đuổi, xử lý hết sức khó khăn. Nếu huy động lực lượng tiếp cận xử lý, ngoài việc làm phân tán màn trình diễn của các đội, sự chú ý của khán giả còn có thể gây ra nguy hiểm cho du khách nếu chủ tàu phản ứng hoặc bỏ chạy. Vào đêm tối, nếu xảy ra sự cố giữa sông sẽ rất nguy hiểm.

Cơ quan chức năng triển khai lực lượng kiểm tra bình ổn giá, đảm bảo ANTT tại P. An Hải Bắc, nơi được phản ánh là xảy ra “phân lô” bán chỗ ngồi. Ảnh: Công Khanh

Bên cạnh các tàu “chui” chở khách, người dân và du khách cũng hết sức bức xúc khi một số hộ dân đã tự “phân lô” vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo đoạn từ khán đài B6 đến cầu Sông Hàn để thu tiền của du khách với mức 40.000 đến 60.000 đồng/ghế, chỗ ngồi xem pháo hoa. Ngay trong đêm khai mạc, hiện tượng này đã được phản ánh nhưng theo bà Trần Thị Thanh Tâm – Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà thì thực tế mới nghe thông tin khi sự kiện đã kết thúc chứ lực lượng chức năng không tiếp cận hoặc được báo khi xảy ra sự việc nên không có chứng cứ để xử lý. Tuy nhiên, tiếp nhận những thông tin phản ánh trong 2 đêm thi vừa qua, vào ngày 25-5, UBND quận đã tổ chức cuộc họp, gặp gỡ các hộ dân để tuyên truyền, nhắc nhở và thông báo sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm. “Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân, chúng tôi cũng sẽ phát thông báo trên hệ thống âm thanh, dán thông tin lên các xe lưu động, một số vị trí tại khu vực đã xảy ra tình trạng bán chỗ ngồi. Du khách nếu phát hiện hoặc trực tiếp bị thu tiền có thể gọi điện về Tổng đài 1022 của thành phố hoặc số điện thoại chủ tịch UBND P. An Hải Bắc được công khai tại vị trí này. Phải thông báo ngay thì chúng tôi mới có lực lượng tiếp cận và có chứng cứ để xử lý”, bà Tâm cho hay.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm trước đêm diễn thứ ba của DIFF 2017, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an, Biên phòng và UBND Q. Sơn Trà phải phối hợp để xử lý triệt để, chấm dứt hiện tượng tàu chở khách chui cũng như việc “phân lô” vỉa hè gây bức xúc. Để tái diễn những hành vi này, bên cạnh tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đường sông là những “tiếng tăm” không tốt đối với một sự kiện tầm cỡ như DIFF mà cao hơn nữa là thương hiệu du lịch của thành phố.

Bảo Nam