Đại học không phải là con đường lập thân duy nhất

Thứ sáu, 11/07/2014 11:01

Cấu trúc đề thi có nhiều đổi mới

(Cadn.com.vn) - Đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã kết thúc. Theo đó, tính riêng HĐTS ĐHĐN, trong đợt II có 3 thí sinh (TS) bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Ngoài các trường hợp đã nêu trong ngày thi đầu tiên, trong môn thi cuối cùng sáng 10-7, tại HĐT Ngô Quyền, TS N.X.D dự thi khối B trong lúc đang làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa (được 1 tiếng sau khi phát đề thi) thì lên cơn đau bụng dữ dội, dù đã được cho uống thuốc vẫn không bớt nên HĐT phải đưa em đến bệnh viện.

Bác sĩ chẩn đoán em bị viêm đường ruột. Sau đó, TS được đưa về lại HĐT thi thì đã hết giờ làm bài. Nhìn chung, đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 tại Đà Nẵng đã kết thúc tốt đẹp, mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phối hợp tốt với HĐTS ĐHĐN trong công tác bảo vệ thi... Tình hình ANTT trước, trong và ngoài phòng thi được đảm bảo...

Trong môn thi cuối cùng, hầu hết TS thi khối B khi được hỏi đề thi môn Hóa đều cho rằng đề có tính phân loại TS cao, khó đạt điểm tuyệt đối nếu như không thực sự xuất sắc. Thậm chí, có TS dự thi năm 2 vào ngành Y còn nhận xét, đề Hóa khối B năm nay là nỗi "kinh hoàng" đối với những TS không thuộc "sở trường" về môn này.

Mặc dù nhận xét đề ra rất hay, tránh hiện tượng học tủ, học vẹt, đề cao sự cảm thụ văn học và kỹ năng viết văn, nhất là dạng nghị luận xã hội, thế nhưng, nhiều TS khối C, D, M kết thúc môn Văn đều cho biết không hài lòng với bài làm của mình, cho rằng đề ra "bất ngờ" và "khó"...

Nhìn lại cách ra đề các môn thi của cả hai đợt, có thể nhận thấy, cấu trúc đề thi năm nay có nhiều đổi mới, hướng tới việc phân loại trình độ TS, đánh giá năng lực TS thông qua việc tăng cường các câu hỏi ứng dụng, câu dạng đề mở, tránh hiện tượng học tủ, học vẹt.

Theo đó, không riêng môn Văn, đề thi các môn của các khối năm nay đều đòi hỏi TS phải nắm chắc kiến thức cơ bản cùng khả năng tư duy, tổng hợp và những hiểu biết xã hội. Nếu không có được những yếu tố này, TS rất khó đạt điểm cao. Đơn cử như đề Văn khối C, D nhận được nhiều lời khen là sắc sảo, có tính phân loại TS tốt. Với dạng ra đề như vậy, buộc TS thực sự phải có sự cảm thụ văn học tốt, thẩm thấu sâu tác phẩm mới có thể làm bài tốt ở câu 3 (5 điểm) ở cả 2 đề Văn khối C, D.

Cũng liên quan đến đề Văn năm nay, đơn cử câu II khối C: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình (Đời thừa- Nam Cao, Ngữ Văn 11 nâng cao...). Ý kiến trên gợi cho anh chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia" là  một câu nghị luận xã hội hay.

Theo đó, TS không chỉ nắm vững kiến thức văn học mà phải hiểu biết sâu, có kiến thức xã hội mới có thể làm tốt câu hỏi này... Nói khác đi, dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung, qua 2 đợt thi, có thể thấy cấu trúc đề thi các môn của các khối đã có nhiều sự thay đổi, hướng tới chất lượng thực chất của việc dạy-học hơn...

Tâm trạng các TS sau khi rời khỏi phòng thi của ngày thi cuối cùng đợt II tại Đà Nẵng. Ảnh: P.T

Nhất thiết phải bằng mọi giá vào đại học?

Thi ĐH chắc chắn phải khó hơn so với thi tốt nghiệp THPT. Vì thế việc đề thi có tính phân loại TS cao là hợp lý. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với các TS 2 đợt thi và từ "sự cố" một TS vì nguyện vọng của bố mẹ giả vờ đi thi rồi trốn vào nhà vệ sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt II vừa qua tại Đà Nẵng, người viết có suy nghĩ, có nhất thiết phải bằng mọi giá thi ĐH, CĐ?

Đã và đang có sự ngộ nhận rất lớn về sự học ngày nay không chỉ ở bản thân TS mà cả cha mẹ các em. Bởi thực tế, có nhiều TS khi rời khỏi phòng thi đã không nhận xét được mức độ khó dễ của đề thi  như thế nào.

Hỏi gì cũng hồn nhiên nói: "Bình thường", "Dễ", nhưng khi hỏi làm được bao nhiêu phần trăm câu đúng thì lại thật thà thú nhận: "Dạ, làm khoảng được 2, 3 điểm!". Hỏi vì sao "chỉ làm được 2, 3 điểm mà nhận xét đề bình thường, dễ?", nhiều TS đáp: "Thi ĐH phải khó nên chuyện đạt 2, 3 điểm cũng là bình thường"?...

* Kết thúc hai ngày thi đại học đợt 2, TS Nguyễn Thị Phúc, dự thi tại cụm thi trường THCS Đặng Thai Mai (cụm thi Vinh) khá tự tin với kết quả làm bài thi của mình. Năm nay, Phúc đăng ký thi vào khoa Dược của Trường Đại học Y khoa Vinh. Em bị khuyết tật ở chân từ khi mới sinh ra do di chứng chất độc da cam dioxin.

Dù phải đi bằng nạng nhưng Phúc đã vượt qua 12 năm đèn sách và ứng thi đại học vào Trường Đại học Y khoa Vinh. Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ Phúc cho biết: "Mặc dù thiệt thòi hơn các bạn nhưng thấy con gái ham học và ước mơ đậu đại học nên gia đình tôi cũng động viên con cố gắng vượt qua.

Ở trường, Phúc đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè". Phúc cho biết: Từ nhỏ, em đã ước mình trở thành dược sĩ để sau này khi trở thành thầy thuốc giỏi có thể giúp đỡ phần nào những hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn như mình. Qua hai ngày thi, Phúc tự tin cho biết, cả 3 môn thi em đều làm bài khá tốt. Hy vọng rằng, ước mơ của em sẽ sớm trở thành hiện thực.

D.H


Nguyễn Thị Phúc sau khi hoàn thành bài thi cuối cùng. 

Việc học tập là công việc suốt  đời của mỗi một con người. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, không nhất thiết phải vào ĐH, CĐ mới được xem là học. Có nhiều cách học. Theo đó, tùy theo năng lực của mỗi người mà chọn cách học cho phù hợp với mình, không nên chạy theo số đông với suy nghĩ phải vào  được  ĐH, CĐ để "bằng chị bằng em" mà không thực chất...

Trong khi sỹ tử ồ ạt đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ thì đầu tháng 7 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH công bố con số gây sốc với việc có đến hơn 160 ngàn lao động có trình độ từ ĐH đang thất nghiệp. Trong khi đó, các trường dạy nghề, CĐ Nghề lại đang khát người học và xã hội thì đang thiếu trầm trọng những tay thợ lành nghề. Thiết nghĩ, ĐH không phải là con đường lập thân duy nhất!

P.T