Kết thúc đợt II Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 tại Đà Nẵng:

Thí sinh tiếp tục “choáng” với đề văn và hóa

Thứ năm, 10/07/2014 14:00

Nhiều thí sinh “choáng” về độ khó của môn Hoá

(Cadn.com.vn) - Sáng nay (10-7), tại Đà Nẵng, TS các khối B, C, D, M thi môn cuối cùng: Hóa (B), Văn (C, D, M). Theo đó, nhiều TS khối B sau khi rời khỏi phòng thi môn Hóa (trắc nghiệm 90 phút) đã thất vọng vì không làm được bài.

TS Nguyễn Đình Thành (quê Thăng Bình, Quảng Nam, đạt điểm tốt nghiệp tuyệt đối môn Hóa THPT), thi vào Khoa xét nghiệm ĐH kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng, cũng cho rằng, đề Hóa khối B năm nay khó hơn năm ngoái và khó hơn nhiều so với đề Hóa khối A đợt I.

“Với đề thi này, những bạn học lực từ trung bình đến khá khó đạt qua điểm 5. Nặng nhất là phần làm bài tập ứng dụng hóa vô cơ”- Thành nói. Cùng đồng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Phương Thảo (Đăk Lăk), dự thi ĐH Y Dược Đà Nẵng cho rằng, “Số lượng câu hỏi ở phần hóa vô cơ nhiều hơn hữu cơ; các câu hỏi ứng dụng của hóa vô cơ khó vì có những phần trong sách giáo khoa không có. Với đề thi này, em chỉ làm chỉ được khoảng 6-7 điểm”. Em cho biết, điểm tổng kết môn môn Hóa lớp 12 của mình là 9.0.

Một TS khác thi năm 2 vào khối B tự chấm mình đạt điểm 8 môn Hóa nhưng cũng cho rằng, đề Hóa năm nay thực sự khó và sẽ là nỗi “kinh hoàng” đối với những bạn không có “sở trường” môn Hóa.

Các TS dò lại bài sau khi thi xong môn thi cuối cùng.

“Bất ngờ” với cấu trúc đề Văn

Đó là nhận xét của không ít TS khối C, D, M sau khi làm xong bài thi môn Văn. Theo TS Lê Đỗ Hạnh Nhi (Duy Xuyên, Quảng Nam) đăng ký dự thi vào SP Địa khối C trường ĐHSP Đà Nẵng, đối với câu 5 điểm, thường ra ở thể loại thơ hoặc truyện, nhưng năm nay lại ra ở thể loại bút ký với câu: “Về hình tượng sông Hương trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử. Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương, anh/ chị hãy bình luận các ý kiến trên” nên em hơi bất ngờ.

Đây là dạng đề vừa đòi hỏi cảm thụ văn học vừa đòi hỏi kỹ năng về nghị luận xã hội tốt mới đạt điểm cao ở câu này. Cũng theo Hạnh Nhi, trong đề văn dành cho khối C, câu 1 những HS học chương trình cơ bản sẽ làm không tốt bằng những bạn học chương trình nâng cao, câu hai với câu hỏi: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình. (Đời thừa- Nam Cao, Ngữ Văn 11 nâng cao…). Ý kiến trên gợi cho anh chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia” là một câu nghị luận xã hội rất hay.

Lực lượng bán báo dạo mời các TS mua cách giải đề thi của ngày thi hôm trước.

Theo đó, TS không chỉ nắm vững kiến thức “nền” về nghị luận xã hội mà phải có độ sâu về nhận thức xã hội mới có thể làm tốt. Chia sẻ câu nghị luận nhỏ này, TS Hoàng Thị Lan, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, thi tại HĐT trường THCS Kim Đồng, đăng ký thi vào Sư phạm Văn –ĐH Sư Phạm Đà Nẵng phát biểu cảm tưởng: “Đây là câu liên quan ít nhiều đến tình hình thời sự hiện nay của đất nước, em đã liên hệ với tình hình thời sự biển Đông, đặc biệt với quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981- nếu Trung Quốc dùng sức mạnh của mình mà lấn chiếm biển Đông, gây hấn đối với các nước trong khu vực thì những nước như Việt Nam, Philiphin… phải thật sự đoàn kết. Em tin lòng yêu nước, sự đoàn kết của mỗi người dân Việt Nam sẽ là sức mạnh đánh tan mọi kẻ thù xâm lược. Dù Việt Nam ta là nước nhỏ, nhưng là một dân tộc anh hùng”…

 “Bất ngờ” này cũng được các TS dự thi môn Văn khối D, M phản ánh sau khi kết thúc bài làm. Theo đó, TS Phạm Thị Thuỳ Trang (Cẩm Lệ, Đà Nẵng), dự thi vào khối D ngành Giáo dục tiểu học cho rằng, câu 3 (5 điểm) với việc bình luận các ý kiến liên quan đến hình tượng Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của nhà thơ Thanh Thảo với 2 ý kiến được nêu ra: “Đó là mẫu nghệ sĩ- chiến sĩ, vì dấn thân đấu tranh cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình” và ý kiến: “Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết oan khuất”, là một câu hỏi vừa hay, vừa khó, nếu TS nào học tủ, khả năng cảm nhận văn học không sâu sắc cũng như kỹ năng viết văn nghị luận xã hội yếu sẽ không làm được câu 5 điểm này. Trang buồn buồn cho biết: “Bài thơ này em ôn không kỹ nên làm không được tốt lắm. Cũng may là câu 1 và câu 2 về nghị luận xã hội em làm được nên cũng…vớt vát phần nào”.

Trang cho biết thêm, với câu 2 “Có ý kiến cho rằng “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh”. Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy viết một bài văn ngắn bày tỏ chủ kiến của mình” đòi hỏi TS phải hiểu biết sâu sắc, có kiến thức, vốn sống tốt mới có thể hiểu và trình bày tốt phần này.

Tương tự, TS Trần Hoài Thu (Tuyên Hóa, Quảng Bình), thi khối D cũng cho rằng, đối với câu 3 (5 điểm) về bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” là một bài thơ khó, không phải ai cũng có thể cảm thụ và thẩm thấu tốt. Từng tham khảo các đề Văn năm trước, Hoài Thu nhận xét “đề Văn khối D năm nay ngoài sức tưởng tượng của em. Em hoàn toàn bất ngờ khi đọc xong câu 3 (5 điểm)…

Sau khi thi, một số TS cùng người thân đón xe về quê ngay. Ảnh: P.T

Lại bị đình chỉ thi vì mang ĐTDĐ vào phòng thi

Theo báo cáo nhanh của HĐTS ĐHĐN năm 2014, trong môn thi cuối cùng, tỉ lệ TS dự thi các khối B, C, D, M đạt 84,22%. Trong môn thi cuối cùng này, có 1 TS ở Điểm thi ĐHBK - Khu H1 bị đình chỉ thi vì mang ĐTDĐ vào phòng thi.

Ngoài ra, tại HĐT Ngô Quyền, vào lúc lúc 8g10 (1 tiếng sau khi phát đề thi), TS N.X.D trong khi đang làm bài thi thì lên cơn đau bụng dữ dội, uống thuốc không đỡ phải đưa đi bệnh viện. Theo chẩn đoán của bác sĩ, em bị viêm đường ruột. Khi TS này được đưa trở về điểm thi thì cũng đúng lúc thời gian thi đã hết…

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình ANTT trước trong và sau khi thi được đảm bảo. Sau môn thi này, các TS khối M sẽ bước vào môn thi năng khiếu…

P.Thủy