Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII:

Đảm bảo quyền con người trong quá trình tạm giữ, tạm giam

Thứ ba, 10/11/2015 07:26

(Cadn.com.vn) - Sáng 9-11, Quốc hội đã làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam.

Góp ý về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật chỉ nên quy định các quyền cơ bản của người bị tạm giữ, tạm giam, còn những quyền đang được điều chỉnh bởi các luật khác không quy định vào dự thảo Luật để bảo đảm tính linh hoạt và tránh trùng lặp. Có ý kiến đề nghị, chỉ quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bị hạn chế vào dự án Luật, các quyền khác không bị hạn chế thì họ được hưởng theo quy định của pháp luật có liên quan. Có ý kiến đề nghị quy định rõ người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng những quyền gì và bị hạn chế quyền gì...

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng: Người bị tạm giữ, tạm giam chia làm hai đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Người chưa có tội là công dân bình thường, có đầy đủ về quyền con người và quyền công dân như Hiến pháp quy định và không ai có quyền xâm phạm hoặc hạn chế quyền của họ. Do vậy, đề nghị cần xem lại quy định theo hướng cụ thể về quyền và nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Như vậy mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại và phù hợp với bố cục của các chương, điều khác trong dự thảo Luật.

Đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam. 

Thống nhất với điểm d khoản 1 Điều 9 quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đề nghị bổ sung thêm cụm từ tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo hoặc vì lý do đối ngoại để tương thích với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật; đồng thời làm cho điều luật chặt chẽ hơn.

* Chiều 9-11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng: Thừa phát lại là định chế hỗ trợ tư pháp đã tồn tại ở nước ta từ trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam. Tuy nhiên trong một thời gian dài chúng ta đã bỏ, không áp dụng do Nhà nước bao cấp loại hoạt động mang tính dân sự này. Thực hiện chủ trương xã hội hóa các định chế bổ trợ tư pháp, từ năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24 cho tổ chức thí điểm ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Đến nay đã có 13 địa phương tổ chức 53 văn phòng TPL và mang lại kết quả tích cực. ĐB khẳng định việc tổ chức thí điểm TPL là chủ trương đúng của Quốc hội, phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, ủng hộ đề nghị của Chính phủ về tổ chức định chế TPL trong phạm vi cả nước.

P.H.H

Vấn đề trên, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Do đó, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế đã được quy định trong các luật, bộ luật hiện hành vào dự thảo Luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh.

Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến đề nghị cần tổ chức lại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, thống nhất về tổ chức.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính nhất trí với việc thực hiện chế độ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam tổ chức theo hệ thống dọc để thuận tiện cho việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện, độc lập với sự chỉ đạo của Cơ quan Công an, Quân đội nơi đặt Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Tuy nhiên, cần nghiên cứu vấn đề trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý ở Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong Quân đội để phù hợp với thực tiễn.

“Loại hình đào tạo trong Quân đội nhân dân khác cơ bản với Công an nhân dân. Hơn nữa số lượng tội phạm được giam giữ trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong Quân đội không nhiều, quy mô và tính chất phức tạp không lớn. Do đó, trình độ quản lý cấp này chỉ cần tốt nghiệp đại học luật là phù hợp. Đồng thời, nội dung này giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định quy định theo tiêu chuẩn do Chính phủ quy định” – đại biểu Tính đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Trại tạm giam, Nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện do các cơ quan Công an thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cùng cấp quản lý và cho rằng: Quy định này cơ bản đã tách khỏi hệ thống điều tra các cấp, đảm bảo tính minh bạch trong điều tra và giam giữ.

Tuy nhiên, riêng đối với 4 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện do Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra quản lý, đại biểu Khá đề nghị giao 4 Trại tạm giam này cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an trực tiếp quản lý để thống nhất đầu mối trong hệ thống giam giữ các cấp trong cả nước và thuận lợi cho việc kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

Khác với các quan điểm trên, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, 4 Trại tạm giam này nên giao cho Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh quản lý để tiện phục vụ tốt cho hoạt động điều tra. Theo đại biểu, các Trại tạm giam này đều do một đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh phụ trách, do đó hoàn toàn độc lập với cơ quan điều tra.

Thu Thủy – TTXVN

Cần xóa “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá tài sản

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL). Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị các vị đại biểu Đà Nẵng, Trà Vinh, Gia Lai, Bắc Kạn tập trung cho ý kiến về phạm vi, đối tượng áp dụng Luật ĐGTS; về đấu giá viên, doanh nghiệp ĐGTS, trung tâm dịch vụ bán ĐGTS; các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá; hình thức, phương thức đấu giá; về quyền hạn của TPL và các dịch vụ do TPL cung cấp...

Thảo luận Luật ĐGTS, Trưởng đoàn ĐBQH TP Huỳnh Nghĩa cho rằng, hoạt động bán đấu giá thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “sân sau”của một số tổ chức, cá nhân; thậm chí tình trạng đối tượng tham gia đấu giá “ảo” nhằm mục đích trục lợi, dẫn đến hoạt động này mang tính hình thức, chưa thực sự thu hút nhiều người quan tâm; nhất là việc ĐGTS công, tài sản thi hành án. Do đó, ĐB cho rằng việc ban hành Luật ĐGTS là hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trên.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn khi Khoản 1 Điều 21 quy định doanh nghiệp ĐGTS được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. ĐB đặt câu hỏi: Tại sao chỉ cho hai loại hình doanh nghiệp này tham gia vào thị trường ĐGTS? Vì theo Luật Doanh nghiệp, tất cả các doanh nghiệp đều được quyền kinh doanh đa ngành, kinh doanh những ngành mà luật pháp không cấm. Do đó, ĐB đề nghị sửa lại theo hướng, doanh nghiệp ĐGTS được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp theo quy định của luật này và Luật Doanh nghiệp.

Phạm Hữu Hoa