Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza
Rạng sáng 16-1 theo giờ Việt Nam, Qatar và Mỹ, hai bên trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, đã thông báo chính thức về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Doha, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani cho biết việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn sẽ bắt đầu từ ngày 19-1. Theo nhiều kênh truyền thông, thỏa thuận giữa Israel và Hamas được chấp thuận tại Qatar bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 42 ngày và trao đổi tù binh, bao gồm tất cả người Israel bị bắt làm tù binh trong cuộc tấn công của Hamas vào Gaza ngày 7-10-2023. Theo đó, Hamas sẽ trả tự do cho 33 con tin trong giai đoạn đầu tiên, kéo dài trong 6 tuần, để đổi lấy việc Israel trả tự do cho những người Palestine đang bị bắt giữ. Các chi tiết về giai đoạn thứ hai và thứ ba của thỏa thuận sẽ được công bố sau khi giai đoạn đầu tiên hoàn tất.
Trong một bài viết đăng trên nền tảng TruthSocial của mình vào ngày 15-1, theo giờ địa phương, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết Đặc phái viên của ông đã tham gia các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian và "chúng ta đã có một thỏa thuận cho các con tin ở Trung Đông", "họ sẽ sớm được thả". "Thỏa thuận ngừng bắn này chỉ có thể xảy ra do chiến thắng lịch sử của chúng ta vào tháng 11, vì điều đó báo hiệu cho toàn thế giới rằng chính quyền của tôi sẽ tìm kiếm hòa bình và đàm phán các thỏa thuận để đảm bảo an toàn cho tất cả người Mỹ và các đồng minh của chúng ta", ông Trump cho biết thêm trong một bài đăng khác. Theo Tổng thống đắc cử Mỹ, nhóm an ninh quốc gia của ông sẽ "tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Israel và các đồng minh để đảm bảo Gaza không bao giờ trở thành nơi ẩn náu an toàn của khủng bố". "Đây chỉ là khởi đầu cho những điều tuyệt vời sắp tới đối với nước Mỹ và cả thế giới", ông Trump nhấn mạnh.
Đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống đắc cử Mỹ tại Trung Đông, ông Steve Witkoff, được cho là đã tham gia các cuộc đàm phán tại Doha và đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục phái đoàn Israel chấp nhận thỏa thuận. "Thỏa thuận này đạt được nhờ sự giúp đỡ của nhiều bên và chứng minh rằng chính sách hòa bình thông qua sức mạnh sẽ thành công", ông Witkoff nói với Kênh 12 của Israel vào ngày 15-1. "Cảm ơn các ê kíp đàm phán của Israel, cảm ơn Qatar, cảm ơn Ai Cập, cảm ơn chính quyền Biden, và trên hết là cảm ơn ông Donald Trump, người mà chính sách hòa bình thông qua sức mạnh đã giành chiến thắng". Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Hamas để thuyết phục nhóm Palestine chấp nhận thỏa thuận. Các lãnh đạo tình báo của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia các cuộc đàm phán, cùng với các lãnh đạo của cơ quan an ninh Israel, Mossad và Shin Bet.
Lạc quan vào triển vọng hòa bình
Những người biểu tình ở Tel Aviv để kêu gọi thả con tin đã bày tỏ hân hoan khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố. Hàng nghìn người trên khắp Gaza cũng đổ ra đường phố ăn mừng. "Tôi không thể tin nổi cơn ác mộng kéo dài hơn một năm cuối cùng cũng sắp kết thúc. Chúng tôi đã mất quá nhiều người, chúng tôi đã mất tất cả", Randa Sameeh, người phụ nữ 45 tuổi phải sơ tán khỏi căn nhà ở Gaza City, cho biết.
Liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn, một quan chức Israel cho biết thỏa thuận cần sự phê chuẩn chính thức từ nội các an ninh và chính phủ Israel, với các cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong ngày 16-1. Mặc dù một số thành viên cứng rắn trong liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phản đối, thỏa thuận dự kiến sẽ được thông qua.
Dù thỏa thuận ngừng bắn đã được công bố, người dân cho biết các cuộc không kích của Israel vẫn tiếp diễn tối 15-1 tại Gaza, nơi hơn 46.700 người đã thiệt mạng và hơn 110.000 bị thương sau 15 tháng xung đột. Một quan chức Palestine am hiểu các cuộc đàm phán cho biết các nhà trung gian đang nỗ lực khiến cả hai bên ngừng giao tranh trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Một quan chức Palestine tham gia đàm phán ngừng bắn cho biết, các nhà trung gian đang nỗ lực thuyết phục cả hai bên ngừng giao tranh trước khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực. Trên mạng xã hội, một số cư dân Gaza kêu gọi người dân thận trọng, lo ngại rằng Israel có thể gia tăng tấn công trong những ngày tới để đạt được lợi thế tối đa trước khi lệnh ngừng bắn bắt đầu.
Dù tình hình vẫn đầy bất trắc, tin tức về thỏa thuận ngừng bắn đã thắp lên hy vọng tại Gaza, nơi người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về lương thực, nước uống, nơi trú ẩn và nhiên liệu suốt nhiều tháng qua.
Thế giới hoan nghênh
Sau khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ tại Dải Gaza, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế đã đồng loạt bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận, cũng như hy vọng vào tương lai hòa bình tại khu vực này.
Ngày 15-1, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh việc đạt được lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, gọi đây là "bước tiến quan trọng đầu tiên". Ông Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ cam kết để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được thực thi hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng cứu trợ nhân đạo đến được với người dân bị ảnh hưởng một cách nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở. Tổng thư ký LHQ đánh giá đây là bước tiến triển quan trọng đầu tiên để mở ra hy vọng thúc đẩy những mục tiêu lớn hơn, như sự thống nhất và toàn vẹn của Vùng lãnh Palestine bị chiếm đóng (OPT), trong đó sự thống nhất của Palestine là yếu tố then chốt để đạt được một nền hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực vì tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân ở Palestine cũng như Israel.
Ngày 15-1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas có thể mở đường cho việc chấm dứt tình trạng thù địch tại Dải Gaza. Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Scholz bày tỏ tin tưởng thỏa thuận ngừng bắn này mở ra cánh cửa cho việc chấm dứt xung đột và cải thiện tình hình nhân đạo tại Gaza. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận và trả tự do cho tất cả các con tin. Theo ông, việc bảo vệ các con tin là ưu tiên hàng đầu và hiện có nhiều công dân Đức nằm trong số các con tin bị cầm giữ.
Từ Tây Ban Nha, Thủ tướng nước này, ông Pedro Sanchez đã hoan nghênh thỏa thuận, khẳng định điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được ổn định khu vực. Theo ông, thỏa thuận đại diện cho bước đi trong con đường hướng tới giải pháp hai nhà nước và một nền hòa bình công bằng, tôn trọng luật pháp quốc tế. Cùng chung quan điểm, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng thỏa thuận đem đến cơ hội quan trọng để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường tại Gaza. Bà khẳng định Italy sẵn sàng hỗ trợ ổn định và tái thiết Gaza, đồng thời bày tỏ hy vọng vào khả năng tái khởi động tiến trình chính trị hướng đến hòa bình lâu dài, công bằng tại Trung Đông, dựa trên giải pháp hai nhà nước. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh các bên cần tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, trả tự do cho con tin, đưa hàng viện trợ vào Gaza. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng cần có giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột tại Gaza.
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini kêu gọi việc tạo điều kiện cho hàng viện trợ vào Gaza nhanh chóng và không bị cản trở, sau khi Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
AN BÌNH