Khủng hoảng Triều Tiên vẫn bế tắc

Thứ hai, 02/10/2017 10:40

Giới chức Mỹ xác nhận đã trực tiếp liên lạc với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa nhưng Bình Nhưỡng dường như không có nhã ý đối thoại. Trong khi đó, Triều Tiên cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ không có hiệu quả, đồng thời khẳng định các lệnh trừng phạt không thể khiến nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Mỹ dự kiến điều tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Bán đảo Triều Tiên trong tháng này.

Triều Tiên không muốn đàm phán?

Hôm 30-9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, nước này đã mở các kênh liên lạc trực tiếp với Triều Tiên và đang tìm hiểu xem liệu Bình Nhưỡng có sẵn sàng đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay không.  Trả lời báo giới sau cuộc thảo luận với giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, ông Tillerson nói: "Chúng tôi đang tìm hiểu... Chúng tôi có các đường dây liên lạc với Bình Nhưỡng. Chúng tôi không ở trong tình trạng vô vọng, chúng tôi có từ 2 đến 3 kênh liên lạc được mở với Bình Nhưỡng". Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ về nội dung cũng như tần suất liên lạc. Ông nhấn mạnh, mục đích trước hết của việc liên lạc trực tiếp này đơn giản là tìm hiểu xem Triều Tiên thực sự muốn thảo luận gì.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, mặc dù Washington để ngỏ các kênh liên lạc nhưng Bình Nhưỡng cho thấy họ không quan tâm đến việc đàm phán về từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong một tuyên bố, người phát ngôn bộ trên, bà Heather Nauert nêu rõ: "Bất chấp những lời đảm bảo, Mỹ không quan tâm đến việc thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ đương nhiệm, theo đuổi việc thay đổi chế độ, đẩy mạnh tiến trình tái thống nhất bán đảo Triều Tiên hay di chuyển lực lượng về phía Bắc khu phi quân sự (DMZ), giới chức Triều Tiên không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ họ quan tâm hay sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa".

Triều Tiên có trữ lượng khoáng sản hàng nghìn tỷ USD

Yonhap ngày 1-10 đưa tin: Triều Tiên có trữ lượng khoáng sản tiềm năng trị giá 2.790 tỷ USD, và nước này đã ký hợp đồng phát triển khai mỏ với 38 Cty nước ngoài, trong đó 33 Cty Trung Quốc.

Trích dẫn báo cáo do Tập đoàn Tài nguyên Hàn Quốc chuẩn bị, Yonhap cho biết trong số 5 Cty nước ngoài còn lại thì có 2 Cty Nhật Bản, 2 Cty Pháp và 1 Cty Thụy Sĩ. Báo cáo cho biết: "Tất cả 10 hợp đồng dài hạn, có hiệu lực trong vòng 10 đến 50 năm, đều được ký với các công ty Trung Quốc".

T.VĂN

Không từ bỏ vũ khí hạt nhân

Những bình luận trên đưa ra giữa lúc cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều tiếp tục leo thang căng thẳng khi các bên đe dọa hủy diệt lẫn nhau.

Triều Tiên hôm 30-9 kêu gọi Mỹ từ bỏ chính sách đối đầu hoặc Triều Tiên sẽ nhấn chìm Mỹ trong "biển lửa". Ủy ban hòa bình Châu Á-Thái Bình Dương của Triều Tiên chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên. "Hành động liều lĩnh của ông Trump cùng các đồng minh chỉ làm gia tăng các quyết tâm trả đũa của quân đội Triều Tiên. Ông ấy nên nhớ rằng Triều Tiên sẽ đem ngày tận thế đến Mỹ", Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo cho biết. Thông cáo cũng nói thêm rằng: "Việc ông Trump vung cây gậy "trừng phạt" và phô trương sức mạnh bằng các máy bay ném bom như loài bướm đêm trước những lực lượng cách mạng sẵn sàng chiến đấu của Triều Tiên chỉ là hành động tự sát, chuốc lấy thảm họa hạt nhân có thể biến Mỹ thành một biển lửa".

Những chỉ trích và cảnh báo qua lại lẫn nhau giữa hai nước khiến cộng đồng quốc tế như "ngồi trên đống lửa", lo ngại nguy cơ một vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên trên Thái Bình Dương như cảnh báo của nước này nếu xảy ra có thể dẫn tới một phản ứng quân sự của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng tìm cách làm dịu căng thẳng khi đề cập tới những tuyên bố có phần nóng nảy của Tổng thống Trump trên trang mạng cá nhân Twitter. Theo ông Tillerson, tình hình hiện nay có phần quá nóng và tất cả cần phải bình tĩnh lại.

Theo các nhà phân tích, những tuyên bố trái chiều của các quan chức Mỹ cho thấy sự bế tắc của nước này trong việc tìm kiếm một cách tiếp cận mới với Triều Tiên. Hôm 29-9, Triều Tiên cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng mặc dù đang "gây thiệt hại nặng nề" nhưng sẽ không có hiệu quả. Bên cạnh đó, Triều Tiên khẳng định các lệnh trừng phạt không thể khiến nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân và liên tục đạt được những tiến triển trong việc xây dựng một nền kinh tế vững mạnh trong hơn nửa thế kỷ qua.

Hôm 30-9, chuyên gia quan hệ quốc tế và là cựu cố vấn chính sách cho Thượng viện Mỹ, ông James Jatras cho rằng, Triều Tiên bằng mọi giá sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân bởi đây là điều cần thiết đối với sự sống còn của nước này. Theo ông Jatras, hai bên liên tiếp có những hành động đe dọa lẫn nhau, đặc biệt là không có dấu hiệu nào về một sự nhượng bộ hay làm giảm căng thẳng từ phía Mỹ.

AN BÌNH