Khủng hoảng Vùng Vịnh và nhân tố Hamas

Thứ tư, 14/06/2017 07:43

(Cadn.com.vn) - Khi tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Qatar, các quốc gia Arab buộc tội Doha bảo trợ các tổ chức khủng bố, ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo (MB), Phong trào Hồi giáo Hamas và quá thân thiện với Iran. Thật trớ trêu, mối quan hệ của Qatar với Hamas không nằm trong số những vấn đề lớn nhất chia rẽ khu vực.

Khi Hamas tổ chức lễ công bố điều lệ mới của phong trào này ra toàn thế giới, cuộc họp không phải diễn ra tại thành phố Ramallah hay Gaza ở Palestine mà từ Doha, Qatar.

Không có gì ngạc nhiên khi Hamas chọn Qatar. Đây là quê hương của lãnh đạo sắp mãn nhiệm lúc đó Khaled Meshaal và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của Hamas. “Qatar là nơi rất quan trọng đối với Hamas”, CNN dẫn lời một chuyên gia nhận định. Qatar hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và là nơi ẩn náu an toàn cho một lãnh đạo Hamas. Cuộc khủng hoảng lần này ở Vùng Vịnh đang đặt mối quan hệ này vào tình trạng nguy hiểm.

Quốc vương Qatar thăm Dải Gaza vào năm 2012. Ảnh: AP

Việc các quốc gia Arab tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Qatar là đỉnh điểm của một cuộc thù hận nung nấu trong nhiều năm. Các quốc gia buộc tội Doha bảo trợ các tổ chức khủng bố, ủng hộ MB, Hamas và quá thân thiện với Iran. Trớ trêu thay, mối quan hệ của Qatar với Hamas không nằm trong số những vấn đề lớn nhất chia rẽ khu vực. Không giống như Mỹ, Anh và Châu Âu, vốn đều chỉ định Hamas là tổ chức khủng bố, các quốc gia Arab - bao gồm cả Qatar - không làm như vậy.

Các nước Vùng Vịnh bảo vệ quyết định đóng cửa không phận với Qatar

Cơ quan Hàng không Dân dụng Saudi Arabia ngày 13-6 cho biết, việc đóng cửa không phận đối với các chuyến bay đến từ Qatar là thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Riyadh nhằm bảo vệ công dân của nước này trước bất kỳ mối đe dọa nào, đồng thời coi đây là biện pháp phòng ngừa. 

Theo Reuters, giới chức hàng không UAE, Bahrain cũng đưa ra những tuyên bố tương tự Saudi Arabia. Bình luận trên được đưa ra là nhằm đáp lại chỉ trích của Tổng giám đốc hãng hàng không Qatar Airway, ông Akbar Al Baker, cho rằng: các nước Arab đang vi phạm luật lệ quốc tế khi cấm các chuyến bay của Doha. Trước đó, ông Al Baker khiếu nại lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, cho rằng, việc đóng cửa không phận như vậy là bất hợp pháp.

Đây là điều mà Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman đã tìm cách nhắc nhở các nước trong cuộc phỏng vấn với Kênh RT của Nga, để đáp lại lời kêu gọi từ phía Saudi Arbia rằng, Qatar cần ngừng hỗ trợ Hamas. “Chúng tôi không ủng hộ Hamas, chúng tôi ủng hộ dân Palestine”, Ngoại trưởng Qatar nói. Theo ông, sự hiện diện của Hamas tại Doha là một phần trong nỗ lực hòa giải các phe phái Palestine.

Bản thân Hamas cũng nói rằng, họ đang bị vắt kiệt vô lý. “Các quốc gia Vùng Vịnh đang gây áp lực buộc Qatar cắt giảm quan hệ với các tổ chức kháng chiến. Đây là điều không thể chấp nhận và chúng tôi từ chối áp lực này. Chúng tôi là một phong trào kháng chiến và toàn thế giới là nhân chứng cho điều này”, phát ngôn viên Hamas, Fawzi Barhoom, nói.

Hamas được xem là chịu nhiều áp lực trong vài năm qua, phản ánh qua một số thay đổi nội bộ đáng kể. Hồi tháng trước, Hamas công bố lãnh đạo mới. Cựu lãnh đạo Dải Gaza của Palestine, ông Ismail Haniyeh được bầu làm nhà lãnh đạo toàn diện mới của phong trào này, thay ông Khaled Meshaal. Cùng thời điểm này, nhóm này cũng ban hành điều lệ mới.

Hamas từng mất rất nhiều trong cuộc xung đột ở Syria khi họ quyết định đứng về phía phiến quân và cắt giảm quan hệ trong một số phạm vi với chính phủ Syria, Hezbollah và Iran. Đây là một trong những lý do Qatar nhảy vào.  Năm 2012, Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani, đến thăm Dải Gaza - trở thành nhà lãnh đạo một quốc gia đầu tiên trên thế giới làm điều này. Tại đây, Quốc vương Qatar khánh thành các dự án trị giá hàng trăm triệu USD. Và Doha thấy ảnh hưởng của họ ở đây tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, những tham vọng của Doha bị vùi lấp khi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào tháng 7-2013. MB bị tước quyền lực và ảnh hưởng. Nhà lãnh đạo mới - tướng Abdel Fatah El Sisi – quay sang thù địch với Qatar và Hamas.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, có thể, dưới áp lực quá lớn của các nước, Qatar sẽ phải trục xuất lãnh đạo Hamas. Nhưng đây chỉ có thể là “lựa chọn cuối cùng”. “Cho đến thời điểm này, Qatar chưa thông báo cho chúng tôi về bất kỳ quyết định nào”, người phát ngôn Hamas nói. Theo giới quan sát, nếu quan hệ với Qatar bị phá vỡ, Hamas vẫn có thể sống sót nhưng chắc chắn tình hình Gaza sẽ càng thảm khốc.

Khả Anh