Khủng hoảng Vùng Vịnh: Nguy cơ “gậy ông đập lưng ông”

Thứ ba, 13/06/2017 08:58

(Cadn.com.vn) - Saudi Arabia có thể khiến Qatar bị tổn thương với bất kỳ biện pháp tấn công nào. Nhưng vấn đề đặt ra là cũng có rất nhiều cách để cuộc xung đột giữa các nước láng giềng Vùng Vịnh có thể làm tổn thương nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này - thậm chí nếu Riyadh thắng trong cuộc chiến lần này.

Căn cứ quân sự Mỹ ở Qatar. Căn cứ này được xem là “cứu cánh” cho Qatar
trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay. Ảnh: AP

Trong suốt tuần qua, Saudi Arabia và các đồng minh Arab tăng sức ép lên Qatar, cắt giảm quan hệ ngoại giao và áp đặt phong tỏa bằng đường bộ, đường biển và đường không đối với quốc gia nhỏ bé nhưng giàu dầu mỏ này.

Phần nổi của vấn đề mà các nước đưa ra là do Doha bảo trợ khủng bố.  Nhưng giới phân tích cho rằng, có thể thấy rõ, mục tiêu là buộc Qatar ngừng ủng hộ Iran - đối thủ truyền kiếp của Saudi Arabia - và các nhóm bị liệt vào danh sách khủng bố trong khu vực. Bản thân Doha cũng luôn than vãn rằng, họ đang bị trừng phạt vì những điều mà họ không làm.

Thật ra, bất đồng giữa Qatar với các nước Arab đã âm ỉ từ lâu. Nhưng quy mô của cuộc khủng hoảng hiện nay là mới, và nó bùng nổ trong bối cảnh một Trung Đông đang bị phân cực sâu sắc. Saudi Arabia phải vật lộn để áp đặt các vấn đề ở Syria và Yemen. Bây giờ, bất hòa lan rộng đến vòng tròn quyền lực bên trong các chế độ quân chủ Vùng Vịnh, tại thời điểm khi Riyadh và hoàng tử trẻ tuổi của họ là Mohammed bin Salman đang khẩn trương tìm kiếm đầu tư nước ngoài để hiện đại hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.

Nhưng cũng giống như các vụ đụng độ khác trong khu vực, trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh lần này, không phải tất cả đều quy tội cho Saudi Arabia. Theo cáo buộc của Saudi Arabia, Qatar khuấy động rắc rối khắp nơi gồm việc thúc đẩy phong trào Anh em Hồi giáo (MB) và nhóm Hamas, tiến đến quan hệ thân mật với Iran. Và còn đó là việc Doha tài trợ cho mạng lưới truyền hình Al-Jazeera, vốn từng chỉ trích các đồng minh Arab.

Cho đến nay, Qatar vẫn không trả đũa và cũng không nao núng dù các biện pháp trừng phạt đã cản trở dòng chảy hàng hóa nhập khẩu vào Qatar, đồng thời khiến nhiều ngân hàng nước ngoài giảm quy mô làm ăn với nước này. Trong bài phỏng vấn phát sóng ngày 12-6, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi tuyên bố, nước này có thể dễ dàng bảo vệ kinh tế và đồng tiền nước này trước các biện pháp trừng phạt của các quốc gia Arab khác.

“Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ có Qatar mới bị thiệt hại. Nhưng thực tế, nếu chúng tôi mất một USD, họ cũng thiệt hại một USD”, Bộ trưởng Emadi nhấn mạnh và khẳng định, Doha có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, Viễn Đông và Châu Âu, đồng thời sẽ đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa.  Ngoại trưởng Qatar Mohammed Al Thani cũng khẳng định với các phóng viên tại Doha: “Chúng ta có thể sống như thế này mãi mãi”.

Nền kinh tế Saudi Arabia lớn hơn Qatar 4 lần. Dân số cũng lớn hơn 10 lần. Nhưng điều đó không có nghĩa là Riyadh “bình yên” trong cuộc chiến này. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash, trong cuộc phỏng vấn gần đây, xác nhận uy tín của Vùng Vịnh – vốn được xem như một điểm đến cho sự ổn định - có thể đã mất. Nếu muốn trả đũa, Qatar có thể đe dọa rời khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Điều đó sẽ đánh vào nỗ lực lớn của Riyadh – đó là hướng đến một liên minh gần gũi hơn. Qatar còn có khả năng sẽ giành chiến thắng đằng sau hậu trường nhờ sự ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga.

Một thành viên khác của GCC Kuwait, đang dẫn đầu những nỗ lực để đảm bảo, mọi thứ không đi quá xa. Ngày 12-6, UAE và Saudi Arabia cho thấy những dấu hiệu xoa dịu căng thẳng với Qatar. Theo đó, cả Tổng thống UAE Sheikh Khalifa Bin Zayed Al-Nahyan và Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdulaziz Bin Saud đều cho rằng cần thể hiện lòng khoan dung với những gia đình Qatar - UAE và Qatar - Saudi Arabia vì những lý do nhân đạo. Trước đó, hôm 10-6, Mỹ báo hiệu rằng, họ muốn lệnh cấm vận nhằm vào Qatar được dỡ bỏ.

Khả Anh